Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

DANTE (1265 – 1321)



Dante là một thi nhân đại của Italy trong thời Trung cổ, bước sang thời kì văn hoá phục hưng và cũng là bậc thầy văn chương lớn của thế giới. Với  vai trò người đi đầu, tác phẩm của ông tuy vẫn còn rơi rớt thế giới quan thồn thời Trung cổ nhưng rõ ràng đã lấp lánh tinh thần của thời đại mới. Cho tới nay, không ai có thể phủ nhận được tài năng cũng như những cống hiến to lớn của ông cho thi ca Italy và thi ca nhân loại. Đối với Dante, nhắc đến ông là  nhắc đến Thần khúc.


Phong trào văn hoá Phục hưng diễn ra khởi nguồn từ vùng bắc Italia, nơi phát triển những đô thị tự do và giàu có như Milan, Frorence. . . Phong trào này diễn ra trong khoảng 300 năm, từ thế kỉ 14 đến hết thế kỉ 16. Trong 300 năm đó,  luồng tư tưởng về thế tục, chống phong kiến đã khơi nguồn cho những tác phẩm văn học, hội hoạ nở rộ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Nhận định về thời kỳ này, Friedrich Engels đã nói: ''Việc kết thúc chế độ phong kiến thời Trung cổ và mở đầu kỷ nguyên tư bản chủ nghĩa hiện đại ở Italia, là do một nhân vật lớn làm  đại biểu. Nhân vật đó là Dante. Ông là một thi nhân cuối cùng trong thời Trung  cổ, đồng thời lại là một thi nhân đầu tiên của thời đại mới”.
Dante Alighieri (1265 - 1321) là một thi nhân vĩ đại Italia trong thời kỳ Trung cổ bước sang thời kỳ văn hóa Phục hưng, và cũng là bậc thầy văn chương  lớn của thế giới. Với vai trò của người đi đầu, tác phẩm của ông tuy vẫn còn rơi rớt thế giới quan thần bí thời Trung cổ nhưng rõ ràng đã lấp lánh tinh thần của thời đại mới. Những sáng tác của ông miêu tả diễn biến chính trị của đất nước khi chủ nghĩa tư bản đang dần dần bén rễ là phát triển, sự tan rã mục ruỗng của những thể thức phong kiến cũ kỹ, sự hưng vong của những thành bang. Trong  đó, nổi tiếng nhất là tập Thần Khúc.
Dante sinh ra trong một gia đình quý tộc đã suy sụp thuộc phái Giáo hoàng tại Florence, trưởng thành trong bầu không khí bao phủ bởi tư tưởng thần học của phái Kinh Viện đối với mọi lĩnh vực học thuật. Thời đại Dante sống và sáng tác chính là buổi giao thời giữa cái mới và cái cũ, tức chế độ phong kiến bắt đầu suy sụp và chế độ tư bản chủ nghĩa đang dần hưng thịnh. Thời kỳ này Italia bắt đầu trở thành con đường thông thương giữa Âu Châu và phương Đông. Đến cuối thế kỷ 13, đi đôi với việc thành lập nước Cộng hoà tự trị thành  thị, sự đấu tranh giai cấp giữa Giáo hoàng La Mã kết hợp với giới phong kiến  quý tộc và tầng lớp thị dân mới lên càng ngày càng gay gắt, đặc biệt ở Florence. Phái Giáo hoàng tách đôi hai đảng lớn chống đối nhau: một bên là Bạch Đảng do gia tộc Cerchi cầm đầu, thành viên là những hộ mới phất lên nhưng không bằng lòng tiếp nhận quyền cai trị của Giáo hoàng mà muốn duy trì sự tự do và  độc lập của họ. Bên kia là Hắc Đảng do gia tộc Donati cầm đầu, thành viên bao gồm những hộ đang sa sút muốn dựa vào thế lực của Giáo hoàng để khôi phục  lại uy danh và quyền bính của gia tộc mình.
Dante quyết tâm không dính líu vào những cuộc tranh chấp nói trên, nhưng ông cũng cương quyết chủ trương Florence phải được độc lập và tự do hoàn toàn, không bị bất kỳ thế lực nào chi phối. Dần dần, do tình thế Bạch  Đảng bị trấn áp, Dante ngả về phía Bạch Đảng, lúc đó ông là một trong sáu uỷ viên chấp hành của nước cộng hoà Florence. Tình hình đấu tranh giữa hai phe ngày càng khốc liệt, Dante đã trở thành nạn nhân của những cuộc trả thù của  Hắc Đảng. Chúng tịch thu tài sản, kết án thiêu sống ông, vì vậy ông buộc phải lưu vong ở nước ngoài.
Dante đã kết giao được với những nhà thơ nổi tiếng như Guido Cavalcanti, ông đem lòng yêu cô gái Beatrice - một nguồn đề tài mới tạo cảm hứng dồi dào trong sáng tác của ông. Đặc biệt là trong tập thơ La vita nouva. Nhưng không bao lâu, cô gái qua đời. Sự việc đó đã làm cho Dante thực sự đau đớn trong một khoảng thời gian dài đằng đẵng.
Cuộc sống trôi nổi của Dante gắn liền với tình hình chính trị không ổn định tại Florence. Những năm tháng sống lưu vong, nỗi nhớ quê hương cồn cào, cùng với nỗi đau tình yêu đã làm tan nát trái tim Dante. Ông chỉ còn biết vùi quên lãng trong những sáng tác văn chương của mình.
Năm 1308, Henry 7 được cử làm hoàng đế, Dante biết hoàng đế mới là người ngay thẳng sáng suốt, trong lòng lại bừng cháy hy vọng trở về Florence. Nhưng việc chưa thành thì Henry bất ngờ qua đời. Dante vô cùng thất vọng đành vùi đầu vào sửa chữa bản thảo Thần khúc. Đến năm 1315 có tin từ  Florence cho biết, những quan chức bị trục xuất như Dante nếu bằng lòng nộp  tiền phạt và bằng lòng đội tro, cổ mang dao, đi diễu hành quanh chợ thì sẽ cho  họ trở về quê hương. Dante nghe tin đó hết sức phẫn nộ, ông đã viết thư cho bạn  bè: “... đó đâu phải cách cho tôi trở về nước nếu làm tổn thương đến danh dự của Dante thì tôi sẽ quyết định không bao giờ giẫm chân lên mảnh đất Florence nữa. Chẳng lẽ ở một địa phương khác tôi không hưởng được ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, và các vì sao hay sao? Chẳng lẽ tôi không chịu quỳ gối trước mặt  thị dân Florence thì tôi sẽ không tiếp cận được chân lý quý báu hay sao?...”. Những lời nói trên đã cho thấy tính cách cao ngạo không bao giờ chịu khuất  phục của Dante, và đến cuối đời, năm 1321 Dante vĩnh viễn ra đi nơi đất khách quê người Ravenna.
Sống Mới là tập thơ trong giai đoạn đầu sáng tác văn chương lấy nguồn cảm hứng từ tình yêu với cô gái Beatrice, gồm những bài thơ ca ngợi và tưởng niệm nàng, chen một vài đoạn văn xuôi. Đây là một tác phẩm văn học quan trọng của Dante nhưng nội dung tư tưởng của nó không nói về vấn đề xã hội mà thể hiện tình yêu với những câu thơ chứa đựng màu sắc tôn giáo, hình thức nghệ thuật thì cũng chưa đạt tới mức điêu luyện. Dante muốn đem tình yêu thế tục kết hợp một cách hài hoà với tình yêu Chúa.
Tiệc thiết khách là tác phẩm mang tính lý trí được Dante dùng ngôn ngữ thông tục để viết ra trong giai đoạn từ năm 1304 đến 1307, đặt nền tảng cho sáng tác văn xuôi mang tính chất ngữ học thông tục. Dante dựa vào việc giải thích một số tác phẩm thi ca của mình, giới thiệu cho nguời đọc những tri thức khác từ cuộc sống. Trong đó phần nào phản ánh những đau khổ, buồn bã thất vọng của ông trong thời gian sống lưu vong. Đồng thời ông muốn dùng tác  phẩm này để khoa trương tài năng và tri thức uyên bác của mình, một lần nữa  muốn ''gõ cánh cửa'' trở về quê hương. Dante đã phân tích một cách tiến bộ về thế nào là ''quý tộc'' - đó không phải là đại danh từ để chỉ người xuất thân cao quý. Một người xuất thân thấp kém nhưng có học thức uyên bác, có hành động cao thượng và được mọi ngươi tán tụng yêu mến thì cũng là một quý tộc. Đây chưa hẳn là những tư tưởng đúng đắn nhất nhưng vào thời kỳ của những định kiến phân biệt giai cấp nặng nề như thời bấy giờ thì những tư tưởng trên là hết  sức đáng trân trọng. Điều đó thể hiện rằng, Chúa đã không phải là tất cả! Dự kiến, toàn bộ quyển sách chia thành mười lăm phần. Phần một là lời mở đầu, mười bốn phần còn lại là thơ chen lẫn với những lời bình luận. Đáng tiếc là Dante chỉ hoàn thành bốn phần, những phần này hết lời ca ngợi ngôn ngữ thông tục, phê bình đả kích quan niệm đẳng cấp của phong kiến.
Thần khúc là tác phẩm nổi tiếng nhất của Dante. Không thể xác định chính xác thời điểm sáng tác tác phẩm này nhưng theo lời nói của Giovanni Boccacio thì trước khi Dante sống lưu vong thì ông đã bắt đầu viết. Những năm sau đó, người nhà của ông phát hiện được bản thảo và người bạn thân Tino di Camaino đã xem và khuyến khích Dante viết tiếp. Căn cứ theo số đông thì Thần khúc được viết từ 1307. Dante đề tựa cho tác phẩm của mình là Kịch vui. Theo đó, đây sẽ là câu chuyện làm cho người đọc vui vẻ với phong cách không gò bó  mà tình cảm của tác giả sẽ được bộc lộ một cách tự nhiên. Khi Dante đã qua đời, tác phẩm được phổ biến và mọi người thêm vào trước nhan đề hai chữ Thần  Thánh để tỏ lòng tôn kính. Thời đó, cho dù một người bình dân ít học hay không  biết chữ cũng có thể đọc thuộc lòng một vài đoạn trong tác phẩm, thậm chí có người đã gọi đó là ''Dante''.
Thần khúc được viết bằng tiếng Italia, tiếng nói dân tộc mà Dante yêu mến và dày công vun đắp. Nó gồm 100 khúc ca với 14226 câu thơ và được phân  chia như sau: khúc mở đầu, tiếp đến là phần nói về Địa ngục (35 khúc), đến  phần nói về Luyện ngục (33 khúc), sau cùng là nói về Thiên đường (33 khúc). Dante kể rằng: Mùa xuân năm 1300 là năm đại xá, năm Dante 35 tuổi bước vào  quãng ''nửa đời người'', Dante đi lạc vào một khu rừng và mau chóng không nhận ra phương hướng. Trong khi đó, cửa ra duy nhất của khu rừng bị ba con  thú dữ chắn giữ, đó là báo, sư tử, sói (những con thú tượng trưng cho những thói  xấu của người đời: ghen ty, kiêu căng, keo kiệt). May sao trong cơn nguy khốn, từ trên Thiên đường nàng Beatrice trong thấy và nhắn gọi Virgil (nhà thơ La Mã  mà Dante suy tôn là bậc thầy của mình) xuống giúp Dante thoát ra.
Virgil dẫn Dante đi qua Địa ngục, Luyện ngục và Thiên đường, bắt đầu cuộc mộng du thần bí trong suốt 7 ngày. Địa ngục có hình thù của một cái phễu  lớn gồm 9 tầng. Mỗi tầng đều được nối liền bằng những bậc thềm liên kết với  nhau. Tầng thứ nhất được gọi là ''nơi chờ xét xử'', ở đó giam cầm những người  phàm tục chưa qua lễ rửa tội. Rất đông những nhà hiền triết như Homer, Socrates. . . từ tầng thứ hai đến tầng thứ năm lại giam giữ những bọn người háo  sắc, tham lam bủn xỉn, du đãng du thực, tính tình hung dữ. Tầng thứ sáu tập trung những tín đồ tà giáo Tầng thứ bảy gồm những người tự sát, những phần tử  làm tan cửa nát nhà, những kẻ cho vay nặng lãi, còn tầng thứ tám và chín giam giữ những kẻ phản quốc, những kẻ phạm tội lừa đảo. Càng xuống những tầng phía dưới thì hình phạt càng nặng nề, khủng khiếp. Đó là vạc dầu sôi sùng sục, lửa cháy bừng bừng, cảnh tội nhân bị gặm đầu và nhai ngấu nghiến hoặc ngụp lặn trong bể máu tươi.
