Tính cách của người Mỹ rất đa dạng, vì họ là một tập hợp của nhiều dân tộc di cư. Ở đây chỉ bàn về vài đặc trưng tính cách của nhóm tín đồ đạo Tin Lành (Protestantism) người Anglo-Saxon đầu tiên di cư tới vùng Đông Bắc nước Mỹ. Tuy đến đây sau một số dân tộc châu Âu khác, song nhóm dân này lại góp phần chính xây dựng nên nước Mỹ, là đại diện cho người Mỹ. Các đặc trưng tính cách ấy có thể khái quát ở 4 điểm: chủ nghĩa cá nhân, quan niệm tự do bình đẳng, tinh thần mạo hiểm cầu tiến và thực dụng; chúng đều là sản phẩm của điều kiện con người, địa lý, tín ngưỡng tôn giáo, chế độ chính trị và kinh tế của nước Mỹ.
Nhiều người gọi nước Mỹ là thiên đường của chủ nghĩa cá nhân (CNCN), vì ở Mỹ cá nhân được đề cao nhất thế giới; khác với chủ nghĩa tập thể thịnh hành ở phương Đông. CNCN ấy bắt nguồn từ tín ngưỡng của những người Anh nhập cư đầu tiên - đạo Tin Lành, một tôn giáo bị quốc giáo Anh bài xích hãm hại - vì thế họ phải liều chết vượt biển sang Mỹ tìm một cuộc sống mới. Đạo này chủ trương tự do tín ngưỡng và tín ngưỡng đối với Thượng Đế chủ yếu phải dựa vào từng cá nhân chứ không phải qua các linh mục hoặc các nghi thức tôn giáo. Quan điểm đó khẳng định giá trị của cá nhân, trở thành nền tảng cho CNCN phát triển mạnh. Chính khách uy tín bậc nhất nước Mỹ là Jefferson cho rằng người ta đều có xu hướng tốt, chỉ cần tạo ra cơ chế hợp lý để cho từng cá nhân tự do hành động thì xã hội sẽ phát triển nhanh. Ở Mỹ, tham vọng kiếm lợi không bị lên án mà được hoan nghênh, miễn là không phạm pháp.
CNCN thể hiện rõ nhất vào thời kỳ Tây tiến: người ta ồ ạt kéo nhau tới miền Tây để làm giàu. Cuối thế kỷ XIX, nước Mỹ bắt đầu công nghiệp hóa, toàn dân đua nhau kinh doanh sản xuất. Lúc này CNCN có thêm nội dung mới: nhấn mạnh nguyên tắc lập nghiệp, cạnh tranh và bình đẳng về cơ hội của các cá nhân. Nói tóm lại, người Mỹ cho rằng mỗi người đều có quyền tự chọn con đường của mình, không ai được can thiệp; tư cách và giá trị của cá nhân được tôn trọng tới mức cao nhất. Người nước ngoài thường cho rằng CNCN ở Mỹ có phần cực đoan, thái quá.
CNCN tác động lớn đến mọi mặt đời sống xã hội Mỹ, là động lực chính thúc đẩy xã hội phát triển. Sự giàu lên nhanh chóng và tiến bộ vượt bậc về mọi mặt của nước Mỹ mấy thế kỷ qua càng làm cho họ tin vào sức mạnh của cá nhân. Mỗi cá nhân trong gia đình đều được tôn trọng như nhau, cha mẹ không thể bắt con nghe lời mình mà phải bình đẳng với con, tôn trọng ý kiến chúng. Nếu ý kiến hoặc yêu cầu của con không hợp lý, cũng không được từ chối mà phải giải thích, thuyết phục. Việc có liên quan đến con thì phải hỏi ý kiến chúng rồi mới quyết định. Khi con 17-18 tuổi, hầu hết các gia đình đều cho con tự lập. Lũ trẻ cũng không thích ở nhà mà thích ra ngoài lập nghiệp kiếm sống.
Người Mỹ cho rằng dựa vào sự phấn đấu của mình để tự kiếm sống là thể hiện giá trị cá nhân, là việc vẻ vang đáng tự hào. Lớp trẻ không thích sống dựa vào thế lực hoặc tài sản của cha mẹ. Như khi con đã lớn, nếu cả nhà đi ăn hiệu thì ai nấy tự trả tiền ăn của mình; họ coi đó là lẽ thường, không thể để người khác trả thay mình. Không làm mà hưởng bị coi là hèn kém. Con giúp cha mẹ làm việc nặng nhọc thì cha mẹ phải trả công cho con. Khách trả tiền boa cho người phục vụ là điều dĩ nhiên, là sự thừa nhận giá trị lao động của họ. Giúp ai việc gì, họ trả thù lao là chuyện hợp lý, không có gì phải xấu hổ …
CNCN còn thúc đẩy người Mỹ theo đuổi sự độc đáo và độc lập, không a dua số đông, không chịu ảnh hưởng của người khác, không ai chịu giống ai.
Những người Anh đầu tiên di cư tới Mỹ là để tạo dựng một cuộc sống tự do không có đẳng cấp như ở nước Anh phong kiến. Bởi vậy nguyên tắc tự do bình đẳng được họ nêu lên ngay ở phần đầu Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ: “Chúng tôi cho rằng những điều dưới đây là sự thật hiển nhiên: tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng, Tạo hóa cho họ các quyền không thể tước đoạt, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” (We hold these Truths to be self-evident, that all Men are created equal, that they are endowed by their Creator with certain unalienable Rights, that among these are Life, Liberty, and the Pursuit of Happiness). Song tư tưởng tự do bình đẳng của người Mỹ khác nhiều so với cũng tư tưởng ấy do Voltaire, Rousseau đề xuất. Người Mỹ hiểu bình đẳng chủ yếu là bình đẳng về cơ hội chứ không phải là bình đẳng về địa vị, tài sản, hưởng thụ: Ai cũng được xã hội tạo cho cơ hội như nhau, song do khác về mức phấn đấu, năng lực sở trường nên kết quả tất sẽ khác nhau. Đó là sự bình đẳng về điểm xuất phát chứ không bình đẳng về kết quả; họ hiểu trong bình đẳng có hàm chứa bất bình đẳng; bất bình đẳng là điều tất nhiên, tuyệt đối bình đẳng là trái quy luật phát triển. Họ bình thản tiếp nhận sự thua lỗ phá sản trắng tay, từ hữu sản bỗng chốc biến thành vô sản mà không nổi loạn. Người Mỹ không sợ phân hóa giàu nghèo; người nghèo không ganh tỵ với người giàu. Tài sản cá nhân được luật pháp bảo vệ. Dù có khoảng cách giàu nghèo cực lớn song xã hội Mỹ vẫn ổn định mấy trăm năm liền, không vì thế mà có biến động chính trị lớn.
Ở Mỹ vẫn có những người do thừa kế tài sản nên họ có thể không làmvẫn hưởng, không tuân theo nguyên tắc bình đẳng cơ hội, nhưng đó chỉ là số ít, và nhà nước đánh thuế thừa kế tài sản cực nặng, có người không dám thừa kế vì không đủ tiền nộp thuế. Ngược lại, châu Âu và phương Đông còn giữ tục thừa kế. Như Nữ hoàng Anh kế tục ngôi vua cùng tài sản cực lớn của hoàng tộc. Tổng thống (TT) Mỹ thì không có chế độ ấy. Lincoln xuất thân nghèo khổ mạt hạng, chỉ nhờ phấn đấu mà trở thành TT Mỹ.
Hiến pháp Mỹ dành cho dân rất nhiều quyền tự do về tín ngưỡng, ngôn luận, xuất bản, hội họp, biểu tình mít tinh … song lại nhấn mạnh chỉ được tự do trong khuôn khổ pháp luật, nghĩa là tôn trọng tự do của kẻ khác và giữ gìn ổn định xã hội. Vượt quá giới hạn đó là vô chính phủ, chứ không phải là tự do, và sẽ bị pháp luật ngăn chặn. Riêng quyền tự do ngôn luận được đề cao hơn hết.
Quan niệm tự do bình đẳng hình thành định hướng giá trị và chuẩn mực cơ bản của xã hội, tác động rất lớn đối với đời sống nước Mỹ. Năm 1983, TT Reagan ra lệnh yêu cầu mọi nhân viên nhà nước có tiếp xúc với văn kiện mật phải tiếp nhận “kiểm tra nói dối”. Lệnh này bị mọi người phản đối ầm ỹ vì cho là can thiệp tự do cá nhân, vi phạm nhân cách. Bộ trưởng ngoại giao Shultz tuyên bố thà từ chức chứ không chấp nhận kiểm tra nói dối. Năm 1984, Quốc hội Mỹ thông qua một tu chính án hiến pháp quy định học sinh các trường công hàng ngày phải“dành một phút cầu nguyện Thượng Đế”. Nhiều người phản đối kịch liệt. Chánh án Tòa án tối cao Stevens nói chính phủ không có quyềnlàm thế, vì ai cũng có quyền tự do tín ngưỡng hoặc không tín ngưỡng …
Người Mỹ giàu tinh thần mạo hiểm và vươn lên, cầu tiến. Nhờ thế mà chỉ trong hơn 300 năm họ đã biến vùng đất hoang bắc châu Mỹ thành một quốc gia giàu mạnh nhất thế giới - kỳ tích này chưa dân tộc nàolàm được dù có hàng ngàn năm lịch sử. Họ không bao giờ thỏa mãn với hiện trạng, luôn tràn đầy niềm tin tiến lên, xông xáo khám phá. Thích cái mới, thích cá cược là nét mạo hiểm điển hình Mỹ. Thời kỳ Tây tiến, nhiều gia đình liều lĩnh bỏ quê hương kéo nhau đến miền Tây khai thác tài nguyên …; nhiều người bỏ mạng nhưng họ không lùi bước. Tất cả chỉ vì muốn sống sung sướng hơn nữa, dù trước đó họ đã sống khá sung túc. Trong khoa học kỹ thuật, họ luôn khám phá, mạo hiểm, dám đưa người lên tận Mặt Trăng từ năm 1969. Hầu hết phát minh sáng chế trong mấy thế kỷ qua đều là của người Mỹ, từ quần bò cho tới máy bay, điện thoại di động, tàu vũ trụ. Họ ít quan tâm gửi tiền tiết kiệm; có tiền là tiêu ngay hoặc đầu tư kiếm lời, không sợ rủi ro. Thị trường chứng khoán ra đời tại Mỹ chứ không phải ở nước Anh có nền tài chính lâu đời nhất. Hầu hết dân Mỹ mua cổ phiếu. Các công ty Mỹ khi mới lập nghiệp không thích vay ngân hàng mà ưa gọi cổ phần. Người Mỹ có sáng kiến lập ra các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhờ đó công nghệ cao phát triển nhanh nhất thế giới.
Lạc quan phấn đấu vươn lên không ngừng – đặc điểm đó bắt nguồn từ tính duy vật của đạo Tin Lành mà tổ tiên người Mỹ tin theo khi họ mạo hiểm tới châu Mỹ tìm cuộc sống tự do sung sướng. May sao vùng đất này vô cùng mầu mỡ và rộng bao la, khiến họ nhanh chóng thực hiện “Giấc mơ Mỹ”. Nhiều năm nay nước Mỹ giàu có, của cải ê hề, dẫn đầu thế giới về mọi mặt; được làm người Mỹ là một ước mơ của không ít người; vì thế dòng người di cư sang Mỹ từ khắp thế giới chưa bao giờ dừng, kể cả từ châu Âu. Trong khi các tôn giáo lớn đều đặt niềm tin vào thế giới sau khi chết, coi khinh đời sống vật chất trần tục thì tinh thần tôn giáo ở Mỹ lại coi việc làm giàu ở thế giới này cũng là phục vụ Thượng Đế. Họ coi ai làm ra nhiều của cải vật chất thì người đó hữu ích cho đất nước và nhân loại hơn mọi chính khách và các vị thánh. Một lãnh tụ Tin Lành là John Calvin (1509-1564) từng nói: ai trồng nhiều ngô, nuôi nhiều cừu, dựng nhiều nhà thì người đó càng dễ được Thượng Đế lựa chọn. Tín điều ấy khiến người Mỹ coi việc có nhiều tài sản vật chất là sứ mệnh Thượng Đế trao cho mình, để hoàn thành sứ mệnh đó họ quên mình mạo hiểm lao động, khám phá. Môi trường xã hội Mỹ khiến mọi người thấy chỉ cần chịu khó phấn đấu thì sẽ sống tốt hơn, có thể giàu bao nhiêu cũng được. Ngay khi mới lập quốc, họ đã xác lập nguyên tắc chính trị tự do bình đẳng và thực hành cơ chế tự do kinh doanh. Điều đó giúp họ mãi mãi giữ được tinh thần mạo hiểm vươn lên. Hiến pháp Mỹ (thi hành từ năm 1787) là sự bảo đảm về chế độ cho tinh thần ấy, khiến nó trở thành một truyền thống văn hóa Mỹ. Chính quyền các cấp không được can thiệp vào hoạt động kinh tế của dân, họ muốn làm gì và làm thế nào cũng được, miễn là không phạm pháp.
Tinh thần thực dụng coi nhẹ hình thức, trọng hiệu quả thực tế và kinh nghiệm, ghét lý luận giáo điều là một đặc trưng rất “Mỹ”. Người Mỹ dùng tiêu chuẩn có lợi hay không để đánh giá mọi chủ nghĩa, nguyên tắc, quy định. Cứ thấy lợi là họ làm, chẳng sợ trái với cách làm của tổ tiên. Khi cần, họ sẵn sàng sửa đổi thậm chí xa rời cả các nguyên tắc lớn, bỏ định kiến, phong tục cũ để tiếp nhận quan điểm và phong tục mới chứ không bám lấy truyền thống. Nghe đâu một TT Mỹ từng nói“Truyền thống của người Mỹ là … không có truyền thống”. Thập kỷ 30, để cứu nước Mỹ ra khỏi đại khủng hoảng kinh tế, TT Roosevelt thi hành Chính sách Mới (New Deal), cho phép nhà nước can thiệp vào hoạt động kinh tế, thực hiện phúc lợi xã hội cải thiện đời sống người nghèo - điều đó trái với truyền thống tự do kinh doanh của xã hội Mỹ; song bấy giờ người Mỹ hiểu rằng không làm thế thì nền kinh tế sẽ sụp đổ, tự do bình đẳng chỉ còn là nói suông. Đến thập kỷ 80, thấy chính sách phúc lợi tạo ra một tầng lớp lười nhác ăn bám ngày một đông, TT Reagan lại đưa ra chủ trương cắt giảm phúc lợi.
Truyền thống thỏa hiệp trong đời sống chính trị Mỹ là một biểu hiện tính thực dụng. Hai thí dụ sau nói lên tính thực dụng nhẹ nguyên tắc, nặng hiệu quả của người Mỹ. Trong hội nghị lập hiến năm 1787, hai phái liên bang (LB) và phái chống LB mâu thuẫn nhau cực kỳ sâu sắc, có lúc tưởng như hội nghị tan vỡ. Phái LB chủ trương lấy số dân của bang làm cơ sở xác định địa vị bang đó, phái chống LB đòi các bang lớn bé đều nhất luật bình đẳng. Cuối cùng họ đều nhượng bộ là sẽ bầu 2 quốc hội: Hạ viện đại diện cho lợi ích của các bang, bang đông dân thì nhiều nghị viên hơn; tại Thượng viện thì các bang có số ghế như nhau. Giải pháp thỏa hiệp này nay vẫn dùng. Khi TT Reagan do muốn cắt giảm chế độ phúc lợi xã hội mà bị dân phản đối (vì chế độ ấy đã thực thi quá lâu, nhiều người nghèo hưởng lợi); tuy nắm quyền trong tay nhưng Reagan đã thỏa hiệp, chỉ cắt giảm trợ cấp nhà nước cho một số chế độ phúc lợi mà thôi.
Sản xuất kiểu dây chuyền lắp ráp (assembly line) bị coi là “vô nhân đạo” nhưng được người Mỹ coi trọng vì có năng suất cao, giá thành hạ. Nhờ thế chỉ 5 năm sau khi lập công ty, Henry Ford đã hạ giá bán ô tô còn 850 USD để mỗi nhà đều sắm được một xe. Thời gian 1908-1926, ông bán được 15 triệu xe kiểu T.
Trọng hưởng thụ cũng là một biểu hiện thực dụng. Người Mỹ thực thi với quy mô lớn kinh khủng cách mua hàng trả chậm để người nghèo vẫn được hưởng các tiện nghi xa xỉ. Ai cũng nợ như chúa chổm, do đó phải gắng sức làm việc để trả nợ. Nhu cầu tiêu thụ trong nước rất cao, trở thành đòn bẩy phát triển kinh tế. Với phương châm cứ thấy lợi thìlàm, người Mỹ đã “công nghiệp hóa” (sản xuất đại trà) mọi thứ, kể cả âm nhạc, điện ảnh, trò chơi. Xuất khẩu văn hóa Mỹ hiện nay hàng năm lớn trên nghìn tỷ USD, hơn cả công nghiệp hàng không.
Không thể nói người Mỹ thực dụng thì không có lý tưởng, có điều họ coi trọng các lý tưởng gần, chú trọng thực hiện nó, ít quan tâm hoàn thiện lý tưởng trên lý thuyết. Tính thực dụng ấy gắn chặt với triết học và tôn giáo của họ. Đó là thứ triết lý lấy con người làm gốc, xuất phát từ cá nhân, từ hoạt động và sự nghiệp của cá nhân để nghiên cứu và giải quyết các vấn đề triết học liên quan tới con người. Nó cho rằng bản chất con người là hoạt động, cho nên hiệu quả, tính hữu ích là tiêu chuẩn kiểm nghiệm tư tưởng và hành vi của con người. Triết học thực dụng trọng hành động, chống nói suông, trọng kinh nghiệm và hiệu quả thực tế, ghét lý thuyết rỗng tuếch. Chủ nghĩa thực dụng ra đời ở Mỹ, đại diện là các triết gia Ch. S. Peirce, W. James và J. Dewey. Nó rất gần với chủ nghĩa ý chí.
Đạo Tin Lành có tác động lớn với việc hình thành tính thực dụng Mỹ, vì đạo này chú trọng vật chất; hiểu sự cứu rỗi của Thượng Đế là cứu về vật chất, ai càng có nhiều tài sản thì người đó càng dễ được Thượng Đế cứu rỗi; Ngài dùng đói nghèo để trừng phạt kẻ lười. Tín đồ Tin Lành không cần dùng sự sám hối về tâm linh để cầu xin Thượng Đế cứu rỗi, mà chỉ cần làm nhiều, kiếm được nhiều thì chẳng lo không được Thượng Đế ưu ái. Ngược lại, đạo Thiên Chúa cho rằng Thượng Đế chỉ cứu rỗi con người về tâm linh. Quan điểm về kiếp sau cũng khác nhau. Đạo Tin Lành thực dụng hơn, nhấn mạnh đời sống hiện tại, cho rằng đức tin không chỉ ở trong đầu óc mà phải thể hiện trong toàn bộ hành động thực tế, phải dùng hiệu quả thực tiễn, kết quả trực quan để đánh giá đức tin.
Chủ nghĩa thực dụng góp phần giải đáp câu hỏi tại sao chỉ trong vài trăm năm nước Mỹ có thể vươn lên dẫn đầu thế giới trên nhiều lĩnh vực. Nó đã tác động vào thói quen chủ nghĩa giáo điều rất nặng nề ở phương Đông. Các quan điểm “Mèo trắng hay mèo đen, cứ bắt được chuột là tốt”, “Không tranh cãi, cứ tranh thủ làm đi” xuất hiện cuối thế kỷ XX phải chăng là một thí dụ ?
Người Mỹ sùng bái CNCN, tự do dân chủ, thực dụng, nhưng không thể nói họ tự tư tự lợi, không yêu nước, thiếu tinh thần dân tộc. Khi đất nước lâm nguy, họ dễ dàng nhất trí và sẵn sàng từ bỏ lợi ích cá nhân. Như sau khi Nhật tấn công Trân châu cảng, toàn bộ các doanh nghiệp tư nhân Mỹ đều nhất trí chuyển sang phục vụ lợi ích chiến tranh. Một thăm dò dư luận do trường ĐH Michigan tiến hành cho thấy 70% dân“vô cùng tự hào” vì mình là người Mỹ, trong khi ở các nước phương Tây khác chỉ có 50% dân tự hào là dân nước mình. Nhiều người Mỹ hào hiệp, giàu lòng hy sinh vì quần thể, vì đại nghĩa, đặc biệt các tín đồ Quaker. Chưa nước nào có phong trào làm từ thiện quy mô lớn như Mỹ; các nhà giàu hào phóng nhất thế giới đều ở Mỹ; phần lớn nhà giàu Mỹ trước khi chết đều hiến tài sản cho xã hội. Mặt khác cũng cần thấy là sự đề cao quá mức tự do cá nhân khiến cho xã hội thiếu an ninh trật tự, như việc cho phép cá nhân sở hữu vũ khí dẫn đến nhiều vụ giết nhau, học trò bắn thày cô bạn bè. Niềm tự hào quá đáng về chế độ chính trị ưu việt của mình tạo ra sự “kiêu ngạo Mỹ” và tâm lý muốn ép các dân tộc khác theo chế độ dân chủ Mỹ, từ đó gây ra mâu thuẫn thậm chí chiến tranh với các nước khác, làm căng thẳng tình hình thếgiới ...
Nguyễn Hải Hoành
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét