Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

Nước Nga: Chưa có triết lí giáo dục


Phạm Nguyên Trường dịch

 

Lời người dịch: Những cuộc bàn thảo về giáo dục thường tập trung vào những vấn đề cụ thể như: Một kì thi chung (tốt nghiệp phổ thông và vào đại học -ND), các tiêu chuẩn giáo dục mới, lương giáo viên..v.v.. Đây là cuộc nói chuyện với bà Irinna Prokhorova - đại diện chính thức của ứng cử viên tổng thống Mikhail Prokhorov – về sự kiện là những vấn đề của nền giáo dục của chúng ta không nằm trong những sai lầm cụ thể mà nằm ở chỗ là đất nước vẫn chưa quyết định được mẫu người cần thiết – đấy là một người chỉ biết thực hiện mệnh lệnh hay là một người có tình thần sáng tạo và tư duy cởi mở, một người sống trong xã hội rộng mở với thế giới. Vấn đề nằm trong tiêu chuẩn nước đôi, trong sự không rõ ràng của triết lí phát triển của đất nước, cũng có nghĩa là không rõ ràng trong triết lí giáo dục. Có lẽ đấy cũng là những vấn đề chung cho các nước ta nữa.



* * *  

Hai xu hướng đối đầu nhau

Phóng viên: Thưa bà Irina Dmitrievna, theo bà đâu là những vấn đề chính của nền giáo dục của chúng ta?  

Irina Prokhorova: Tình hình khủng hoảng giáo dục không có liên quan gì đến sự yếu kém năng lực của một người nào đó. Đơn giản là xã hội đang có vấn đề mang tính nền tảng, nó thể hiện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống: Chúng ta không có một bức tranh rõ ràng về thế giới, không có mô hình của tương lai. Nếu vào đầu những năm 90, sau khi thoát khỏi móng vuốt của chế độ toàn trị, chúng ta nói rằng muốn phát triển như xã hội châu Âu, cởi mở, bình thường, thì hiện nay quan niệm về tương lai đang có sự lẫn lộn. Một mặt, người ta nói rằng cần phải hiện đại hóa. Nhưng mặt khác, một loạt biện pháp đang được thực thi lại đưa chúng ta đi sang hướng khác. Sang hướng biệt lập, quân phiệt hóa, quan liêu hóa. Có cảm tưởng rằng có hai xu hướng đang đối đầu với nhau.

Như vậy là, trong khi chúng ta chưa xác định một cách trung thực cho chính mình rằng chúng ta muốn sống trong một nước như thế nào, muốn có con người sau khi ra trường như thế nào, thì chúng ta chưa thể có triết lí giáo dục được. Nếu chúng ta phát triển theo hướng (nói một cách tương đối như thế) xã hội cởi mở thì sẽ cần một kiểu trường học. Còn nếu chúng ta theo mô hình xã hội khép kín, được hình thành trong thế kỉ XX, thì lại cần một kiểu trường học khác. Hôm nay, một mặt, chúng ta muốn hướng trường học vào những công nghệ mới, những kiểu sách giáo khoa mới, chúng ta tuyên bố rằng cần những người có khả năng ứng dụng một cách mềm dẻo kiến thức đã học được và có khả năng học tập suốt đời; nhưng mặt khác chúng ta lại đưa vào chương trình “huấn luyện quân sự ban đầu”, rồi những môn ý thức hệ, trong khi đó lại giảm những môn nền tảng (như thế là chúng ta đang giảm kiến thức). Tôi nghĩ rằng đây là mô hình thiếu cân đối và sẽ sinh ra nhiều vấn đề. Vì, dù có thông qua những đạo luật nào đi nữa thì chúng cũng chỉ làm cho cái dây xích này dài ra mà thôi, cái này chống lại cái kia.

Một vấn đề khác. Cơ cấu giáo dục, cả phổ thông lẫn đại học, đã hình thành trong thời Xô Viết, được những người có học vấn trước cách mạng soạn thảo, những người này đã lập ra nhiều mô hình mang tính sáng tạo và đã có thể hoàn thành- dù chỉ một phần - những mô hình này vào đầu những năm 20 và 30. Hệ thống hoạt động không đến nỗi tệ. Nhưng hiện nay chúng ta chưa phân tích: nền giáo dục đó tuyệt vời ở chỗ nào (nếu bỏ đi những môn mang tính ý thức hệ), cần phải thay đổi cái gì, còn cái gì thì không được động chạm đến. Chúng ta chưa nghiên cứu một cách nghiêm túc có bao nhiêu điều mới lạ và xu hướng trong những năm đầu 90. Đấy là sự phát triển của các dạng trường lớp mới, là dự định cải cách đại học, nhưng đã không được thực hiện. Và tôi có cảm giác rằng chúng ta thường mắc lỗi của người Nga: xây dựng lại tất. Đấy bao giờ cũng là chuyện bất khả thi, chúng ta thường làm công việc rời non lấp biển, rồi sau đó anh dũng khắc phục khó khăn mà chúng ta gặp.

Cương lĩnh của ứng cử viên tổng thống Prokhorov đã nói rõ: chúng tôi cho rằng giáo dục phải phát triển phù hợp với quan niệm về xã hội. Chúng ta là một đất nước hiện đại, đã hội nhập vào cộng đồng thế giới; chúng ta có một tiềm năng tri thức rất lớn, nhưng chúng ta lại thường xuyên đánh mất (đây là điều không thể chấp nhận được). Vì vậy mà cương lĩnh tranh cử đưa ra một loạt biện pháp liên quan đến cả giáo dục đại học lẫn phổ thông, đến các môn khoa học cơ bản và văn hóa (đấy là một nhóm vấn đề liên quan mật thiết với nhau), những biện pháp này chỉ rõ làm thế nào vừa giữ được truyền thống, giữ được tính đặc thù của nền giáo dục của chúng ta, đồng thời lại cải biến nó cho những mục đích mới.

Địa vị của người thày

Phóng viên: Bà có nghĩ rằng tình hình giáo dục phụ thuộc rất nhiều vào địa vị của người thày trong xã hội hay không?

Irina Prokhorova: Địa vị của người thày trong xã hội hiện nay rất thấp. Điều đó được phản ánh cả trong hệ thống tiền lương của giáo viên. Nghề thày giáo, cũng như nghề bác sĩ, chịu trách nhiệm về sức khỏe, cả tinh thần lẫn thể lực, của con người. Vì vậy mà tình hình này thể hiện quan hệ của xã hội đối với con người. Đấy là những nghề bị thua thiệt về quyền lợi. Trong khi đó, điều quan trọng là phải nhận thức được thày giáo trong xã hội hiện đại là người như thế nào, địa vị ra sao, biện pháp nâng cao trình độ phải như thế nào, mức độ tự do trong việc giảng dạy đến đâu.

Tăng lương không thì chưa đủ. Thí dụ, việc thay đổi nguyên tắc đánh giá giáo viên làm cho những thày giáo có lòng tự trọng bị tổn thương rất nặng. Nghĩa là chúng ta phải xác định chúng ta cần kiểu giáo dục nào và cho đất nước nào. Và lúc đó mới hiểu được người thày phải có những tiêu chuẩn nghề nghiệp gì. Nếu chúng ta nói: thay vì học thuộc lòng các đề mục và trả lời các câu hỏi, chúng ta muốn dạy trẻ con lựa chọn thông tin, suy nghĩ và sử dụng nguồn thông tin, nghĩa là đào tạo ra những con người biết tư duy thì cần một kiểu giáo viên. Nhưng nếu chúng ta muốn có một đám đông chỉ biết vâng lời, những kẻ bao giờ cũng vỗ tay và nói “đồng .. ý..!” – thì lại cần những người thày có phẩm chất hoàn toàn khác. 

Có thể giáo dục được lòng yêu nước hay không

Phóng viên: Bây giờ người ta hay nói về vai trò của giáo dục. Trong đó có giáo dục tinh thần yêu nước. Có thể giáo dục được tình yêu đối với tổ quốc hay không?

Irina Prokhorova: Không có môn học gọi là tinh thần yêu nước. Tình yêu đối với tổ quốc, cũng như mọi tình cảm khác là cái mang tính cá nhân, và được giáo dục, thí dụ như trong gia đình. Rõ ràng là: chúng ta không thể tạo ra được những người yêu nước từ một môn học có tên là “tinh thần yêu nước”. Nếu trong nhà trẻ người ta nhục mạ trẻ con, nếu trong nhà trường không có những điều kiện cho học sinh tiếp xúc với kiến thức một cách bình đẳng và không có điều kiện thăng tiến xã hội thì mọi lời kêu gào đều chẳng có tác dụng gì. Vì vậy mà lòng yêu nước được giáo dục thông qua trách nhiệm của chính quyền đối với xã hội. Chúng ta đã đánh mất tính cạnh tranh trong lĩnh vực giáo dục. Thế mà toàn thế giới, đấy là nói những nước tiến  bộ - châu Á, châu Âu hay Mĩ thì cũng thế - đều xây dựng dựa trên những người có văn hóa cao. Ngay cả người công nhân trong bất cứ xí nghiệp nào cũng đều là người có văn hóa cả.

Trong những năm 90, khi không hề có sự cổ xúy nào về lòng yêu nước thì trẻ con vẫn viết: Nga là đất nước tuyệt vời nhất. Muốn giáo dục lòng yêu nước thì còn cần phải chứng tỏ rằng chúng ta có một nền văn học tuyệt vời như thế nào (trong bối cảnh chung của thế giới). Chứ không phải là những buổi học chính trị: ông tổng thống hiện nay hay ông trước nói cái gì.

Về nhận thức mang tính đế quốc chủ nghĩa.

Phóng viên: Nga có cơ cấu liên bang. Điều đó được giáo dục như thế nào trong nhà trường?

Irina Prokhorova: Tôi xin đưa ra đây một thí dụ, chứng tỏ rằng mô hình giảng dạy lịch sử và văn học mang tính đế quốc chủ nghĩa còn sót lại từ thời Xô Viết là không phù hợp đến mức nào. Một đồng nghiệp của tôi thuở thiếu thời từng sống ở Trung Á. Ông bà của bà này là những chính trị phạm bị đày đến vùng đó từ trước cách mạng (1917 - ND). Trẻ con ngồi ở trường để viết bài văn “Buổi sáng trong rừng mùa đông”. Bên ngoài cửa sổ - 400C, cồn cát và lạc đà. Để cho những đứa trẻ chưa từng bao giờ đến khu vực miền Trung có thể tưởng tượng được cảnh mùa đông, người ta đem treo trước mặt chúng một bức tranh và chúng viết. Đấy là minh chứng cho cách tiếp tận theo lối đế quốc chủ nghĩa đối với lịch sử và văn hóa, và tôi có cảm tưởng rằng hiện nay người ta vẫn sử dụng cách tiếp cận như thế. Chúng ta là một đất nước đa tôn giáo và đa văn hóa. Và nhiệm vụ chủ yếu của các thày giáo, các chuyên gia, những người làm trong các ngành nhân văn là viết một cuốn lịch sử khác về đất nước. Chúng ta cần phải hiểu: sự đa dạng văn hóa phải trở thành một phần của lịch sử đất nước.

Thế mà một đất nước to lớn và đa dạng như thế lại qui về có Moskva và khu vực miền Trung, không có hiểu biết về đặc trưng lịch sử văn hóa khu vực. Không phù hợp, cả lúc đó lẫn bây giờ. Tôi không nói rằng phải phá bỏ lịch sử chung rồi ai muốn làm gì thì làm. Nhưng cần phải xác định: đất nước ta là thế nào, đây là liên bang hay một đế chế mới. Trên danh nghĩa thì chúng ta là Liên bang Nga. Nhưng thực tế là một đế chế.

Mô hình biệt lập đang được áp dụng. Đời sống của đất nước ta hoàn toàn không tương thích với các nước khác, đấy là nói những nước có cùng nền văn hóa Âu châu. Từ đó mới có hiện tượng là người thanh niên mới bước vào đời mang theo trong đầu mô hình thế giới đóng kín: “xung quanh đầy dẫy kẻ thù”, “chúng ta có di sản tinh thần khác hẳn”..v.v.. Điều này có thể thuận tiện cho việc quản lí, nhưng sẽ cực kì bất tiện khi phải tiến hành công việc hiện đại hóa. Không thể ngồi một lúc trên hai cái ghế được: hoặc là một dân tộc thiếu hiểu biết, sẵn sàng tuân phục (nhưng đừng có đòi hỏi những người đó sáng tạo và xây dựng được đất nước vĩ đại) hoặc là những con người sáng tạo. Xã hội của chúng ta là xã hội thế kỉ XXI, nhưng hệ thống quản lí thì lại thuộc thế kỉ XVI-XVII. Khoảng cách kinh khủng giữa một xã hội năng động và sự cổ lỗ của bộ máy quản lí tạo ra muôn vàn cuộc xung đột. Cần phải nói về khế ước xã hội, chuyện này diễn ra ba trăm năm nay rồi. Còn chúng ta lại chỉ có những nhà độc tài vị đại. Nhiều ứng cử viên nói thẳng: chúng ta cần một Sa hoàng. “Chúng ta” là ai – tôi không hiểu rõ lắm. Với mô hình như thế thì không thể nào đi xa được. Thế thì “lịch sử” nào cũng chỉ là một hình thức khác của cái lịch sử mang tính đế quốc chủ nghĩa mà thôi. Hơn thế nữa, đấy là lịch sử của nhà nước chứ không phải là lịch sử của con người (Sa hoàng đe dọa cả nửa nước, nhưng đấy là để cho nhà nước trở thành vĩ đại). Đấy là lời biện hộ cho tất cả mọi tội lỗi, tất cả những tên độc tài trong lịch sử của đất nước chúng ta. Thậm chí tôi có thể  nói rằng đấy là mô hình sai lầm kinh khủng. Đã đến lúc thay đổi. Vì vậy mà những nhà cải cách của chúng ta luôn luôn bị bôi nhọ (đấy là những người định thay đổi một cái gì đó). Họ bao giờ cũng là kẻ thù của nhân dân. Còn những nhà độc tài và toàn trị lại được coi là những vị anh hùng, ý tưởng về sự vĩ đại cũng được giải thích theo cách đó. Vĩ đại của cái gì? Hóa ra là một đất nước vĩ đại mà không có con người. Con người cản trở. Con người luôn luôn là tù binh của những mơ tưởng địa chính trị hão huyền. Và cái lịch sử đó tiếp tục được giảng dạy trong trường phổ thông, trường đại học và sau đó thì người ta viết luận án tiến sĩ.

Mô hình khác – đa văn hóa, đa tôn giáo, một đất nước tươi đẹp, có thể được quản lí theo những nguyên tắc hoàn toàn khác. Chuyện này không thể giải quyết trong ngày một ngày hai được. Cần phải thay đổi nhận thức và hiểu biết. Dân chúng ra quảng trường Bolotnaia để làm gì (ý nói người biểu tình – ND)?  Họ đòi một quan niệm khác về đất nước: đứng đầu không phải là một nhà độc tài phân phát của bố thí mà một người quản lí chịu một phần trách nhiệm, người phối hợp hành động, còn bây giờ xã hội trên khắp thế giới đều tự tổ chức một cách tuyệt vời rồi. Xã hội có thể sống một cách độc lập. Chúng ta đã bước lên một nấc mới của nền văn minh, nhận thức của nhân dân cao hơn, khả năng tự tổ chức cũng cao hơn rồi.

Học vấn – chiếc thang xã hội cho trẻ em

Phóng viên: Hiện nay mọi người đều tìm cách học đại học. Chắc là tốt chứ ạ?

Irina Prokhorova: Ngược đời là ở chỗ xã hội khao khát học vấn. Tôi đã gặp rất nhiều người – thí dụ những người di dân bất hạnh. Tất cả những người đó đều tiết kiệm tiền để cho con ăn học. Họ hiểu rằng học vấn là cái thang cho con em vào đời. Nhưng không ai chịu nhìn nhận chuyện này. Hãy tạo điều kiện tiếp xúc bình đẳng với kiến thức. Người ta cố tình lờ đi tình trạng là mỗi người đều có hoàn cảnh xuất thân khác nhau. Có những đứa trẻ xuất thân từ những gia đình có văn hóa cao, chúng đã được chuẩn bị cho việc tiếp nhận học vấn, trong khi đó lại có những đứa trẻ có tài nhưng xuất thân từ những gia đình nghèo hèn, những đứa trẻ này không thể nào cạnh tranh với nhau được. Nghĩa là cần phải có hệ thống giảng dạy mềm dẻo cho những đứa trẻ đó. Tôi không có câu trả lời cho câu hỏi này, nhưng nếu chúng ta thực sự muốn tạo cơ hội tiếp xúc với kiến thức thì phải hiểu cách thức xây dựng trường học cho phù hợp với mức độ học vấn có sẵn của các cháu. Có thể phải có sự chuẩn bị ngay từ lớp mẫu giáo.