Dante đã tận mắt chứng kiến và miêu tả tình hình mỗi tầng địa ngục. Rất nhiều nhân vật khác nhau kể cả Giáo hoàng, nhà vua, và những quý tộc quyền quý. Như Giáo hoàng Pope Boniface trước kia từng ngồi trên ngai vàng của  Giáo hoàng La Mã, quyền uy cao tột độ, ai ai cũng sợ, từng làm những chuyện ngang ngược thế mà xuống đây lại ngồi bó gối, trở thành một tên tù binh. Tiếp đó Virgil dẫn Dante đi tới Luyện ngục. Quang cảnh nơi đây không rùng rợn như ở Địa ngục. Nơi đây gồm 7 bậc, là nơi yên tĩnh để giúp con người ăn năn hối  cải, tẩy rửa cho sạch lỗi lầm. Dante gặp những danh nhân, văn nghệ sĩ, triết gia, các bậc anh hùng quá khứ. . . Hết Luyện ngục thì Virgil từ giã Dante vì bản thân ông cũng chưa đến được Thiên đường và cũng vì Dante đã không còn là nô lệ của tội lỗi nữa. Trong cảnh sắc chan hoà ánh sáng của chốn Thiên đường, thân hình diễm lệ của nàng Beatrice hiện ra. Dante cùng nàng dạo trong vườn Den, ngâm mình trong dòng sông Quên, sông Ưu lạc để tẩy rửa linh hồn.
Trong tác phẩm, nếu hình tượng Virgil tượng trưng cho lí trí, cho trí tuệ thì hình tượng Beatrice tượng trưng cho tình yêu, cái đẹp. Cuộc hành trình của  Dante cùng với lí trí, cùng với tình yêu nhằm mục đích gì? Dante đã say sưa ca ngợi những con người như Uylix, ca ngợi những nghệ sĩ làm đẹp cho đời. Trong suốt cuộc hành trình, Dante luôn thể hiện lòng thiết tha với quyền sống và nỗi căm giận những thế lực đen tối chống lại con người, huỷ diệt sự sống. Đó là  niềm tự hào kiêu hãnh quá khứ hào hùng của tổ quốc, truyền thống và niềm tự  hào về thứ ngôn ngữ dân tộc mà Dante suốt đời gắn bó. Như vậy mục đích của cuộc hành trình phải chăng là hướng tới Chân, Thiện, Mỹ? Đó không phải chỉ là  lối đi đúng đắn của nghệ thuật mà còn là con đường nhân loại đã, đang và mãi  mãi còn đi.
Sau khi Dante qua đời, số phận của Thần khúc cũng trải qua nhiều biến động, thăng trầm. Đầu thế kỷ 15, Dante cùng với Thần khúc được xem là nghệ sĩ dân gian tầm thường. Mãi đến thế kỷ 18, khi nhà triết học duy tâm nổi tiếng của Naples là Giambattista Vico đánh giá cao Thần khúc, cho rằng Dante là Homer của Italia, trong Thần khúc là toàn bộ nền văn minh của thời Trung cổ. Kể từ đó người ta đánh giá lại Dante, thấy lại một thời Thần khúc được xem như Thánh kinh của người dân, thấy lại rằng lâu nay người ta đã lãng quên một nghệ sĩ đầy lòng nhiệt huyết với dân tộc. Cho tới nay, không ai có thể phủ nhận được tài  năng cũng như những cống hiến to lớn của Dante cho thi ca Italia và thi ca nhân  loại. Đối với Dante nhắc đến ông là nhắc đến Thần khúc!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét