Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013

6.000 bậc thang tình yêu



Cụ bà 87 tuổi Từ Triều Thanh trong câu chuyện “6.000 bậc thang tình yêu” này sẽ được hợp táng với cụ ông Lưu Quốc Giang vào ngày 10-11, đúng theo di nguyện của hai cụ lúc sinh thời. Cụ đã qua đời ngày 30-10 vừa qua trong vòng tay của những người thân yêu.
Một cuộc tình kết thúc ngọt ngào, nhưng câu chuyện từng lay động hàng triệu con tim này như vẫn còn mãi... Không phải là một chuyện tình trong tiểu thuyết hay điện ảnh lãng mạn, đây là chuyện thật ở vùng núi Bán Pha Đầu tại thôn Cao Than, thị trấn cổ Trung Sơn, quận Giang Tân, thành phố Trùng Khánh.
6.000 bậc thang tình yêu
"Tình yêu không phải là cái để phô diễn. Nó cần sự vị tha và hi sinh. Chuyện “sống vì nhau” khó hơn rất nhiều so với chuyện các bạn trẻ cứ nằng nặc đòi “chết vì nhau”"
Ngày đôi tình nhân này lần đầu gặp nhau cũng chính là lúc cô dâu họ Từ được gả cho một người đàn ông trong thôn. Cụ ông khi ấy vẫn còn là một cậu bé nghịch ngợm đến gãy cả răng cửa. Theo tập tục địa phương, đứa trẻ bị gãy răng cửa chỉ cần được “tân nương” sờ vào miệng thì răng sẽ mau mọc. Lúc được cô dâu Từ Triều Thanh sờ vào miệng, cậu bé họ Lưu ngày ấy như đã mơ hồ cảm thấy cú chạm đầu đời ấy như một định mệnh: “Tớ sẽ cưới một người giống hệt cô Từ làm vợ!” - cậu bé Lưu thường nói với bạn bè. Ngày ấy, ông chỉ mới 6 tuổi.
Cô Từ góa bụa sau khi chồng qua đời vì bệnh. Từ lúc ấy, có một chàng trai mới lớn cứ ngày ngày đến gánh nước, chẻ củi, đỡ đần cho cô. Không ít những lời xì xầm, những cái tắc lưỡi trong thôn.
Thế rồi một buổi sớm tháng 8-1956, người trong thôn phát hiện cô góa phụ họ Từ, khi ấy đã 29 tuổi, cùng bốn đứa con nhỏ bỗng mất tích. Chàng trai Lưu Quốc Giang, lúc này 19 tuổi, cũng bỏ thôn ra đi không lời từ biệt. Họ trốn vào một khu rừng sâu cao hơn 1.500m so với mực nước biển và sống ẩn dật trên đó hơn nửa thế kỷ.
Cho đến năm 2001, một đoàn du lịch thám hiểm vô tình phát hiện hơn 6.000 bậc thang kỳ lạ dẫn lên ngọn núi cao hẻo lánh do một người đàn ông đục đẽo để giúp vợ lên xuống núi an toàn dù chẳng mấy khi bà xuống núi. Suốt 57 năm liền, ngày nào ông cũng lần mò bên những bậc thang và lau dọn sạch sẽ để bà không bị trơn trượt khi lên xuống. Họ sống hơn nửa thế kỷ mà chưa từng rời nhau. Cho đến một ngày cuối năm 2007, người đàn ông bất ngờ qua đời sau cơn bạo bệnh.
Khúc hát dang dở...
Năm 2006, câu chuyện “6.000 bậc thang tình yêu” được bình chọn là “một trong 10 câu chuyện tình yêu kinh điển của Trung Quốc” và được dựng thành phim điện ảnh và truyền hình. Cụ ông Lưu Quốc Giang trở thành “một trong 10 nhân vật gây xúc động nhất Trùng Khánh năm 2006”.
Theo Thương Báo Thành Đô, chính quyền địa phương đang lên kế hoạch xây dựng bảo tàng tình yêu lưu giữ những món đồ kỷ niệm của hai ông bà.
Những ngày sống trên núi cao, mỗi lúc rảnh rỗi ông bà thường cùng nhau nhâm nhi ly rượu và đối đáp với nhau bài Thất thập vọng lang. Nhưng khi ông qua đời, khúc hát ấy chỉ vang lên từ một phía và rơi vào im lặng. “Kể từ khi cha qua đời, mẹ khóc nhiều hơn” - người con trai thứ ba Lưu Minh Sinh nói. Không biết đã bao năm tháng anh nhìn thấy nỗi đau đớn hiện lên trên khuôn mặt đã khô cả nước mắt của mẹ mình. “Có đôi lần mẹ vô tình buông những lời trách móc khiến người khác nghe thấy mà nhói cả lòng. “Ông nói ông khỏe, ông trẻ hơn tôi, ông hứa sẽ ở bên cạnh khi tôi qua đời. Nhưng ông nói mà không giữ lời...”.
Đoạn ghi hình cuộc trò chuyện giữa cụ bà và một phóng viên  báo Trùng Khánh Buổi Chiều khiến nhiều người không cầm được nước mắt. “Ngày nào tôi cũng mắng ông ấy sao ông ấy lại ra đi một mình, chẳng thèm để tâm đến tôi. Tôi muốn ông ấy mang tôi theo”. Nói xong bà đưa tay áo quệt những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt nhăn nheo.
Ông mất, bà xuống núi với người con trai Lưu Minh Sinh, rời xa cái tổ ấm gắn bó hơn 50 năm trời. Anh Lưu cho biết có hai nơi anh thường hay tìm đến mỗi khi phát hiện mẹ mình “mất tích”. Đó là căn nhà bằng đất nơi ông bà sinh sống hơn nửa thế kỷ. “Cứ mỗi ba hôm, cụ bà lại leo hơn 6.000 bậc thang và ngồi thẫn thờ trong căn nhà cũ trên núi. Có lần mưa to gió lớn, cụ cứ nằng nặc đòi lên núi thăm nhà. Cụ khóc rưng rức khi lôi ra những mảnh chén vỡ và tấm vải cũ từ căn nhà đã bị sập hết một nửa do bão to”. Nơi thứ hai là phía cuối bậc thang dưới chân núi. Cụ bà thường hay đến đó với hai ly rượu, một ly cầm trên tay, ly còn lại rưới lên mộ cụ ông.
Có lần trò chuyện với báo Bắc Kinh Buổi Sáng, cụ bà nói: “Mỗi lúc thấy tôi xót lòng xót dạ vì nhìn thấy “cậu nhóc” lần mò đục đẽo các bậc thang, ông ấy lại bảo bậc thang xây xong rồi tôi có thể xuống núi dễ dàng, và cứ thế lặng lẽ làm tiếp”. Bà vẫn gọi ông bằng cái tên “cậu nhóc” hệt như lần đầu tiên hai người gặp mặt.
Ai cũng có thể xây “bậc thang tình yêu”
Tuy lúc nào cũng đau đáu nhớ cụ ông nhưng cụ bà luôn tỏ ra vui vẻ trước con cháu, đặc biệt là với những cặp tình nhân lặn lội lên núi để được cụ chúc phúc. Ngày qua ngày, số lượng các cặp tình nhân tìm đến ngày càng tăng. “Cụ vui vẻ với mọi người và luôn khuyên những người trẻ tuổi hãy yêu thương nhau chân thành” - tờ Thương Báo Trùng Khánh dẫn lời một bạn trẻ tên Bàng Du từng đến thăm cụ bà cách đây ba năm.
Người ta nói tình yêu của ông bà có sức lay động lòng người, bởi lẽ đây là câu chuyện thật của những con người có thật. “Họ chỉ là những nông dân bình dị với một tình yêu hết sức đời thường. Trên núi không có hoa hồng, cũng chẳng có những bữa tối lãng mạn với ánh nến lung linh, chỉ có những chiếc áo cộc chống chọi với giá lạnh khắc nghiệt và cuộc sống vô cùng gian nan chốn thâm sâu cùng cốc. 6.000 bậc thang tình yêu là biểu hiện của sự hi sinh và lòng vị tha cao cả của hai con người yêu thương nhau chân thành, lặng lẽ, không màu mè, không ồn ào mà họ dành cho nhau” - Báo Chiều Dương Châu viết.
Một bạn trẻ có biệt danh “@it’s my life” viết: “Tình yêu thật sự không phải là yêu sâu đậm bao nhiêu, mà là anh có thể yêu người đó trong bao lâu!”. Báo Tứ Xuyên Online cũng viết: “Tình yêu không phải là việc tặng 999 đóa hoa hồng cho người mình yêu, mà phải được thể hiện trong những năm tháng đời thường bên cạnh người vợ, người chồng của mình”. “Với yêu thương chân thành, bạn cũng có thể tạo được những bậc thang tình yêu trong chính cuộc sống bình thường của gia đình mình” - Báo Chiều Dương Châu viết.

Kì lạ vị tướng giỏi ngoại ngữ “siêu đẳng” của nhà Trần


Bên cạnh tài quân sự kiệt xuất, danh tướng Trần Nhật Duật còn được sử sách ghi nhận với tài ngoại ngữ có một không hai của mình.

Trần Nhật Duật là… kiếp sau của giống Phiên, Nam

Từ thuở niên thiếu, Trần Nhật Duật đã bộc lộ tư chất thông minh của một thiên tài. Sau này, ông không chỉ nổi tiếng vì sự am hiểu kinh sử, giỏi chính trị, quân sự mà còn rất thông thạo ngôn ngữ và phong tục tập quán của các các quốc gia lân bang và tộc người thiểu số trong nước.

Đã có nhiều câu chuyện khác nhau về biệt tài này của Trần Nhật Duật.

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, vào thời của vua Trần Nhân Tông, có một lần sứ thần nước Sách Mã Tích (tên cổ của Singapore) sang cống, nhưng triều đình không tìm được người phiên dịch.

Vua triệu tập các phiên dịch viên giỏi nhất của thành Thăng Long lại để nói chuyện với sứ thần, nhưng không một ai nói được tiếng Sách Ma Tích. Trần Nhật Duật biết chuyện liền đến gặp sứ thần và nói chuyện trôi chảy bằng thứ ngôn ngữ lạ trong sự thán phục của những người có mặt.

Sau chuyện này, có người hỏi Trần Nhật Duật vì sao biết được tiếng nước Sách Ma Tích. Ông trả lời: “Thời vua Thái Tông, sứ nước ấy sang, nhân có giao du với họ, nên hiểu được đôi chút tiếng nước họ”.

Trong các ngoại ngữ thì tiếng Chăm là thế mạnh của Trần Nhật Duật. Từ thành Thăng Long, ông thường cưỡi voi đến chơi thôn Bà Già (phía Tây Hà Nội ngày nay), nơi sinh sống của các cư dân có nguồn gốc từ tù binh Champa. Ông rất say mê trò chuyện, tìm hiểu ngôn ngữ, văn hóa của người Chăm và thường ở lại cùng họ mấy ngày mới về.

Tài ngoại ngữ của Trần Nhật Duật khiến vua rất thán phuc. Có lần vua còn nói đùa: “Chiêu Văn Vương có lẽ không phải người Việt mà là kiếp sau của giống Phiên, Nam (chỉ các dân tộc lân bang ở vùng Đông Nam Á thời đó)”.

Nói tiếng dân tộc, uống rượu bằng mũi

Năm 1280, Trịnh Giác Mật - tù trưởng địa phương ở Đà Giang (Tây Bắc ngày nay) là nổi lên chống lại triều đình giữa lúc nhà Nguyên chuẩn bị đưa quân sang xâm lược Đại Việt lần thứ hai. Trần Nhật Duật được lệnh đem quân dẹp loạn.

Khi Trần Nhật Duật đến Đà Giang, Giác Mật sai người đưa thư nói: “Giác Mật không dám trái lệnh triều đình, nếu ân chúa dám một mình một ngựa mà đi đến thì Giác Mật xin hàng ngay”.

Bất chấp các tướng can ngăn, Trần Nhật Duật nhận lời rồi đem các tiểu đồng cùng đi. Tới đại bản doanh của những kẻ nổi loạn, ông thản nhiên đi giữa hàng lính mặc sắc phục kì dị, lăm lăm gươm giáo được bày ra để dọa dẫm.

Trần Nhật Duật nói với Giác Mật bằng chính ngôn ngữ và theo đúng phong tục của dân tộc vùng Đà Giang: “Lũ tiểu đồng của ta đi đường thì nóng tai trái, đến đây thì nóng tai phải”, khiến vị tù trưởng và các đầu mục kinh ngạc.

Người Đà Giang có tục “ăn bằng tay, uống bằng mũi”. Khi mâm rượu được bưng lên, chỉ có quả bầu cắt đôi sóng sánh rượu và đĩa thịt nai muối. Trần Nhật Duật rất tự nhiên lấy tay cầm thịt ăn rồi vừa nhai vừa ngẩng mặt, cầm bầu rượu từ từ dốc vào lỗ mũi đầy điêu luyện.

Trịnh Giác Mật kinh ngạc thốt lên: “Chiêu Văn Vương là anh em với ta”. Trần Nhật Duật đáp lại: “Chúng ta xưa nay vẫn là anh em”, rồi gọi tiểu đồng đến, tự tay mở tráp, lấy ra những chiếc vòng bạc sáng lấp lánh, trao tận tay cho tù trưởng Đà Giang và các từng đầu mục.

Sau buổi gặp gỡ, Trịnh Giác Mật đã đem cả gia thuộc đến doanh trại Trần Nhật Duật xin hàng phục triều đình. Như vâỵ, cả miền Đà Giang đã được Trần Nhật Duật thu phục chỉ bằng sự tinh thông ngôn ngữ và văn hóa dân tộc, không phải đổ một giọt máu nào.

Sứ nhà Nguyên quả quyết Trần Nhật Duật là người Hán

Về tiếng Hán - ngoại ngữ thông dụng trong giới quan lại quý tộc nhà Trần - Trần Nhật Duật cũng tỏ ra xuất sắc hơn người.

Theo thông lệ, khi sứ phương Bắc sang thì triều đình phải sai phiên dịch viên làm trung gian, tể tướng không được người trực tiếp đối thoại, đề phòng việc xảy ra sai sót gì thì còn có thể đổ lỗi cho người phiên dịch.

Nhưng tể tướng Trần Nhật Duật lại là ngoại lệ. Khi tiếp sứ nhà Nguyên ông thường nói chuyện trực tiếp với họ. Khi sứ về nơi nghỉ thì dắt tay cùng vào, ngồi uống rượu vui vẻ như bạn vẫn quen biết.

Chính tiếng Hán lưu loát và sự am hiểu văn hóa Hán đã khiến sứ nhà Nguyên tưởng Trần Nhật Duật là người Hán di cư sang Đại Việt, đặt câu hỏi: “Ông là người vùng Chân Định (một huyện ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) đến làm quan ở đây chứ gì?”.

Trần Nhật Duật ra sức giải thích, nhưng sứ Nguyên vẫn không tin vì người nước Việt không thể giỏi tiếng Hán như vậy được.

Kỹ năng tiếng Hán đặc biệt của Trần Nhật Duật có thể lý giải bằng việc ông có mối quan hệ thân mật với những người Hán ở kinh thành Thăng Long.

Theo các sử liệu, Trần Nhật Duật thường hay qua nhà của Trần Đạo Chiêu là người Tống, ngồi bên nhau nói chuyện phiếm hàng giờ không thôi. Ông cũng hay đến thăm chùa Tường Phù, ở lại qua đêm để đàm đạo với nhà sư người Tống. Khách người Hán đến Thăng Long thường được ông mời đến chơi nhà, vừa thưởng trà, vừa bàn đủ thứ chuyện…

Hoàng Phương
Nguồn Kiến thức