Phóng viên: Và để ý tới những cháu có năng khiếu?

Irina Prokhorova: Vâng, để ý tới những cháu có năng khiếu. Phải hiểu rằng đứa trẻ không có nền tảng văn hóa thì không thể nào bứt phá lên được. Nghĩa là phải lập ra những chương trình thật cụ thể. Thí dụ, quĩ Mikhail Prokhorov theo dõi một số nhà trẻ. Đấy là những đứa trẻ tuyệt vời, rất có năng khiếu. Nhưng chúng là những đứa bé của trại trẻ mồ côi, không có khả năng thích ứng với cuộc đời, không có nghề nghiệp. Con trai lập tức rơi vào các tổ chức tội phạm, con gái thì vào những tổ chức khác. Trường hợp tốt nhất là đi làm trong các liên hiệp (thí dụ như ở Norilsk). Những đứa trẻ này không có tương lai. Vì vậy hiện nay chúng tôi bắt đầu lập những chương trình trợ giúp: cung cấp cho chúng học phí, xác định nghề, cho chúng đi học.

Tôi cho rằng giai đoạn hiện nay là sự kết hợp đúng đắn của việc toàn dân đi học với những môn căn bản và hệ thống mềm dẻo, tạo điều kiện rút ngắn sự bất bình đẳng đó. Đấy là việc khả thi, nhưng cần phải giao một phần công việc cho các tổ chức xã hội, các hiệp hội giáo viên, các quĩ từ thiện, chuyên ủng hộ văn hóa và giáo dục.

Phóng viên: Và giao cho họ việc soạn thảo những chương trình như thế?

Irina Prokhorova: Vâng. Nhưng chúng ta có truyền thống độc tài. Nhạc trưởng là gì? Đấy là người có thể biến mọi thứ thành hài hòa. Ông ta làm công tác phối hợp. Nhưng ông ta không chạy qua chạy lại và chơi thay cho từng nhạc công, rồi nói rằng ông ta chơi tốt hơn. Ở nước ta mọi chuyện diễn ra đúng như thế. Tổng thống tự đứng ra theo dõi việc người ta hàn vá đường ống bị vỡ ở Saransk.

Phóng viên: Nếu không thì họ không hàn.

Irina Prokhorova: Nếu không thì họ không hàn. Nhưng xin lỗi, đây là mô hình quản lí kiểu gì vậy? Người ra cho rằng xã hội ta chẳng làm được việc gì hết. Đấy là một sai lầm khủng khiếp. Trong những năm 90, chúng ta đã thấy xã hội có khả năng tự tổ chức tuyệt vời như thế nào, nhân dân đã xây dựng cơ sở hạ tầng từ con số không, đã đánh đuổi những tên lưu manh. Cần phải chuyển giao một phần trách nhiệm cho xã hội dân sự, xã hội sẽ tìm được biện pháp và có những đề xuất mang tính chuyên môn cao trong lĩnh vực giáo dục.

Bàn về lợi ích của Harry Potter

Phóng viên: Hiện nay “văn học” trong nhà trường đang gặp thảm họa. Là một nhà ngôn ngữ học, bà có ý kiến gì về vấn đề này?

Irina Prokhorova: Tôi cho là ở phổ thông và đại học phải giảng dạy nhiều “văn học” hơn nữa. Cần phải nghiên cứu cả văn học nước ngoài nữa. Ở nước ta tất cả mọi người đều chỉ đọc mỗi cổ điển thôi. Bây giờ lại vừa xuất hiện ý tưởng về 100 cuốn sách mà mọi người đều phải đọc. Đây không phải là giáo dục mà là đánh tráo, học vẹt. Xin hỏi, các cháu lớp mười ở các khu vục nghèo khổ đọc gì? Chúng có đọc Dostoevsky không? Tôi còn nhớ: nói chung ở trường thường học những bài cực kì chán. Trẻ con đã hình thành thái độ chán ghét và không tin vào bài học nữa. Liệu có nên xem xét lại ý tưởng là trẻ em phải đọc sách gì không? Ta cần loại văn học giải trí kiểu gì để chúng giành nhau những cuốn sách hay, rồi sau đó chúng bắt đầu đọc những cuốn khác?

Phóng viên: Thí dụ như Harry Portter đã lôi cuốn cả những cháu chưa bao giờ đọc bất cứ cuốn sách nào.

Irina Prokhorova: Hoàn toàn chính xác. Còn những lời kêu gào về Harry Portter, cuốn sách bị người ta lăng mạ mà chẳng hiểu lăng mạ vì chuyện gì, làm cho tôi hoảng sợ. Đây là một câu chuyện hay, nhân bản, nó nêu được nhiều vấn đề nghiêm túc đối với trẻ em (và cả người lớn nữa). Tại sao ở nước ta lại không khuyến khích đọc những cuốn sách giải trí như thế? Vì là đã có chỉ thị mang tính ý thức hệ: dứt khoát phải đọc “cuốn này, cuốn này”.

Phóng viên: Và tất cả mọi người đều nhắm mắt trước hiện tượng là trẻ em không đọc các tác giả đó và không đọc một khối lượng như thế.

Irina Prokhorova: Vâng, đúng thế. Là một nhà ngôn ngỡ học, tôi có thể nói rằng: tác phẩm già dần đi. Chúng trở thành sự kiện lịch sử, cần phải nghiên cứu sâu ở đại học (khoa ngôn ngữ học chẳng hạn). Vì thường xuyên xuất hiện những tác phẩm văn học mới, hay, đồng điệu với tâm hồn trẻ em hiện nay.

Phóng viên: Nghĩa là bà đề nghị nhà trường giảng dạy văn chương hiện đại?

Irina Prokhorova: Đây là lĩnh vực đòi hỏi trình độ của giáo viên, giáo viên phải có khả năng kết hợp những bài bắt buộc với những bài ngoại khóa.

Nói chung, có thể nói rằng phần nhân văn trong giáo dục đã bị đánh giá thấp. Ở Nhật, cả ở đại học lẫn cao đẳng, không phụ thuộc vào ngành học, hai năm đầu tất cả sinh viên đều học các môn nhân văn, đến mức có thể viết được những bài Haiku. Đây không phải là sự ngông cuồng, mà người ta hiểu rằng những môn nhân văn chính là cơ sở giúp người ta học và học tập suốt đời. Những môn này giúp phát triển trí tưởng tượng và khả năng thích ứng. Còn ở nước ta thì lại giảm những môn nhân văn. Cần phải đưa những môn này trở lại lại phổ thông và đại học (các khoa như toán, kinh tế…).

Phóng viên: Bà nghĩ thế nào khi hiện nay học sinh giỏi máy tính trong khi các thày giáo thì ngược lại?

Irina Prokhorova: Đây đúng là vấn đề. Làm sao trẻ em có thể tin cậy thày giáo, nếu thày là người của thế kỉ trước? Công nghệ mới – thể hiện một kiểu nhận thức mới, phản ứng và tiếp nhận thông tin kiểu mới. Trẻ em – cũng như cách đây hai ba trăm năm: ham hiểu biết, tò mò. Nhưng chúng sống trong thời đại khác, ta cần phải có cách cung cấp thông tin khác trước. Thông tin kiểu gì. Chứ không được lên án: không có hồn (chỉ chúi mũi vào công nghệ). Điều này chỉ dẫn đến sự xa cách, sự phủ nhận người thày trong lòng học sinh mà thôi. Tôi xin nói thêm là người thày nên có tình yêu đối với học sinh và có trình độ cao.
 
Nguồn: dịch từ nguyên bản tiếng Nga tại địa chỉ http://www.russ.ru/Mirovaya-povestka/Poka-my-dlya-sebya-chestno-ne-opredelim-v-kakoj-strane-hotim-zhit-kakogo-cheloveka-hotim-poluchit-u-nas-ne-budet-nikakoj-koncepcii-obrazovaniya

Người thực hiện phỏng vấn: Natalia Ivanova-Gladinshikova.

Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

Nhà Khoa Học Albert Einstein và Đạo Phật

Thích Nguyên Tạng


Gần đây có nhiều độc giả thắc mắc về mối liên hệ giữa nhà khoa học thiên tài Albert Einstein (1879-1955) và Đạo Phật như thế nào? Vì họ thấy đây đó có nhiều trích dẫn lời phát biểu của ông về Đạo Phật. Bài viết sau đây sẽ đề cập đến mối liên hệ ấy. Dù chưa đầy đủ lắm, nhưng hy vọng rằng nó sẽ là mấu chốt để chúng ta phăng tìm những tư liệu chi tiết về sau.

013-albert.JPG (5971 bytes)Ông Albert Einstein, sinh ngày 14 tháng 03 năm 1879 tại thành phố Ulm, Đức quốc, trong một gia đình làm nghề thủ công và tiểu thương. Bố là một người giỏi về hóa học và mẹ là người có khiếu về âm nhạc. Năm 1894, gia đình ông di cư sang sống tại Ý. Ông được bố gởi đi học ở Thụy Sĩ và đã tốt nghiệp tiến sĩ triết học tại Đại học Zurich. Sau khi ra trường, ông được mời dạy toán và vật lý tại một trường bách khoa ở Thụy Sĩ, ngoài việc dạy học, ông dành hết thời gian còn lại để nghiên cứu vật lý học và ông còn làm việc tại văn phòng thẩm tra cấp bằng sáng chế ở Berne, Thụy Sĩ. Năm 1905, ông gởi đăng bài "Lý thuyết tương đối hẹp" dài 5 trang trên tờ Physics. Bài báo nhanh chóng được chú ý và nó là tiếng nổ lớn của ngành khoa học về không gian và thời gian, ông đã phá vỡ các khái niệm tuyệt đối về không gian và thời gian của nhà vật lý học và toán học vĩ đại, Issaac Newton (1642-1727). Lập tức tên tuổi của ông được nhiều người biết tới và được xem là một khoa học gia nổi tiếng nhất vào thời điểm ấy.
Năm 1911, Ông là giáo sư vật lý ở Prague. Năm 1913, ông được mời làm giám đốc Học Viện Vật Lý Hoàng Đế Wilhelm tại Berlin. Đến năm 1921, ông được trao giải thưởng Nobel về Vật lý học qua đề án nghiên cứu "Lý Thuyết Tương đối" (The Theory of Relativity). Trong thế chiến thứ nhất (1914-1918), ông từng bị tống giam vì tội "chống chiến tranh và ủng hộ hòa bình". Sau khi Adolf Hitler (1889-1945) trở thành quốc trưởng của Đức, ông ra sức chống lại chủ nghĩa phát xít và rời bỏ nước Đức sang sống tại Hoa Kỳ. Từ năm 1933 đến năm 1945, ông là giáo sư toán và lý tại Viện Cao học Princeton ở bang New Jersey. Phát xuất từ lòng căm thù chủ nghĩa phát xít mà ông đã giúp cho Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt (1882-1945) chế tạo bom nguyên tử và cuối cùng bị xem là "cha đẻ" của thứ vũ khí giết người này. Đây cũng là lý do mà về sau năm 1950, ông thành lập Viện Kiểm Soát Nguyên tử Quốc tế tại Hoa Kỳ.
Ba thập niên cuối đời mình, ông dành thời gian để nghiên cứu về "Lý thuyết thống nhất giữa lực hấp dẫn và hiện tượng điện quang" (The Theory of unify gravitation and eletro-magnetism).
Mặc dù bận rộn nghiên cứu và giảng dạy khoa học, nhưng ông Einstein vẫn dành thời gian nhất định để nghiên cứu triết học và tôn giáo, đặc biệt trong đó có Đạo Phật. Theo tài liệu "The World As I See It" (Trần thế khi tôi nhìn thấy nonhà xb Philosophical Library, New York, 1949) và quyển "Ideas and Opinions" (Những Ý Kiến và Những Quan Điểm, nhà xb Crown, NY, 1945) là hai tuyển tập những bài báo, bài tham luận về tôn giáo và khoa học mà ông Einstein viết từ đầu những năm ba mươi. Đáng chú ý trong tập này là các bài như "Religion and Science" (Tôn giáo và Khoa học), viết từ 1930 ; bài "Science, Philosophy & Religion, A Sumposium" (Khoa học, Triết học và Tôn giáo, một buổi hội thảo) viết năm 1941 ; bài "Religion and Science: Irreconcilable ?" (Tôn giáo và Khoa học: không thể hòa giải được sao ?) viết vào năm 1948.
Theo các tài liệu trên thì chính A. Einstein tự xem mình là một người thuộc về tôn giáo. Tôn giáo của ông được người ta biết qua lý thuyết khoa học của ông. Ông bác bỏ sự thần thánh hóa trong tôn giáo, ông quan tâm đến đời sống con người ở hiện tại và ngay cả sau khi chết. Trong các buổi hội thảo về triết học và tôn giáo, có lúc ông trích dẫn lời của Chúa, rồi có khi ông dẫn lời trong kinh Phật. Quan điểm của ông về tôn giáo chưa bao giờ có hệ thống và nhất quán. Tuy nhiên, với trí tuệ sắc bén và lòng ngưỡng mộ của ông đối với các tôn giáo đã giúp cho ông hiểu đúng và chính xác về các tôn giáo mà ông để tâm nghiên cứu. Ông vẫn thường nhắc nhở các nhà khoa học nên học hỏi ở các tôn giáo để bổ sung cho những khiếm khuyết của khoa học. Ông nói : "Khoa học mà thiếu tôn giáo là khập khiễng. Tôn giáo mà không có khoa học thì mù quáng" (Science without religion is lame. Reigion without science is blind).
Cũng theo các tài liệu trên cho thấy, ông đã nghiên cứu Đạo Phật qua các sách báo của các học giả Phật học của người Âu Mỹ viết, đáng kể là triết gia người Đức Schopenhauer Arthur (1788-1860), tiến sĩ người Đức Paul Carus (1852-1919), viện sĩ hàn lâm người Nga Vasily Vasaliyey (1818-1900)... là những nhà Phật học nổi danh ở phương Tây. Nhờ nghiên cứu như vậy mà A. Einstein đã nhìn thấy Đạo Phật như là một triết lý phương Đông cực kỳ sống động và triết lý ấy đã đi vào cuộc đời bằng chân lý thực chứng của mình, ngỏ hầu cắt ngang sự chậm tiến, lạc hậu, mê tín, cuồng tín và kém văn minh của thời đại. Đạo Phật đã đem lại cho con người một cái nhìn mới, một lối sống mới, một sự hài hòa mới, sống với nhau như ánh sáng trong không gian, chan hòa với nhau như nước với sữa. Chính vì thấy rõ cái độc đáo đó mà ông Einstein đã phát biểu về Đạo Phật như sau : "Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó" (The religion of the future will be a cosmic religion. It would transcend a person God and avoid dogmas and theology. Covering both the natural and the spiritual, it should be based on a religious sence, arising from the experience of all things, natural and spiritual, as a meaningful unity. Buddhism answers this description). Đồng thời, một lần khác ông cũng khẳng định rằng: "Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học" (If there is any religion that would cope with modern scientific needs, it would be Buddhism. Buddhism requires no revision to keep it up to date with recent scientific finding. Buddhism need no surrender its view to science, because it embrances science as well as goes beyond science). (Cả hai câu trên được trích từ Collected famous quotes from Albert Einstein. http://rescomp,stanford,edu/~ cheshire/ Einstein quotes.htm).
Dù những lý thuyết khoa học của ông rất phức tạp và khó hiểu, nhưng tấm lòng nhân đạo và mến chuộng hòa bình của ông đã khiến cho mọi người cảm thấy gần gũi với ông. Ông đã cống hiến tất cả trí tuệ và sức lực của mình
đối với sự phát triển khoa học của nhân loại. Ông làm việc không biết mệt mỏi cho đến ngày qua đời. Ông mất vào lúc 1giờ 25 phút rạng sáng ngày 19 tháng 04 năm 1955 tại Princeton, Hoa Kỳ, hưởng thọ 76 tuổi. Ngày nay, đối với mọi tín đồ Phật Giáo trên khắp năm châu đều thành kính khi nhắc đến tên tuổi của ông, người đã từng góp phần khẳng định lại giá trị vĩnh cửu đối với Giáo lý của Đạo Phật.
Tổng hợp tài liệu theo :
THE WORLD I SEE IT (Giáo sư Robert Topmiller tại đại học Kentucky, USA tháng 11/1997)
ALBERT EINSTEIN, A Biography/F. Albrecht/ Viking/USA/1997
Nguồn

Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Léonard Da Vinci (1452 - 1519)



Trong cả cuộc đời sáng tác nghệ thuật của mình, Da Vinci để lại không nhiều tác phẩm như các nhà danh hoạ khác nhưng mỗi tác phẩm ông để lại đều là thành tựu của niềm say mê nghệ thuật và hiểu biết khoa học. Với tinh thần của chủ nghĩa nhân văn, là con người - chứ không phải thiên đường, không phải Chúa, làm trung tâm để nhận thức và mô tả. Chính tư tưởng của ông đã kéo thế  giới trong tranh vốn xa lạ với con người trở lại cuộc sống thực tại.  Nhân vật  của ông dù lấy chủ đề trong tôn giáo hay là con người bình dị cũng không có  điểm gì khác biệt. Do vậy, sáng tạo của ông là để dành cho mọi người, nó ở  trong mỗi người!
Nghệ thuật thời Phục hưng xuất phát từ Italia, bắt đầu bằng ý tưởng khôi phục lại những vẻ đẹp vốn có của nghệ thuật Hy Lạp thời cổ đại đã bị ''đêm trường trung cổ'' chôn vùi trong những bức tường ngăn lạnh lẽo của tôn giáo, nhà thờ. Nhưng thành tựu mà nghệ thuật thời Phục hưng để lại cho đến ngày nay vẫn không khỏi làm cho người ta ngỡ ngàng, bởi nó đã vượt ra ngoài một cuộc ''khôi phục'' đơn thuần, nó là những sáng tạo tuyệt mỹ của tình yêu nghệ thuật chân chính, của sự hoà đồng trong thiên nhiên tươi đẹp; nó là những bản hoà ca  say mê cuộc sống trần thế, chống lại những ràng buộc vốn nặng trĩu trên vai của thời trung cổ.
Italia là cái nôi của nghệ thuật Phục hưng, nơi được coi là trung tâm mỹ thuật của thế giới, từ đây, những kiệt tác kiến trúc, hội hoạ ra đời gắn liền với nhưng cái tên xứng đáng được coi là người tạo nên lịch sử, Đó là bộ ba: Léonard Da Vinci, Raphael, Michelangelo, trong đó Léonard Da Vinci không những là nhà danh hoạ, điêu khắc tài ba mà còn được mệnh danh là ''bộ óc bách khoa của nhân loại''.
Ngày 15 tháng 4 năm 1452 tại một thị trấn nhỏ vùng núi Tuscama thuộc miền Trung Italia, Léonard Da Vinci chào đời. Cha của Da Vinci xuất thân từ một gia đình khá có danh vọng tại địa phương. Tương truyền ông sống đến 80 tuổi, kết hôn đến bốn lần và có rất nhiều con cái. Mẹ của Da Vinci xuất thân từ  nông dân, sau khi sinh Da Vinci thì gửi Da Vinci cho cha ông cùng người kế  mẫu nuôi. Cậu bé Da Vinci lớn lên khoẻ mạnh, tính tình ôn hoà, thông minh. Cậu đặc biệt ham thích hội hoạ và âm nhạc. Tương truyền, cậu thường tự đánh  đàn và hát những khúc ca mình sáng tác cho những người xung quanh nghe làm cho mọi người hết sức khen ngợi. Những bức tranh của cậu được cha cậu mang đến hỏi ý kiến của danh họa nổi danh nhất thời bấy giờ là Verrocchio, nhà danh hoạ này lập tức khuyên người cha nên cho con đi học vẽ. Do vậy, khoảng năm 15 tuổi, Da Vinci đến học việc tại xưởng nghề của Verrocchio tại Florence.
Có  thể nói, Florence là một trung tâm nghệ thuật của nước ý lúc bấy giờ. Nơi đây tập trung đông đảo các học giả và các nhà mỹ thuật nổi tiếng. Tại  xưởng hoạ của Verrocchio, Da Vinci được làm quen với người thầy của Raphael sau này là Antonio Pollaiuolo. Người này hơn Da Vinci 6 tuổi và cũng từng có một số ảnh hưởng với nhà hội hoạ thiên tài. Trong những năm Da Vinci theo học Verrocchio thì ở phương Tây chưa có một hệ thống giáo dục mỹ thuật, vì  thế nếu muốn học nghề thì phải theo những người thầy học tại xưởng hoạ của  họ. Công việc chủ yếu của học trò là giúp thầy làm những công việc vặt vãnh trong nghề như: chuẩn bị giá vẽ, nghiền bột màu... để từ từ nắm bắt kỹ thuật. Việc học vẽ của Da Vinci cũng không phải ngoại lệ.
Thời kỳ đầu của nền nghệ thuật Phục hưng, trong tâm lý của con người lúc đó, ai cũng mong muốn mình trở thành con người hoàn thiện trên nhiều lĩnh vực. Lý tưởng con người vạn năng đó đã thể hiện một cách đầy đủ và hoàn mỹ đối với bản thân Da Vinci. Ngay từ khi học việc, ông tỏ ra không hài lòng với việc đóng khung hoạt động trong một ngành nhất định. Ông luôn luôn hứng thú tìm hiểu thiên nhiên, tò mò tìm cách giải đáp những câu hỏi thuộc ngành giải phẫu. Tuy vậy, trong xưởng hoạ, ông mau chóng tiến xa những bạn đồng môn, là một người được thầy tin tưởng giao vẽ một số phần trong tranh của thầy. Năm 1472, ông là hội viên của hội mỹ thuật, do vậy đã có khả năng độc lập về công việc.
Bức tranh Bonois Madonna vẽ vào khoảng năm 1478 là tác phẩm do chính tay Da Vinci hoàn thành. Bức tranh vẫn còn rơi rớt phong cách hội hoạ cũ, nhưng trong đó đã chứa đựng tư tưởng dung hoà những hiểu biết thiên nhiên vào tranh, tạo nên những ấn tượng về sự tươi mới, sinh động cho cảnh sắc và con người. Đến năm 1478, Da Vinci mở xưởng hoạ đầu tiên của mình. Ít lâu sau, ông vẽ bức Adoration of the Magi lấy đề tài trong cuốn Kinh thánh, bức tranh  dự báo một thời đại sáng tác rực rỡ của Da Vinci.
Mặc dù Florence là cái nôi mỹ thuật của ý, trong thành phố này, các nhà  hội hoạ, điêu khắc đã sáng tạo nên nhiều kiệt tác góp phần đem lại một bầu  không khí nghệ thuật đầy hứng khởi cho bất cử ai ham mê cái đẹp...nhưng Da Vinci lại cảm thấy mình không hợp với Florence. Ông đến Milan vào năm 1482  theo lời mời của vị đại công tước - người đang thống trị thành phố này. Ông trở thành công trình sư, hoạ sĩ của riêng vị đại công tước này. Từ đây bắt đầu một thời kỳ huy hoàng nhất trong sự nghiệp của ông. Ông có thời gian nghiên cứu  các vấn đề thuộc về khoa học kỹ thuật, đề xuất nhiều ý tưởng kiến trúc độc đáo, xây dựng những tường thành phòng thủ, kể cả thiết kế phục trang, sáng tác nhạc, vẽ bối cảnh sân khấu... trong khi đó ông vẫn không quên sáng tác hội hoạ.
Bức Madonna of the Rocks vẽ trong khoảng 1483 đến 1485 là bức tranh thể hiện một cách rõ nét những đặc trưng hội hoạ Phục hưng thời kỳ hưng thịnh nhất. Nhân vật được sắp xếp theo hình kim tự tháp, đây là dạng thức kết cấu làm cho nhân vật có được sự sinh động, hài hoà. Một đặc trưng khác của hội hoạ Da Vinci là những chi tiết tinh xác đã được khắc hoạ vĩnh viễn vào toàn thể. Nhờ những quan sát kĩ trong tự nhiên cũng như đối với bộ phận cơ thể người mà những hình tượng của Đức Mẹ, của Chúa... hiển hiện sinh động như một con  người đang tồn tại trước mắt. Lần đầu tiên, Da Vinci sáng tạo nên một tác phẩm hội hoạ chính xác về đường nét, hài hoà về màu sắc và mang hơi thở của tự  nhiên trần thế. Mặc dù cũng là hình ảnh của tôn giáo nhưng bức tranh thời Trung cổ chỉ là những hình phẳng hai chiều, đến Da Vinci đó là những không gian ba chiều, nhân vật thánh nhưng bình dị như người bình thường. Có thể nói,  kể từ bức tranh này, Da Vinci đã kéo thiên đường xuống hạ giới!
Da Vinci đặc biệt yêu thích tác phẩm Madonna of the Rocks và công chúng cũng đón nhận nó hết sức nồng nhiệt. Tận hai mươi năm sau, Da Vinci đã sáng tác những biến thể cùng tên nhưng những bức tranh này không thể sánh được với bức ra đời đầu tiên.
Năm 1495, Da Vinci bắt đầu vẽ kiệt tác Last Supper bên trong tu viện Santa Maria delle Grazie. Trong khoảng thời gian chừng hai năm, Da Vinci đã phác thảo nhiều lần và suy đi tính lại cho một sự thể nghiệm hoàn toàn mới đối với bức tranh mang chủ đề tôn giáo quá quen thuộc này. Cũng giống như những nhà hội hoạ, kiến trúc khác, Da Vinci coi sáng tạo nghệ thuật là hoạt động trí lực, chúng là sản phẩm của tâm linh và trí não chứ không phải là một loại kỹ năng thủ công. Da Vinci tiến hành vẽ trong một khoảng thời gian rất dài, vừa vẽ  vừa nghĩ, vừa tìm những người mẫu ưng ý diễn đạt hình thể và tâm tưởng của Chúa và mười hai môn đồ. Có một câu chuyện hết sức đáng lưu tâm trong khi Da Vinci vẽ bức tranh này. Chuyện kể rằng, Da Vinci đã vẽ hết các khuôn mặt cần thể hiện, trừ Jesus và Judas - kẻ phản bội. Ông chưa thể tìm được người mẫu ưng ý. Với sự giúp đỡ của tu viện trưởng, người ta dẫn đến cho ông một chàng thanh niên có khuôn mặt thánh thiện, rất giống khuôn mặt của Jesus. Da Vinci  rất ưng ý và lập tức bắt tay vào việc. Nhưng vẽ xong khuôn mặt Jesus rồi, Da Vinci lại phải ngừng công việc vì cảm thấy không thể thực hiện ngay khi bắt  buộc phải vẽ nét chân dung kẻ tội đồ. Lần này là một việc khó khăn. Sở dĩ người ta có thể kiếm được rất nhiều khuôn mặt thánh thiện nhưng để tìm một khuôn mặt như Judas thì không phải đơn giản! Bao nhiêu người dẫn tới làm mẫu cho  Da Vinci vẽ mà ông không vừa lòng. Công việc ngủng trệ. Sau nhiều năm, người ta dẫn tới cho ông một người tù xấu xí và có khuôn mặt ươn hèn, phản trắc. Dường như đó là khuôn mặt dành cho Judas. Khi Da Vinci vẽ gần xong bức tranh, người tù đã chỉ vào khuôn mặt của Jesus và đau đớn thú nhận: nhiều năm trước, chính anh ta đã ngồi làm mẫu cho Da Vinci vẽ khuôn mặt Jesus, vì cuộc sống xô đẩy anh ta trở thành một tên lưu manh!
Bức tranh lấy bối cảnh của bữa tiệc cuối cùng, Jesus cùng mười hai môn đồ ăn một bữa tối cùng nhau trước khi Jesus bị bắt và hành hình. Trong bữa tiệc, Jesus dự báo cho họ biết là sẽ có một người trong số họ bán đứng mình. Lấy Jesus làm trung tâm, Da Vinci hướng mọi ánh mắt của mười hai môn đồ vào Jesus. Môn đồ chia thành bốn nhóm, mỗi nhóm ba người, ngồi hai bên Jesus và  so le với nhau rất sinh động. Đồng thời, không như những hoạ sĩ trước thường dùng vòng hào quang để phân biệt Jesus, Da Vinci đã mạnh dạn không dùng  vòng hào quang mà dùng ánh sáng của những khung cửa sổ tôn lên hình ảnh của Jesus. Còn lại Jesus và những môn đồ đều được khắc hoạ như những người bình thường. Kẻ phản bội Judas cũng không nằm tách riêng mà Da Vinci vẫn đặt hắn ở giữa các môn đồ. Người xem chỉ có thể nhận ra hắn bằng suy luận tâm lý. Khi Judas nghe thầy mình có lời dự báo như thế, hắn giật mình và thân thể đột nhiên co rút lại và chuyển sang một bên.
Bức tranh này được vẽ trên tường và qua thời gian nó đã bị hư hỏng nặng. Nhưng trong lịch sử mỹ thuật thế giới, đây là một kiệt tác cùng với tượng David của Michelangelo và Trường Athen của Raphael là ba tuyệt phẩm của mỹ thuật Phục hưng thời cực thịnh.
Năm 1500, do Pháp tiến đánh Milan, Da Vinci trở về Florence khi thời thế ở đây đã hoàn toàn thay đổi. Thầy của Da Vinci đã chết từ lâu, nhà hội hoạ và điêu khắc trẻ tuổi Michelangelo đang trỏ thành niềm kiêu hãnh của Florence. Tuy nhiên, Da Vinci vẫn nhận được sự tiếp đón nồng nhiệt của công chúng, họ đến xem bức The Madonna anh Child with S. Anne như tham dự một lễ hội. Nhưng thành quả tuyệt diệu nhất trong lần trở về Florenee là bức Mona Lisa được Da Vinci vẽ khoảng 1503 - 1506. Đầu năm 1503, Da Vinci nhận lời mời  của một thương gia tại Florence là Gioconda đến vẽ cho phu nhân của ông ta một bức chân dung.
Mona Lisa là một bức hoạ bán thân. Hầu như những bức hoạ bán thân đều vẽ nhân vật ở tư thể nhìn nghiêng hoặc nhìn thẳng, điều đó không tránh khỏi sự  khô cứng. Da Vinci dùng động tác tự nhiên của Mona Lisa, đặt hình thể của nàng trong một hình tam giác kiểu kim tự tháp để xóa bỏ cảm giác quá hài hoà và ổn định, ông để cho thân hình của nàng ngồi hơi nghiêng. Da Vinci cũng dùng y phục màu sậm để làm nổi bật khuôn mặt và đôi tay của nàng. Cảnh sắc nền bức hoạ được xử lý bằng không gian tự nhiên, khiến cho khuôn hình của Mona Lisa sống động và được bao phủ bằng những đường nét mềm mại.
Tương truyền, Mona Lisa khi ngồi làm mẫu, để nhân vật đạt được độ chân thực tối đa, Da Vinci nói chuyện với nàng, mời người đánh đàn, kể chuyện cười cho nàng nghe, cố gắng duy trì sự tự nhiên và trạng thái vui vẻ. Nhờ vậy, ông đã nắm bắt được cái thần trên khuôn mặt nàng, đó là ánh mắt sáng, nụ cười làm cho khoé miệng hơi nhếch, vĩnh viễn lưu lại một ẩn ý thần bí. Nụ cười của nàng cho đến ngày nay người ta cũng không thể cắt nghĩa được!
Kiệt tác Mona Lia đã thống nhất một cách cao độ giữa lý tưởng hoá và cá tính hoá, kết hợp một cách hoàn thiện sự quan sát tỉ mỉ và cảm xúc sáng tác của thiên tài Da Vinci. Da Vinci coi đây là tác phẩm yêu thích không thể xa rời của mình nên đã không trao bức tranh cho vợ chồng Gioconda. Đến năm 1517, ông mang nó sang Pháp và bức tranh bắt đầu cuộc phiêu lưu của mình trước khi nó yên vị tại Louvre.
Năm 1503, khi còn ở Florence, ông được toà thị chính thành phố mời đến vẽ bức Pattle of Anghiari, Trong phòng hội nghị của toà thị chính, Michelangelo cùng tham gia vẽ một bức tranh khác. Người ta đặc biệt lưu tâm đến cuộc so tài  của hai bậc thầy lớn này, trong đó có cả Raphael. Nhưng do Da Vinci thử  nghiệm một loại màu vẽ tranh sơn dầu mới của mình vừa sáng chế, cho nên bức  tranh của ông sau một thời gian hoàn thành đã hư hại. Do đó nảy sinh mâu thuẫn giữa nhà hội hoạ và toà thị chính. Chưa giải quyết được thì viên tổng đốc người Pháp chiếm giữ Milan mời ông trở lại Milan làm việc, Da Vmci đồng ý ra đi.
Nhưng đến năm 1513 ông lại lưu lạc đến Rome, nơi Raphael đang nổi tiếng. Thời gian này ông ngừng sáng tác mỹ thuật và quay trở lại nghiên cứu khoa học. Ông là một trong những người đầu tiên có ý định giải phẫu cơ thể người phục vụ cho khoa học. Việc làm này bị giáo hội cấm đoán, nhưng Da Vinci vẫn không từ bỏ ý định mày mò nghiên cứu trên cơ thể động vật và tạo nên những bức phác thảo chính xác gần như tuyệt đối. Ông cũng tự vẽ cho mình  một bức phác thảo, còn gọi là bức chân dung tự hoạ.
Năm 1515, Francis I trở thành vua của nước Pháp ở phía Bắc. Da Vinci sống trong trang viên riêng của mình trong triều đình Pháp và được tạo mọi cơ hội để sáng tác. Nhưng ông chỉ chỉnh lý được những phác hoạ và những công trình nghiên cứu khoa học của mình. Khá nhiều bức vẽ mô tả những trải nghiệm phi thường của một trí tuệ siêu việt ấp ủ ước mơ biến những điều không thực trở thành có thể, ví như ông đã phác hoạ những động cơ đầu tiên có thể giúp con người bay được. Mải mê với những ý tưởng, ông không sáng tác nữa, cho đến  khi tuổi cao, sức yếu ngày 2.5.1519, ông mất tại Pháp.

DANTE (1265 – 1321)



Dante là một thi nhân đại của Italy trong thời Trung cổ, bước sang thời kì văn hoá phục hưng và cũng là bậc thầy văn chương lớn của thế giới. Với  vai trò người đi đầu, tác phẩm của ông tuy vẫn còn rơi rớt thế giới quan thồn thời Trung cổ nhưng rõ ràng đã lấp lánh tinh thần của thời đại mới. Cho tới nay, không ai có thể phủ nhận được tài năng cũng như những cống hiến to lớn của ông cho thi ca Italy và thi ca nhân loại. Đối với Dante, nhắc đến ông là  nhắc đến Thần khúc.


Phong trào văn hoá Phục hưng diễn ra khởi nguồn từ vùng bắc Italia, nơi phát triển những đô thị tự do và giàu có như Milan, Frorence. . . Phong trào này diễn ra trong khoảng 300 năm, từ thế kỉ 14 đến hết thế kỉ 16. Trong 300 năm đó,  luồng tư tưởng về thế tục, chống phong kiến đã khơi nguồn cho những tác phẩm văn học, hội hoạ nở rộ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Nhận định về thời kỳ này, Friedrich Engels đã nói: ''Việc kết thúc chế độ phong kiến thời Trung cổ và mở đầu kỷ nguyên tư bản chủ nghĩa hiện đại ở Italia, là do một nhân vật lớn làm  đại biểu. Nhân vật đó là Dante. Ông là một thi nhân cuối cùng trong thời Trung  cổ, đồng thời lại là một thi nhân đầu tiên của thời đại mới”.
Dante Alighieri (1265 - 1321) là một thi nhân vĩ đại Italia trong thời kỳ Trung cổ bước sang thời kỳ văn hóa Phục hưng, và cũng là bậc thầy văn chương  lớn của thế giới. Với vai trò của người đi đầu, tác phẩm của ông tuy vẫn còn rơi rớt thế giới quan thần bí thời Trung cổ nhưng rõ ràng đã lấp lánh tinh thần của thời đại mới. Những sáng tác của ông miêu tả diễn biến chính trị của đất nước khi chủ nghĩa tư bản đang dần dần bén rễ là phát triển, sự tan rã mục ruỗng của những thể thức phong kiến cũ kỹ, sự hưng vong của những thành bang. Trong  đó, nổi tiếng nhất là tập Thần Khúc.
Dante sinh ra trong một gia đình quý tộc đã suy sụp thuộc phái Giáo hoàng tại Florence, trưởng thành trong bầu không khí bao phủ bởi tư tưởng thần học của phái Kinh Viện đối với mọi lĩnh vực học thuật. Thời đại Dante sống và sáng tác chính là buổi giao thời giữa cái mới và cái cũ, tức chế độ phong kiến bắt đầu suy sụp và chế độ tư bản chủ nghĩa đang dần hưng thịnh. Thời kỳ này Italia bắt đầu trở thành con đường thông thương giữa Âu Châu và phương Đông. Đến cuối thế kỷ 13, đi đôi với việc thành lập nước Cộng hoà tự trị thành  thị, sự đấu tranh giai cấp giữa Giáo hoàng La Mã kết hợp với giới phong kiến  quý tộc và tầng lớp thị dân mới lên càng ngày càng gay gắt, đặc biệt ở Florence. Phái Giáo hoàng tách đôi hai đảng lớn chống đối nhau: một bên là Bạch Đảng do gia tộc Cerchi cầm đầu, thành viên là những hộ mới phất lên nhưng không bằng lòng tiếp nhận quyền cai trị của Giáo hoàng mà muốn duy trì sự tự do và  độc lập của họ. Bên kia là Hắc Đảng do gia tộc Donati cầm đầu, thành viên bao gồm những hộ đang sa sút muốn dựa vào thế lực của Giáo hoàng để khôi phục  lại uy danh và quyền bính của gia tộc mình.
Dante quyết tâm không dính líu vào những cuộc tranh chấp nói trên, nhưng ông cũng cương quyết chủ trương Florence phải được độc lập và tự do hoàn toàn, không bị bất kỳ thế lực nào chi phối. Dần dần, do tình thế Bạch  Đảng bị trấn áp, Dante ngả về phía Bạch Đảng, lúc đó ông là một trong sáu uỷ viên chấp hành của nước cộng hoà Florence. Tình hình đấu tranh giữa hai phe ngày càng khốc liệt, Dante đã trở thành nạn nhân của những cuộc trả thù của  Hắc Đảng. Chúng tịch thu tài sản, kết án thiêu sống ông, vì vậy ông buộc phải lưu vong ở nước ngoài.
Dante đã kết giao được với những nhà thơ nổi tiếng như Guido Cavalcanti, ông đem lòng yêu cô gái Beatrice - một nguồn đề tài mới tạo cảm hứng dồi dào trong sáng tác của ông. Đặc biệt là trong tập thơ La vita nouva. Nhưng không bao lâu, cô gái qua đời. Sự việc đó đã làm cho Dante thực sự đau đớn trong một khoảng thời gian dài đằng đẵng.
Cuộc sống trôi nổi của Dante gắn liền với tình hình chính trị không ổn định tại Florence. Những năm tháng sống lưu vong, nỗi nhớ quê hương cồn cào, cùng với nỗi đau tình yêu đã làm tan nát trái tim Dante. Ông chỉ còn biết vùi quên lãng trong những sáng tác văn chương của mình.
Năm 1308, Henry 7 được cử làm hoàng đế, Dante biết hoàng đế mới là người ngay thẳng sáng suốt, trong lòng lại bừng cháy hy vọng trở về Florence. Nhưng việc chưa thành thì Henry bất ngờ qua đời. Dante vô cùng thất vọng đành vùi đầu vào sửa chữa bản thảo Thần khúc. Đến năm 1315 có tin từ  Florence cho biết, những quan chức bị trục xuất như Dante nếu bằng lòng nộp  tiền phạt và bằng lòng đội tro, cổ mang dao, đi diễu hành quanh chợ thì sẽ cho  họ trở về quê hương. Dante nghe tin đó hết sức phẫn nộ, ông đã viết thư cho bạn  bè: “... đó đâu phải cách cho tôi trở về nước nếu làm tổn thương đến danh dự của Dante thì tôi sẽ quyết định không bao giờ giẫm chân lên mảnh đất Florence nữa. Chẳng lẽ ở một địa phương khác tôi không hưởng được ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, và các vì sao hay sao? Chẳng lẽ tôi không chịu quỳ gối trước mặt  thị dân Florence thì tôi sẽ không tiếp cận được chân lý quý báu hay sao?...”. Những lời nói trên đã cho thấy tính cách cao ngạo không bao giờ chịu khuất  phục của Dante, và đến cuối đời, năm 1321 Dante vĩnh viễn ra đi nơi đất khách quê người Ravenna.
Sống Mới là tập thơ trong giai đoạn đầu sáng tác văn chương lấy nguồn cảm hứng từ tình yêu với cô gái Beatrice, gồm những bài thơ ca ngợi và tưởng niệm nàng, chen một vài đoạn văn xuôi. Đây là một tác phẩm văn học quan trọng của Dante nhưng nội dung tư tưởng của nó không nói về vấn đề xã hội mà thể hiện tình yêu với những câu thơ chứa đựng màu sắc tôn giáo, hình thức nghệ thuật thì cũng chưa đạt tới mức điêu luyện. Dante muốn đem tình yêu thế tục kết hợp một cách hài hoà với tình yêu Chúa.
Tiệc thiết khách là tác phẩm mang tính lý trí được Dante dùng ngôn ngữ thông tục để viết ra trong giai đoạn từ năm 1304 đến 1307, đặt nền tảng cho sáng tác văn xuôi mang tính chất ngữ học thông tục. Dante dựa vào việc giải thích một số tác phẩm thi ca của mình, giới thiệu cho nguời đọc những tri thức khác từ cuộc sống. Trong đó phần nào phản ánh những đau khổ, buồn bã thất vọng của ông trong thời gian sống lưu vong. Đồng thời ông muốn dùng tác  phẩm này để khoa trương tài năng và tri thức uyên bác của mình, một lần nữa  muốn ''gõ cánh cửa'' trở về quê hương. Dante đã phân tích một cách tiến bộ về thế nào là ''quý tộc'' - đó không phải là đại danh từ để chỉ người xuất thân cao quý. Một người xuất thân thấp kém nhưng có học thức uyên bác, có hành động cao thượng và được mọi ngươi tán tụng yêu mến thì cũng là một quý tộc. Đây chưa hẳn là những tư tưởng đúng đắn nhất nhưng vào thời kỳ của những định kiến phân biệt giai cấp nặng nề như thời bấy giờ thì những tư tưởng trên là hết  sức đáng trân trọng. Điều đó thể hiện rằng, Chúa đã không phải là tất cả! Dự kiến, toàn bộ quyển sách chia thành mười lăm phần. Phần một là lời mở đầu, mười bốn phần còn lại là thơ chen lẫn với những lời bình luận. Đáng tiếc là Dante chỉ hoàn thành bốn phần, những phần này hết lời ca ngợi ngôn ngữ thông tục, phê bình đả kích quan niệm đẳng cấp của phong kiến.
Thần khúc là tác phẩm nổi tiếng nhất của Dante. Không thể xác định chính xác thời điểm sáng tác tác phẩm này nhưng theo lời nói của Giovanni Boccacio thì trước khi Dante sống lưu vong thì ông đã bắt đầu viết. Những năm sau đó, người nhà của ông phát hiện được bản thảo và người bạn thân Tino di Camaino đã xem và khuyến khích Dante viết tiếp. Căn cứ theo số đông thì Thần khúc được viết từ 1307. Dante đề tựa cho tác phẩm của mình là Kịch vui. Theo đó, đây sẽ là câu chuyện làm cho người đọc vui vẻ với phong cách không gò bó  mà tình cảm của tác giả sẽ được bộc lộ một cách tự nhiên. Khi Dante đã qua đời, tác phẩm được phổ biến và mọi người thêm vào trước nhan đề hai chữ Thần  Thánh để tỏ lòng tôn kính. Thời đó, cho dù một người bình dân ít học hay không  biết chữ cũng có thể đọc thuộc lòng một vài đoạn trong tác phẩm, thậm chí có người đã gọi đó là ''Dante''.
Thần khúc được viết bằng tiếng Italia, tiếng nói dân tộc mà Dante yêu mến và dày công vun đắp. Nó gồm 100 khúc ca với 14226 câu thơ và được phân  chia như sau: khúc mở đầu, tiếp đến là phần nói về Địa ngục (35 khúc), đến  phần nói về Luyện ngục (33 khúc), sau cùng là nói về Thiên đường (33 khúc). Dante kể rằng: Mùa xuân năm 1300 là năm đại xá, năm Dante 35 tuổi bước vào  quãng ''nửa đời người'', Dante đi lạc vào một khu rừng và mau chóng không nhận ra phương hướng. Trong khi đó, cửa ra duy nhất của khu rừng bị ba con  thú dữ chắn giữ, đó là báo, sư tử, sói (những con thú tượng trưng cho những thói  xấu của người đời: ghen ty, kiêu căng, keo kiệt). May sao trong cơn nguy khốn, từ trên Thiên đường nàng Beatrice trong thấy và nhắn gọi Virgil (nhà thơ La Mã  mà Dante suy tôn là bậc thầy của mình) xuống giúp Dante thoát ra.
Virgil dẫn Dante đi qua Địa ngục, Luyện ngục và Thiên đường, bắt đầu cuộc mộng du thần bí trong suốt 7 ngày. Địa ngục có hình thù của một cái phễu  lớn gồm 9 tầng. Mỗi tầng đều được nối liền bằng những bậc thềm liên kết với  nhau. Tầng thứ nhất được gọi là ''nơi chờ xét xử'', ở đó giam cầm những người  phàm tục chưa qua lễ rửa tội. Rất đông những nhà hiền triết như Homer, Socrates. . . từ tầng thứ hai đến tầng thứ năm lại giam giữ những bọn người háo  sắc, tham lam bủn xỉn, du đãng du thực, tính tình hung dữ. Tầng thứ sáu tập trung những tín đồ tà giáo Tầng thứ bảy gồm những người tự sát, những phần tử  làm tan cửa nát nhà, những kẻ cho vay nặng lãi, còn tầng thứ tám và chín giam giữ những kẻ phản quốc, những kẻ phạm tội lừa đảo. Càng xuống những tầng phía dưới thì hình phạt càng nặng nề, khủng khiếp. Đó là vạc dầu sôi sùng sục, lửa cháy bừng bừng, cảnh tội nhân bị gặm đầu và nhai ngấu nghiến hoặc ngụp lặn trong bể máu tươi.
Dante đã tận mắt chứng kiến và miêu tả tình hình mỗi tầng địa ngục. Rất nhiều nhân vật khác nhau kể cả Giáo hoàng, nhà vua, và những quý tộc quyền quý. Như Giáo hoàng Pope Boniface trước kia từng ngồi trên ngai vàng của  Giáo hoàng La Mã, quyền uy cao tột độ, ai ai cũng sợ, từng làm những chuyện ngang ngược thế mà xuống đây lại ngồi bó gối, trở thành một tên tù binh. Tiếp đó Virgil dẫn Dante đi tới Luyện ngục. Quang cảnh nơi đây không rùng rợn như ở Địa ngục. Nơi đây gồm 7 bậc, là nơi yên tĩnh để giúp con người ăn năn hối  cải, tẩy rửa cho sạch lỗi lầm. Dante gặp những danh nhân, văn nghệ sĩ, triết gia, các bậc anh hùng quá khứ. . . Hết Luyện ngục thì Virgil từ giã Dante vì bản thân ông cũng chưa đến được Thiên đường và cũng vì Dante đã không còn là nô lệ của tội lỗi nữa. Trong cảnh sắc chan hoà ánh sáng của chốn Thiên đường, thân hình diễm lệ của nàng Beatrice hiện ra. Dante cùng nàng dạo trong vườn Den, ngâm mình trong dòng sông Quên, sông Ưu lạc để tẩy rửa linh hồn.
Trong tác phẩm, nếu hình tượng Virgil tượng trưng cho lí trí, cho trí tuệ thì hình tượng Beatrice tượng trưng cho tình yêu, cái đẹp. Cuộc hành trình của  Dante cùng với lí trí, cùng với tình yêu nhằm mục đích gì? Dante đã say sưa ca ngợi những con người như Uylix, ca ngợi những nghệ sĩ làm đẹp cho đời. Trong suốt cuộc hành trình, Dante luôn thể hiện lòng thiết tha với quyền sống và nỗi căm giận những thế lực đen tối chống lại con người, huỷ diệt sự sống. Đó là  niềm tự hào kiêu hãnh quá khứ hào hùng của tổ quốc, truyền thống và niềm tự  hào về thứ ngôn ngữ dân tộc mà Dante suốt đời gắn bó. Như vậy mục đích của cuộc hành trình phải chăng là hướng tới Chân, Thiện, Mỹ? Đó không phải chỉ là  lối đi đúng đắn của nghệ thuật mà còn là con đường nhân loại đã, đang và mãi  mãi còn đi.
Sau khi Dante qua đời, số phận của Thần khúc cũng trải qua nhiều biến động, thăng trầm. Đầu thế kỷ 15, Dante cùng với Thần khúc được xem là nghệ sĩ dân gian tầm thường. Mãi đến thế kỷ 18, khi nhà triết học duy tâm nổi tiếng của Naples là Giambattista Vico đánh giá cao Thần khúc, cho rằng Dante là Homer của Italia, trong Thần khúc là toàn bộ nền văn minh của thời Trung cổ. Kể từ đó người ta đánh giá lại Dante, thấy lại một thời Thần khúc được xem như Thánh kinh của người dân, thấy lại rằng lâu nay người ta đã lãng quên một nghệ sĩ đầy lòng nhiệt huyết với dân tộc. Cho tới nay, không ai có thể phủ nhận được tài  năng cũng như những cống hiến to lớn của Dante cho thi ca Italia và thi ca nhân  loại. Đối với Dante nhắc đến ông là nhắc đến Thần khúc!