Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Léonard Da Vinci (1452 - 1519)



Trong cả cuộc đời sáng tác nghệ thuật của mình, Da Vinci để lại không nhiều tác phẩm như các nhà danh hoạ khác nhưng mỗi tác phẩm ông để lại đều là thành tựu của niềm say mê nghệ thuật và hiểu biết khoa học. Với tinh thần của chủ nghĩa nhân văn, là con người - chứ không phải thiên đường, không phải Chúa, làm trung tâm để nhận thức và mô tả. Chính tư tưởng của ông đã kéo thế  giới trong tranh vốn xa lạ với con người trở lại cuộc sống thực tại.  Nhân vật  của ông dù lấy chủ đề trong tôn giáo hay là con người bình dị cũng không có  điểm gì khác biệt. Do vậy, sáng tạo của ông là để dành cho mọi người, nó ở  trong mỗi người!
Nghệ thuật thời Phục hưng xuất phát từ Italia, bắt đầu bằng ý tưởng khôi phục lại những vẻ đẹp vốn có của nghệ thuật Hy Lạp thời cổ đại đã bị ''đêm trường trung cổ'' chôn vùi trong những bức tường ngăn lạnh lẽo của tôn giáo, nhà thờ. Nhưng thành tựu mà nghệ thuật thời Phục hưng để lại cho đến ngày nay vẫn không khỏi làm cho người ta ngỡ ngàng, bởi nó đã vượt ra ngoài một cuộc ''khôi phục'' đơn thuần, nó là những sáng tạo tuyệt mỹ của tình yêu nghệ thuật chân chính, của sự hoà đồng trong thiên nhiên tươi đẹp; nó là những bản hoà ca  say mê cuộc sống trần thế, chống lại những ràng buộc vốn nặng trĩu trên vai của thời trung cổ.
Italia là cái nôi của nghệ thuật Phục hưng, nơi được coi là trung tâm mỹ thuật của thế giới, từ đây, những kiệt tác kiến trúc, hội hoạ ra đời gắn liền với nhưng cái tên xứng đáng được coi là người tạo nên lịch sử, Đó là bộ ba: Léonard Da Vinci, Raphael, Michelangelo, trong đó Léonard Da Vinci không những là nhà danh hoạ, điêu khắc tài ba mà còn được mệnh danh là ''bộ óc bách khoa của nhân loại''.
Ngày 15 tháng 4 năm 1452 tại một thị trấn nhỏ vùng núi Tuscama thuộc miền Trung Italia, Léonard Da Vinci chào đời. Cha của Da Vinci xuất thân từ một gia đình khá có danh vọng tại địa phương. Tương truyền ông sống đến 80 tuổi, kết hôn đến bốn lần và có rất nhiều con cái. Mẹ của Da Vinci xuất thân từ  nông dân, sau khi sinh Da Vinci thì gửi Da Vinci cho cha ông cùng người kế  mẫu nuôi. Cậu bé Da Vinci lớn lên khoẻ mạnh, tính tình ôn hoà, thông minh. Cậu đặc biệt ham thích hội hoạ và âm nhạc. Tương truyền, cậu thường tự đánh  đàn và hát những khúc ca mình sáng tác cho những người xung quanh nghe làm cho mọi người hết sức khen ngợi. Những bức tranh của cậu được cha cậu mang đến hỏi ý kiến của danh họa nổi danh nhất thời bấy giờ là Verrocchio, nhà danh hoạ này lập tức khuyên người cha nên cho con đi học vẽ. Do vậy, khoảng năm 15 tuổi, Da Vinci đến học việc tại xưởng nghề của Verrocchio tại Florence.
Có  thể nói, Florence là một trung tâm nghệ thuật của nước ý lúc bấy giờ. Nơi đây tập trung đông đảo các học giả và các nhà mỹ thuật nổi tiếng. Tại  xưởng hoạ của Verrocchio, Da Vinci được làm quen với người thầy của Raphael sau này là Antonio Pollaiuolo. Người này hơn Da Vinci 6 tuổi và cũng từng có một số ảnh hưởng với nhà hội hoạ thiên tài. Trong những năm Da Vinci theo học Verrocchio thì ở phương Tây chưa có một hệ thống giáo dục mỹ thuật, vì  thế nếu muốn học nghề thì phải theo những người thầy học tại xưởng hoạ của  họ. Công việc chủ yếu của học trò là giúp thầy làm những công việc vặt vãnh trong nghề như: chuẩn bị giá vẽ, nghiền bột màu... để từ từ nắm bắt kỹ thuật. Việc học vẽ của Da Vinci cũng không phải ngoại lệ.
Thời kỳ đầu của nền nghệ thuật Phục hưng, trong tâm lý của con người lúc đó, ai cũng mong muốn mình trở thành con người hoàn thiện trên nhiều lĩnh vực. Lý tưởng con người vạn năng đó đã thể hiện một cách đầy đủ và hoàn mỹ đối với bản thân Da Vinci. Ngay từ khi học việc, ông tỏ ra không hài lòng với việc đóng khung hoạt động trong một ngành nhất định. Ông luôn luôn hứng thú tìm hiểu thiên nhiên, tò mò tìm cách giải đáp những câu hỏi thuộc ngành giải phẫu. Tuy vậy, trong xưởng hoạ, ông mau chóng tiến xa những bạn đồng môn, là một người được thầy tin tưởng giao vẽ một số phần trong tranh của thầy. Năm 1472, ông là hội viên của hội mỹ thuật, do vậy đã có khả năng độc lập về công việc.
Bức tranh Bonois Madonna vẽ vào khoảng năm 1478 là tác phẩm do chính tay Da Vinci hoàn thành. Bức tranh vẫn còn rơi rớt phong cách hội hoạ cũ, nhưng trong đó đã chứa đựng tư tưởng dung hoà những hiểu biết thiên nhiên vào tranh, tạo nên những ấn tượng về sự tươi mới, sinh động cho cảnh sắc và con người. Đến năm 1478, Da Vinci mở xưởng hoạ đầu tiên của mình. Ít lâu sau, ông vẽ bức Adoration of the Magi lấy đề tài trong cuốn Kinh thánh, bức tranh  dự báo một thời đại sáng tác rực rỡ của Da Vinci.
Mặc dù Florence là cái nôi mỹ thuật của ý, trong thành phố này, các nhà  hội hoạ, điêu khắc đã sáng tạo nên nhiều kiệt tác góp phần đem lại một bầu  không khí nghệ thuật đầy hứng khởi cho bất cử ai ham mê cái đẹp...nhưng Da Vinci lại cảm thấy mình không hợp với Florence. Ông đến Milan vào năm 1482  theo lời mời của vị đại công tước - người đang thống trị thành phố này. Ông trở thành công trình sư, hoạ sĩ của riêng vị đại công tước này. Từ đây bắt đầu một thời kỳ huy hoàng nhất trong sự nghiệp của ông. Ông có thời gian nghiên cứu  các vấn đề thuộc về khoa học kỹ thuật, đề xuất nhiều ý tưởng kiến trúc độc đáo, xây dựng những tường thành phòng thủ, kể cả thiết kế phục trang, sáng tác nhạc, vẽ bối cảnh sân khấu... trong khi đó ông vẫn không quên sáng tác hội hoạ.
Bức Madonna of the Rocks vẽ trong khoảng 1483 đến 1485 là bức tranh thể hiện một cách rõ nét những đặc trưng hội hoạ Phục hưng thời kỳ hưng thịnh nhất. Nhân vật được sắp xếp theo hình kim tự tháp, đây là dạng thức kết cấu làm cho nhân vật có được sự sinh động, hài hoà. Một đặc trưng khác của hội hoạ Da Vinci là những chi tiết tinh xác đã được khắc hoạ vĩnh viễn vào toàn thể. Nhờ những quan sát kĩ trong tự nhiên cũng như đối với bộ phận cơ thể người mà những hình tượng của Đức Mẹ, của Chúa... hiển hiện sinh động như một con  người đang tồn tại trước mắt. Lần đầu tiên, Da Vinci sáng tạo nên một tác phẩm hội hoạ chính xác về đường nét, hài hoà về màu sắc và mang hơi thở của tự  nhiên trần thế. Mặc dù cũng là hình ảnh của tôn giáo nhưng bức tranh thời Trung cổ chỉ là những hình phẳng hai chiều, đến Da Vinci đó là những không gian ba chiều, nhân vật thánh nhưng bình dị như người bình thường. Có thể nói,  kể từ bức tranh này, Da Vinci đã kéo thiên đường xuống hạ giới!
Da Vinci đặc biệt yêu thích tác phẩm Madonna of the Rocks và công chúng cũng đón nhận nó hết sức nồng nhiệt. Tận hai mươi năm sau, Da Vinci đã sáng tác những biến thể cùng tên nhưng những bức tranh này không thể sánh được với bức ra đời đầu tiên.
Năm 1495, Da Vinci bắt đầu vẽ kiệt tác Last Supper bên trong tu viện Santa Maria delle Grazie. Trong khoảng thời gian chừng hai năm, Da Vinci đã phác thảo nhiều lần và suy đi tính lại cho một sự thể nghiệm hoàn toàn mới đối với bức tranh mang chủ đề tôn giáo quá quen thuộc này. Cũng giống như những nhà hội hoạ, kiến trúc khác, Da Vinci coi sáng tạo nghệ thuật là hoạt động trí lực, chúng là sản phẩm của tâm linh và trí não chứ không phải là một loại kỹ năng thủ công. Da Vinci tiến hành vẽ trong một khoảng thời gian rất dài, vừa vẽ  vừa nghĩ, vừa tìm những người mẫu ưng ý diễn đạt hình thể và tâm tưởng của Chúa và mười hai môn đồ. Có một câu chuyện hết sức đáng lưu tâm trong khi Da Vinci vẽ bức tranh này. Chuyện kể rằng, Da Vinci đã vẽ hết các khuôn mặt cần thể hiện, trừ Jesus và Judas - kẻ phản bội. Ông chưa thể tìm được người mẫu ưng ý. Với sự giúp đỡ của tu viện trưởng, người ta dẫn đến cho ông một chàng thanh niên có khuôn mặt thánh thiện, rất giống khuôn mặt của Jesus. Da Vinci  rất ưng ý và lập tức bắt tay vào việc. Nhưng vẽ xong khuôn mặt Jesus rồi, Da Vinci lại phải ngừng công việc vì cảm thấy không thể thực hiện ngay khi bắt  buộc phải vẽ nét chân dung kẻ tội đồ. Lần này là một việc khó khăn. Sở dĩ người ta có thể kiếm được rất nhiều khuôn mặt thánh thiện nhưng để tìm một khuôn mặt như Judas thì không phải đơn giản! Bao nhiêu người dẫn tới làm mẫu cho  Da Vinci vẽ mà ông không vừa lòng. Công việc ngủng trệ. Sau nhiều năm, người ta dẫn tới cho ông một người tù xấu xí và có khuôn mặt ươn hèn, phản trắc. Dường như đó là khuôn mặt dành cho Judas. Khi Da Vinci vẽ gần xong bức tranh, người tù đã chỉ vào khuôn mặt của Jesus và đau đớn thú nhận: nhiều năm trước, chính anh ta đã ngồi làm mẫu cho Da Vinci vẽ khuôn mặt Jesus, vì cuộc sống xô đẩy anh ta trở thành một tên lưu manh!
Bức tranh lấy bối cảnh của bữa tiệc cuối cùng, Jesus cùng mười hai môn đồ ăn một bữa tối cùng nhau trước khi Jesus bị bắt và hành hình. Trong bữa tiệc, Jesus dự báo cho họ biết là sẽ có một người trong số họ bán đứng mình. Lấy Jesus làm trung tâm, Da Vinci hướng mọi ánh mắt của mười hai môn đồ vào Jesus. Môn đồ chia thành bốn nhóm, mỗi nhóm ba người, ngồi hai bên Jesus và  so le với nhau rất sinh động. Đồng thời, không như những hoạ sĩ trước thường dùng vòng hào quang để phân biệt Jesus, Da Vinci đã mạnh dạn không dùng  vòng hào quang mà dùng ánh sáng của những khung cửa sổ tôn lên hình ảnh của Jesus. Còn lại Jesus và những môn đồ đều được khắc hoạ như những người bình thường. Kẻ phản bội Judas cũng không nằm tách riêng mà Da Vinci vẫn đặt hắn ở giữa các môn đồ. Người xem chỉ có thể nhận ra hắn bằng suy luận tâm lý. Khi Judas nghe thầy mình có lời dự báo như thế, hắn giật mình và thân thể đột nhiên co rút lại và chuyển sang một bên.
Bức tranh này được vẽ trên tường và qua thời gian nó đã bị hư hỏng nặng. Nhưng trong lịch sử mỹ thuật thế giới, đây là một kiệt tác cùng với tượng David của Michelangelo và Trường Athen của Raphael là ba tuyệt phẩm của mỹ thuật Phục hưng thời cực thịnh.
Năm 1500, do Pháp tiến đánh Milan, Da Vinci trở về Florence khi thời thế ở đây đã hoàn toàn thay đổi. Thầy của Da Vinci đã chết từ lâu, nhà hội hoạ và điêu khắc trẻ tuổi Michelangelo đang trỏ thành niềm kiêu hãnh của Florence. Tuy nhiên, Da Vinci vẫn nhận được sự tiếp đón nồng nhiệt của công chúng, họ đến xem bức The Madonna anh Child with S. Anne như tham dự một lễ hội. Nhưng thành quả tuyệt diệu nhất trong lần trở về Florenee là bức Mona Lisa được Da Vinci vẽ khoảng 1503 - 1506. Đầu năm 1503, Da Vinci nhận lời mời  của một thương gia tại Florence là Gioconda đến vẽ cho phu nhân của ông ta một bức chân dung.
Mona Lisa là một bức hoạ bán thân. Hầu như những bức hoạ bán thân đều vẽ nhân vật ở tư thể nhìn nghiêng hoặc nhìn thẳng, điều đó không tránh khỏi sự  khô cứng. Da Vinci dùng động tác tự nhiên của Mona Lisa, đặt hình thể của nàng trong một hình tam giác kiểu kim tự tháp để xóa bỏ cảm giác quá hài hoà và ổn định, ông để cho thân hình của nàng ngồi hơi nghiêng. Da Vinci cũng dùng y phục màu sậm để làm nổi bật khuôn mặt và đôi tay của nàng. Cảnh sắc nền bức hoạ được xử lý bằng không gian tự nhiên, khiến cho khuôn hình của Mona Lisa sống động và được bao phủ bằng những đường nét mềm mại.
Tương truyền, Mona Lisa khi ngồi làm mẫu, để nhân vật đạt được độ chân thực tối đa, Da Vinci nói chuyện với nàng, mời người đánh đàn, kể chuyện cười cho nàng nghe, cố gắng duy trì sự tự nhiên và trạng thái vui vẻ. Nhờ vậy, ông đã nắm bắt được cái thần trên khuôn mặt nàng, đó là ánh mắt sáng, nụ cười làm cho khoé miệng hơi nhếch, vĩnh viễn lưu lại một ẩn ý thần bí. Nụ cười của nàng cho đến ngày nay người ta cũng không thể cắt nghĩa được!
Kiệt tác Mona Lia đã thống nhất một cách cao độ giữa lý tưởng hoá và cá tính hoá, kết hợp một cách hoàn thiện sự quan sát tỉ mỉ và cảm xúc sáng tác của thiên tài Da Vinci. Da Vinci coi đây là tác phẩm yêu thích không thể xa rời của mình nên đã không trao bức tranh cho vợ chồng Gioconda. Đến năm 1517, ông mang nó sang Pháp và bức tranh bắt đầu cuộc phiêu lưu của mình trước khi nó yên vị tại Louvre.
Năm 1503, khi còn ở Florence, ông được toà thị chính thành phố mời đến vẽ bức Pattle of Anghiari, Trong phòng hội nghị của toà thị chính, Michelangelo cùng tham gia vẽ một bức tranh khác. Người ta đặc biệt lưu tâm đến cuộc so tài  của hai bậc thầy lớn này, trong đó có cả Raphael. Nhưng do Da Vinci thử  nghiệm một loại màu vẽ tranh sơn dầu mới của mình vừa sáng chế, cho nên bức  tranh của ông sau một thời gian hoàn thành đã hư hại. Do đó nảy sinh mâu thuẫn giữa nhà hội hoạ và toà thị chính. Chưa giải quyết được thì viên tổng đốc người Pháp chiếm giữ Milan mời ông trở lại Milan làm việc, Da Vmci đồng ý ra đi.
Nhưng đến năm 1513 ông lại lưu lạc đến Rome, nơi Raphael đang nổi tiếng. Thời gian này ông ngừng sáng tác mỹ thuật và quay trở lại nghiên cứu khoa học. Ông là một trong những người đầu tiên có ý định giải phẫu cơ thể người phục vụ cho khoa học. Việc làm này bị giáo hội cấm đoán, nhưng Da Vinci vẫn không từ bỏ ý định mày mò nghiên cứu trên cơ thể động vật và tạo nên những bức phác thảo chính xác gần như tuyệt đối. Ông cũng tự vẽ cho mình  một bức phác thảo, còn gọi là bức chân dung tự hoạ.
Năm 1515, Francis I trở thành vua của nước Pháp ở phía Bắc. Da Vinci sống trong trang viên riêng của mình trong triều đình Pháp và được tạo mọi cơ hội để sáng tác. Nhưng ông chỉ chỉnh lý được những phác hoạ và những công trình nghiên cứu khoa học của mình. Khá nhiều bức vẽ mô tả những trải nghiệm phi thường của một trí tuệ siêu việt ấp ủ ước mơ biến những điều không thực trở thành có thể, ví như ông đã phác hoạ những động cơ đầu tiên có thể giúp con người bay được. Mải mê với những ý tưởng, ông không sáng tác nữa, cho đến  khi tuổi cao, sức yếu ngày 2.5.1519, ông mất tại Pháp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét