Kỳ 4: Mộng ban ngày của Trương giáo chủ
Muôn năm trường trị
Nhất thống giang hồ
"Tình trong giây lát
Bỗng thành thiên thu"?
Bàn về Trương Vô Kỵ, ta thấy ở con người đào hoa được Kim Dung chăm chút này có hai giấc mộng tình xảy đến kế nhau. Lần thứ nhất mộng trong khi ngủ. Lần thứ hai mộng trong khi thức.
Nói về lần thứ nhất thì thật hân hoan khoái hoạt, vì họ Trương mơ thấy mình "cưới Triệu Minh, rồi lại cưới Chu Chỉ Nhược. Chàng thấy Hân Ly mặt đã hết sưng biến thành một cô gái mỹ miều và cả Tiểu Siêu cũng lấy mình". Như thế một lúc cưới hết "tứ đại mỹ nhân" trong võ lâm làm vợ. Nhưng giấc xuân tình kia quá ngắn ngủi. Thức dậy, trong lòng Vô Kỵ hổ thẹn vô cùng. Ngẫm lại mình, thì thực tâm Vô Kỵ không muốn xa cách một người nào. Bởi cả bốn nàng đều xinh đẹp và đối xử với Trương thật tử tế. Người đời nay, đọc đến đó trách Vô Kỵ "không có chủ kiến" trong tình yêu. Nhưng theo Trần Mặc tiên sinh thời Vô Kỵ sống người đàn ông lấy năm thê bảy thiếp là thường, lấy một vợ mới là lạ và cho giấc mộng đó "là điều đầu tiên đáng chú ý trong chuyện tình yêu của Trương Vô Kỵ" cũng như "là lần đầu tiên dưới ngòi bút Kim Dung một nhân vật chính phái "công khai" mơ lấy bốn vợ".
Lần thứ hai thật khốn đốn, khó xử. Khi một trong bốn mỹ nhân là Tiểu Siêu đã lên đường sang Ba Tư, còn lại ba người khác là Triệu Minh, Chỉ Nhược, Hân Ly đã cùng Trương Vô Kỵ và Tạ Tốn trôi dạt vào một hoang đảo. Suốt hơn một tháng không thấy có bóng thuyền nào chạy gần bờ. Vắng lặng, cô lập trên hòn đảo mọc trơ trọi giữa biển như thế, lại thêm rối ruột vì Tạ Tốn và Chu Chỉ Nhược trúng phải độc Thập hương nhuyễn cân tán. Tạ Tốn được Vô Kỵ vận thần công xua hết độc tố trong người ra. Nhưng đến lượt cứu chữa Chu Chỉ Nhược thì Vô Kỵ rụt tay lại. Vì cách chữa bắt buộc phải để một bàn tay áp chặt sau lưng nạn nhân, bàn tay còn lại ấn vào trước bụng ngay lỗ rốn. Khi mơ thấy gì hay nấy, bây giờ khi thức Vô Kỵ không dám chạm vào da thịt nõn nà của Chỉ Nhược. Nhưng nếu không chữa, lâu ngày lục phủ ngũ tạng của nàng sẽ tổn thương nặng. Biết Vô Kỵ khó xử, Tạ Tốn bảo: "Để nghĩa phụ đứng ra làm chủ hôn cho con cưới nàng làm vợ luôn thể, như thế con khỏi phải áy náy trong lòng". Đáp lại, Vô Kỵ chỉ xin "đính hôn" chứ chưa "thành hôn" với Chỉ Nhược vội. Còn Chỉ Nhược vì yêu Vô Kỵ từ lâu, thẹn thùa đỏ mặt. Đính hôn xong "mặt của nàng chỉ cách mặt Vô Kỵ vài tấc thôi, nên khi nàng nói, hơi thở thơm như mùi hoa lan" làm Trương ngây ngất. Vô Kỵ ôm Chỉ Nhược vào lòng, khen nàng nhu mì hiền thục (?), sau này sẽ là vợ đáng yêu của mình. Lời nói lúc thức đó thật ra cũng chỉ là mộng nữa. Bởi sau này Chỉ Nhược ngả về với Tống Thanh Thư. Còn Vô Kỵ nguyện "kẻ lông mày" cho quận chúa Triệu Minh.
Cả hai lần mộng trên (khi ngủ và khi thức) bộc lộ một Vô Kỵ vọng tưởng triền miên. Chính Vô Kỵ cũng tự thừa nhận như thế. Thừa nhận là một chuyện, còn vẫn miên man sống trong "vọng tưởng" là một chuyện khác. Không những chỉ một "Vô Kỵ giữa chúng ta" vọng thôi, mà "chúng ta" ai cũng vọng, tương tục chồng chất, dứt điều này tiếp tới điều kia. Ngay Vô Kỵ tuy mộng cưới một lúc bốn người đẹp làm vợ song tự biết "sự thật người mà ta yêu nhất lại là tiểu yêu nữ, thâm độc giảo hoạt bất cứ việc gì cũng dám làm" là nàng Triệu Minh. Mắng Triệu Minh "tiểu yêu nữ" là hiểu lầm nàng. Xem Chỉ Nhược "nhu mì, hiền lành" cũng hiểu chưa hết Chỉ Nhược. Đó vẫn là một thứ "mộng trong mộng" như mấy câu: Sống bên người đã mộng. Nói chuyện người càng mộng. Nghĩ về mình cũng mộng. Ngã, vô ngã đều mộng. Thuyết về không là mộng. Thuyết về hữu càng không. Kể làm sao hết mộng? Theo Trần Mặc tiên sinh phải: "Có nhiều cách hiểu chúng ta mới thấy chuyện tình của Vô Kỵ rất giàu nội hàm nhân văn". Nói rộng ra như nhà nghiên cứu Đỗ Long Vân, thì sự giá trị hóa cái Tình (viết hoa) trong Kim Dung "là tỷ dụ điển hình nhất của sự giá trị hóa đời sống tâm hồn". Đời sống đó bao gồm những mộng là mộng. Đến đây, sực nhớ "mộng" của thi sĩ Đinh Hùng: Anh sẽ hồi sinh - em tái sinh. Hòa đôi thể chất một thân hình. Giác quan biển động, mưa đồng thiếp. Trên thịt da đau, núi quặn mình (Trái tim hồng ngọc). Hai thể chất nhưng một thân hình, tứ thơ ấy nhắc nhớ những cuộc "tình gần". Lại chẳng quên "tình xa" của Tiểu Siêu. Khi chấp nhận làm giáo chủ Minh giáo Ba Tư, theo giới luật, suốt đời Tiểu Siêu phải trinh trắng, không được lấy ai, nên ngọn lửa duy nhất "đầu tiên và cuối cùng" thắp lên trong tim nàng là của một Trương thôi. Như mẹ nàng, Đại Ỷ Ty thánh nữ, yêu chỉ một người. Hai mẹ con hiểu tâm tư của nhau, thông cảm nhau. Có lúc không kìm được, họ đã ôm nhau trước quần hùng mà khóc. Gương mặt đẹp của họ rất giống nhau - tựa hai giọt nước mắt đầu thai từ biển khổ lên. Đi rồi, nhưng họ vẫn tiếp tục "tái sinh" và phóng xuất nỗi niềm yêu vào nhiều nhân vật khác của Kim Dung, như nàng Hân Ly - một trong những người tình "mộng" nhất qua tiểu thuyết Kim Dung. Thật vậy, thử đọc đoạn dưới đây: Vết độc của Hân Ly ngày càng thêm nặng. Trên hoang đảo lại rất ít cây thuốc, dù Vô Kỵ có phép thuật thần thông đến mấy cũng không chữa nổi (…). Đảo lại thiếu những cây gỗ lớn, bằng không Vô Kỵ đã lấy làm bè để mạo hiểm vượt sóng trở về đất liền tìm thuốc chữa rồi. Tình cảnh ấy khiến trái tim Vô Kỵ như bị muôn vạn con dao nhọn đâm trúng hoài. Ban đêm, chàng nhai một ít cỏ thoái nhiệt mớm cho Hân Ly hạ sốt. Chàng thấy nàng ta không nuốt nổi nên đau lòng đến ứa nước mắt ra. Nước mắt nhỏ xuống mặt nàng bỗng đánh thức nàng dậy và nói: "A Ngưu đại ca hà tất phải rầu rĩ như thế làm chi, em sắp xuống âm phủ và sắp được gặp tiểu quỷ Trương Vô Kỵ, con người nhẫn tâm và chết non kia, em sẽ bảo y biết trên thế gian này có một vị là A Ngưu đại ca đối xử với em tử tế hơn Vô Kỵ nhiều". Vô Kỵ nghẹn ngào vì A Ngưu mà Hân Ly tha thiết nhắc đến cũng chính là Trương Vô Kỵ. Nhưng suốt đời nàng Hân Ly chỉ biết đi tìm chân trời góc bể một A Ngưu của mình trong mộng cũ mà thôi. Đối với nàng, Vô Kỵ đã phân thân làm hai: một Vô Kỵ của quá khứ bất trắc, thương tích, cô đơn là người nàng yêu (A Ngưu) và một Vô Kỵ của hiện tại làm giáo chủ Minh giáo là người nàng xa lạ vô cùng. Không chỉ bị phân thân (như Vô Kỵ) bởi cái nhìn của tha nhân (như Hân Ly chẳng hạn), mà trong đời sống thường nhật, chính người ta cũng đã tự phân linh vô số để phổ nhập vào những "mộng ban ngày". Nghĩa là người ta cứ đem tâm mình chạy theo vạn sự, vạn cảnh bên ngoài nhiều quá, đến ngày nguồn tự tại bên trong sẽ lâm vào suy kiệt. Lúc ấy tuy mình vẫn sống, vẫn ăn, vẫn thở nhưng thân tâm không "tự tại" mà cứ long đong "ngoại tại" hoài, chìm đắm trong cuộc "lưu đày" miên viễn do chính nghiệp lực của mỗi người dẫn dắt. Bắt đầu bằng một chữ "tình" đi trước vậy. Đó là điều Kim Dung muốn nói?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét