Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

Vài điều căn bản về phong trào Phật giáo - Cao Huy Thuần

Lời nói đầu: Ngày 30-4-2011 vừa qua, Thời Đại Mới có mở một cuộc đàm thoại nội bộ về nhu cầu nghiên cứu các phong trào tranh đấu ở các đô thị miền Nam trước đây. Sau buổi đàm thoại, chúng tôi có yêu cầu anh Ngô Vĩnh Long viết lại những ý kiến của anh thành bài và yêu cầu anh Cao Huy Thuần tóm tắt quan điểm mà anh đã phát biểu. Dưới đây là tóm tắt đàm thoại của anh Cao Huy Thuần.

Thời Đại MớiHôm nay là 30-4, ngày kỷ niệm chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Năm ngoái, anh đã có một bài trò chuyện với VietnamNet. Năm nay, chúng tôi cũng mời anh tiếp tục chuyện trò như thế, không phải vì một mục tiêu chính trị nào, mà để góp phần vào việc nghiên cứu nghiêm túc các phong trào tranh đấu ở các đô thị miền Nam cũ, nghiên cứu sử hiện đại. Đề nghị anh nói về phong trào Phật giáo, tuy biết anh rất ngần ngại. Tại sao anh ngần ngại? 
Cao Huy Thuần: Vì nhiều lẽ. Một, là tôi luôn luôn hướng về tương lai, không thích vấn vương những chuyện quá khứ. Hai, là nói đến phong trào Phật giáo tất phải bắt đầu bằng cuộc nổi dậy chống chính quyền Ngô Đình Diệm năm 1963, và như thế thì bắt buộc phải động đến vai trò của Thiên chúa giáo dưới thời ông Diệm. Vấn đề tôn giáo là vấn đề nhạy cảm số một, nếu ngày nay tôi còn quan tâm là vì có liên quan đến an ninh của nhà nước, nhưng chuyện của ngày xưa thì tôi muốn quên, cần quên, phải quên, vì nhu cầu hòa hợp dân tộc cũng là vấn đề hệ trọng không kém. Ba, là nếu muốn viết lại lịch sử phong trào Phật giáo thì phải viết cả cuốn sách, việc đó tôi làm không nổi. Tôi không biết có nên nói thêm một lẽ thứ tư không, có lẽ nên, để xưng tụng một từ ngữ hoạt kê đầy tính tượng hình: "chụp mũ". Phong trào Phật giáo từng bị chụp mũ "thân Mỹ", "thân Cộng", lắm khi đội hai cái mũ một lần. Trả cái mũ về cho cái mũ thì cái đầu thảnh thơi hơn, tội gì bắt cái đầu phải nhớ lại chuyện cũ?  
TĐM: Chụp mũ là chuyện thường tình, trừ khi anh không có cái đầu. Trót có cái đầu thì ráng chịu. Sở dĩ TĐM đặt lại với anh vấn đề nghiên cứu phong trào Phật giáo là vì, như anh Ngô Vĩnh Long vừa nói, chưa có nghiên cứu tốt về phong trào này. Anh có nghĩ như vậy không? 
CHT: Tôi cũng nghĩ như vậy, nhưng vì một cái nhìn có lẽ khác với anh Ngô Vĩnh Long. Các bài viết về phong trào Phật giáo cho đến nay chưa làm rõ ra được cái cốt lõi của phong trào. Cốt lõi ấy không phải là chính trị mà là văn hóa, đạo đức. Nói ra thì rất dài, ở đây tôi chỉ có thể tóm tắt thôi. Nhưng nếu nhìn phong trào với con mắt chính trị thì chỉ thấy ngoài da, không thấy tận gan tận ruột. Đặc tính văn hóa, đạo đức ấy xuyên suốt phong trào trong cả hai giai đoạn: giai đoạn chống độc tài, độc tôn và giai đoạn chống chiến tranh, đòi hòa bình. Giai đoạn đầu (1963-65) là giai đoạn vàng son, chống chế độ Diệm và các chế độ quân nhân sau Diệm. Giai đoạn sau, từ 1966, từ lúc Mỹ can thiệp rần rộ vào chiến tranh, là giai đoạn suy vi, vừa bị người Mỹ giúp ông Kỳ đàn áp thẳng tay ở miền Trung, vừa bị chính quyền Thiệu-Kỳ chia rẽ hàng ngũ bằng cách dựng lên một nhánh Phật giáo đối nghịch. Dù thịnh dù suy, phong trào không mất quần chúng và cũng không rời khỏi phương châm văn hóa, đạo đức. Mà suy cũng là lẽ tất nhiên khi chiến tranh leo thang tàn khốc, mọi tiếng nói hòa bình phải bị bóp nghẹt. 
TĐMCả từ hai phía? 
CHT: Hãy nói từ phía kề cận, hãy nói từ trong lòng chế độ quân nhân, từ trong lòng bộ máy chiến tranh của Mỹ, từ phía người Mỹ. Không dễ gì cất lên tiếng nói hòa bình khi họ quyết định đánh cho đến cùng. Chỉ chừng đó đã lao đao rồi, nói gì thêm! Nhưng chính trong lao đao mà bản chất văn hóa, đạo đức của phong trào lại càng rõ. Giữ cho được bản chất đó, ôi, bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu bầm dập, bao nhiêu cái mũ phải đội trên đầu. Nhưng, gạt qua một bên những chuyện hời hợt hoa lá cành, nhìn nhựa chảy bên trong thân cây, thì dù khi lên khi xuống, người nghiên cứu sẽ thấy lồ lộ hai ý tưởng chính nuôi dưỡng phong trào: một, là phải trả lại cho Việt Nam văn hóa truyền thống của dân tộc; hai, là Phật giáo phải làm sáng tỏ ra rằng mình biểu hiện lương tâm của dân tộc. Anh có thể đồng ý hay không đồng ý với hoài bão của các người lãnh đạo phong trào, nhưng đấy mới là cốt lõi của vấn đề, mới là động cơ thúc đẩy hành động của họ. 
TĐM: Giai đoạn đầu, ai cũng biết: Phật giáo khởi đầu phong trào lật đổ ông Diệm. Dù muốn dù không, thế là chính trị! Có phải lật đổ ông Diệm là mục tiêu của phong trào?  
CHT: Không phải. Chính xác mà nói, Phật giáo không chống ông Diệm mà chống chính sách kỳ thị tôn giáo của ông ấy. Đây không phải chỉ là lời nói đầu môi; đây là thâm sâu tận bên trong triết lý của đạo Phật. Đạo Phật chỉ xem hành động là có, còn tất cả đều không. Chống, là chống hành động, không chống con người. Cho nên sự chống đối ấy, từ đầu, mang tính văn hóa, đạo đức, chứ không phải chính trị. Các người lãnh đạo nói: đạo Phật là đạo của dân tộc Việt Nam từ xưa, đã làm nên văn hóa Việt Nam, sao bây giờ ông Diệm lại bắt cả cái dân tộc đó phải hát suy tôn ông khi chào cờ "xin Thượng đế ban phước lành cho Ngưởi"? Văn hóa truyền thống Việt Nam không có khái niệm "thượng đế", không có ngôn từ "ban phước lành". Ai có khái niệm đó thì cứ xin, sao lại bắt ai ai cũng phải nhất tề xin, mà lại xin trước cái biểu tượng thiêng liêng là ngọn quốc kỳ? Thượng đế và quốc kỳ là một? Nhà nước và Nhà thờ là chung? Cái nhục ấy, trước tiên, là nhục văn hóa hay là nhục chính trị? Uất ức chồng chất trong chín năm không phải vì ông Diệm là tín đồ của một tôn giáo nào, mà vì ông đã cuồng tín tôn giáo đến mức làm nhục một gia tài văn hóa trong đó Phật giáo là một bộ phận chính. Ấy chỉ là một ví dụ trong trăm ngàn uất ức chồng chất như non. Từ đó, lộ ra đặc tính đạo đức. Đạo đức ở đây là chốngbất công. Buồn cười không thể tưởng tượng về cái Dụ số 10: Dụ này không xem Phật giáo như một tôn giáo mà chỉ như một hiệp hội, ngang hàng với các hiệp hội từ thiện, mỹ nghệ, tiêu khiển, thể thao! Tôn giáo thì chỉ có một thôi, là Thiên chúa giáo vì Thiên chúa giáo không nằm trong Dụ số 10. Lại cũng buồn cười không kém cái lý do mà ông Diệm gạt ngày Phật Đản ra khỏi danh sách nghỉ lễ hàng năm: khi Phật sinh ra, Phật chưa là Phật, còn khi Chúa sinh ra, Chúa đã là Chúa. Phật giáo phải đứng dậy để đòi cái gì? Buồn cười ra nước mắt: đòi dẹp bỏ Dụ số 10 để mình được làm… tôn giáo như ai! Không nhận ra cái bất công khủng khiếp này thì không hiểu được cái nhục mà tôi gọi là cái nhục gia tài, cái nhục không riêng gì của thế hệ lúc đó mà nhục cả cha ông từ bao nhiêu thế hệ trước. Thành công của phong trào Phật giáo trong vụ nổi dậy năm 1963 là do ở chỗ dân chúng cảm lây cái nhục đó. Từ một động cơ có tính văn hóa và đạo lý,  chống đối ông Diệm trở thành chính trị khi quần chúng và sinh viên phát triển tranh đấu đòi bình đẳng tôn giáo lên thành tranh đấu chống độc tài gia đình trị. 
TĐMDụ số 10 không phải có từ thời ông Diệm mà đã có từ thời Bảo Đại. Ông Diệm chỉ thừa hưởng. 
CHT: Đúng vậy! Và chính vì vậy mà cái nhục của Phật giáo được dân tộc san sẻ, trở thành cái nhục chung. Một đạo dụ, ban hành dưới thời bán thuộc địa Liên Hiệp Pháp, xếp tôn giáo truyền thống của dân tộc vào loại vô tôn giáo, lại được một chính quyền mang tiếng là độc lập trân trọng giữ y nguyên văn, áp dụng triệt để, như thể là con thừa tự! Độc lập chỗ nào? Nhục cho cả nước. Dân chúng miền Nam bị tròng hai cái ách vào cổ: cái ách độc tài chính trị và cái ách độc tài tôn giáo. Ông Diệm muốn độc chiếm cả cái đầu lẫn con tim. Được người Mỹ nâng lên hàng lãnh tụ thế giới, ông tuyên bố thẳng thừng: muốn chống lại miền Bắc cộng sản, miền Nam phải trở thành Thiên chúa giáo, Nhà thờ là "thành trì chống lũ về tâm linh của dân tộc"[1]. Không phải riêng gì miền Nam, cả các nước Á châu khác nữa. Trước Đại hội Liên đoàn các nước Á châu chống Cộng họp tại Sài Gòn năm 1957, ông dõng dạc xuất khẩu cái chân lý ấy: "Chúng ta không được ngần ngại trong việc áp dụng khí giới của chân lý mà Thiên chúa giáo đã trao lại cho chúng ta. Biết áp dụng khí giới đó phải là mục tiêu của Liên Đoàn"[2].
          Tôi không muốn dài dòng về chuyện này vì ai cũng biết. Nói chừng đó là đã đau lòng lắm rồi. Đau lòng cho Phật giáo vì khơi lại một vết thương. Đau lòng cho cả các bạn Thiên chúa giáo vì tôn giáo cao quý của các bạn bị cả một gia đình và cả một lực lượng quá khích lạm dụng để cai trị và đàn áp. Thế chẳng phải là văn hóa? Thế chẳng phải là đạo lý? 
TĐMĐúng là ở Việt Nam, khác với các nước thuộc địa khác, không có một giai đoạn mà người nghiên cứu gọi là giai đoạn giải thực, decolonisation. Vừa độc lập đã chiến tranh. Vừa hết chiến tranh với Pháp đã tiếp nối chiến tranh với Mỹ. Không có một giai đoạn nào ngưng nghỉ để cả dân tộc suy nghĩ lại về cái được cái mất, xét về khía cạnh văn hóa, trong thời thuộc địa. Nhưng dù vậy đi nữa, Phật giáo đã hồi sinh năm 1930. Phật giáo đã hồi sinh trong một bối cảnh chính trị và văn hóa bất lợi. Cũng vậy, trong hoàn cảnh chính trị và văn hóa bất lợi của năm 1963, phong trào Phật giáo đã có thể nổi dậy, hồi sinh. Ngoài cái nhục mà anh đã nhấn mạnh như là động cơ, còn có những yếu tố văn hóa gì đến từ bên ngoài hỗ trợ cho động cơ đó? 
CHT: Cuộc nổi dậy 1963 bắt đầu ở Huế, sau khi xe bọc sắt của ông Diệm nổ súng vào quần chúng tụ tập trước đài phát thanh để nghe truyền lại buổi lễ Phật đản, giết chết 7 em bé. Máu đã chảy ra tại Huế, tất nhiên phong trào bắt đầu từ Huế. Nhưng nếu phong trào bùng lên được, chính là nhờ vị thế văn hóa của Huế, đặc biệt hơn ở đâu khác. Huế là đất của chùa. Đại đa số dân chúng là Phật tử. Một thành phố hiền lành. Một thành phố tiểu công chức, tiểu thương gia, vừa đủ tiền để cho con ăn học và lấy học thức làm thước đo đạo đức và thành công.. Nơi con đường chính của thành phố, ngắn chỉ vài trăm thước, có đến hai ba nhà sách, tấp nập khách học trò. Thành phố này là thành phố học trò, đẹp nhờ học trò, hoa bay bướm lượn thanh khiết tà áo học trò. Nếu muốn tìm một thành phố cổ truyền đẹp thuần túy Việt Nam hồi đó, Huế là tiêu biểu. Lạ một điều là quân đội Mỹ biết đặc diểm đó hơn ai cả. Trong suốt chiến tranh, họ biến Đà Nẵng thành ra một thành phố đầy lính và phụ nữ phục vụ lính, nhưng ở Huế, lính Mỹ đóng bản doanh ở ngoại ô, không được phép vào thành phố. Ngoài sách vở, báo chí và nhà trường, cả cái thành phố tiểu công chức ấy mua vui trí thức hàng ngày với cái đài BBC. Trong cuộc nổi dậy 1963, lính của ông Diệm có thể vây chùa Từ Đàm, nhưng vây hàng ngàn cái máy thu thanh thì vô kế khả thi.
          Biết Huế là thành phố văn hóa, và văn hóa Phật giáo, ông Diệm đánh một chưởng văn hóa bằng cách thành lập Đại Học Huế, đại học thứ hai sau Sài Gòn. Hành động này hợp lý và đáng khen, vì cả miền Trung không có đại học, con em nhà nghèo không có đường tiến thân. Nhưng thâm ý của tổng giám mục Ngô Đình Thục không phải thế: đại học Huế phải là nơi truyền đạt triết lý tôn giáo của chế độ, khác với đại học Sài Gòn lúc đó hãy còn giữ phần nào ảnh hưởng văn hóa phóng khoáng của Pháp. Chưa đủ thời gian để thực hiện chính sách, ông Diệm đã lấy gậy ông đập lưng ông: Đại học Huế cung cấp một lượng giáo sư và sinh viên đủ tâm huyết để lao vào phong trào 1963. Trong thành phố học trò ấy, tiếng nói của các ông giáo có một sức động viên đặc biệt và máu nóng của sinh viên truyền hăng hái vào mọi gia đình.
          Phong trào tranh đấu nào cũng có biểu tượng. Thật lạ kỳ: xe bọc sắt của ông Diệm bắn bừa vào quần chúng, vậy mà 7 xác chết là 7 em bé, 7 em học trò. Biểu tượng của phong trào là 7 em bé trắng trong. Trắng trong như biểu ngữ trương ra sau đó: tuyệt nhiên chỉ đòi hỏi bình đẳng tôn giáo.  Trong thành phố mà linh hồn là học trò, cái chết của 7 em bé học trò gây một ấn tượng mạnh trong tuổi trẻ: sinh viên đứng dậy với quần chúng Phật tử vì bạo quyền bắn vào lý tưởng của họ, bắn vào chính cái trong trắng của tuổi trẻ. Ấn tượng càng mạnh hơn khi bác sĩ Wulff, giáo sư đại học Đức qua dạy tại Huế, bồng trong tay xác các em bé máu me nhầy nhụa.  
TĐMNhưng quan trọng hơn nữa là 7 cái áo lam của 7 em bé… 
CHT: Đúng vậy. Máu chảy thấm ướt áo lam. Một biểu tượng văn hóa không gì mạnh hơn. Bởi vì, tôi lại nói như một điệp khúc, bắn vào áo lam là bắn vào văn hóa, không phải riêng gì của Phật giáo, mà của truyền thống, của dân tộc. Các nhà lãnh đạo phong trào nhìn vấn đề như vậy. Và chính cái nhìn đó tạo nên sức mạnh tinh thần ghê gớm, bất chấp mọi đàn áp, mọi hy sinh. Sài Gòn đã từng là trung tâm phản đối chính trị: nào là của nhóm các nhân sĩ Caravelle, nào là đảo chánh 1960, nào là ném bom trên Dinh Độc Lập năm 1962… Nhưng đối kháng chính trị chẳng ăn nhằm gì đâu so với đối kháng văn hóa. Đối kháng văn hóa mới là đối kháng từ cốt tủy. Lịch sử đã chọn đúng Huế để nổ ra đối kháng đó. Và lịch sử cũng đã chọn đúng người để lãnh đạo đối kháng. 
TĐMHòa thượng Trí Quang? 
CHT: Vâng, lúc đó hãy còn là thượng tọa. Dưới đây, tôi gọi bằng "thầy" cho tiện. Ai ở trong giai đoạn lịch sử đó, dù ở trong phe bạn hay phe nghịch, dù là chính trị gia hay tướng tá quân nhân, dù là Việt, dù là Mỹ, đều nói: đây là một nhà lãnh đạo xuất chúng. Một sức thu hút không ai bì được. Một charisma, đúng nghĩa của Weber. Nhưng trước hết là một lòng tin sắt đá. Tin rằng Phật giáo và văn hóa Việt Nam là một. Tin rằng Phật giáo phải luôn luôn tự mình xứng đáng để vẫn là một với Việt Nam. Muốn hiểu phong trào Phật giáo lúc đó phải hiểu con người này. Phải đọc những gì ông viết, hoặc đã in ra, hoặc chưa in. 
TĐMChưa in thì làm thế nào mà đọc? 
CHT: Nguyễn Du than thở: "bất tri tam bách dư niên hậu". Nhưng chưa đầy ba trăm năm sau thiên hạ đã khóc Tố Như rồi. Lịch sử là một tấm gương, cái gì rốt cuộc rồi cũng phản chiếu vào đó. Tôi đọc một đoạn nhỏ trong tấm gương đó nhé, chưa in hay in rồi không quan trọng:
          "Phật giáo không thích ứng với chính trị mà thích ứng với văn hóa. Phật giáo tồn tại bởi dân tộc, không như tôn giáo khác tồn tại vì chính quyền. Hồi nhỏ, một hôm tôi xuống đò ngồi với một số người. Trong khi chờ qua sông, họ đua nhau kể ra những hoạt động đêm qua của kháng chiến. Đang kể bỗng im bặt. Họ thấy một giáo sĩ cũng sắp xuống đò qua sông. Họ không e ngại một tăng sĩ mà e ngại một giáo sĩ. Chuyện này củng cố cho tôi sự nhận định về vị trí của Phật giáo. Phật giáo dại gì đánh mất niềm tin cậy của dân gian?" 
TĐMTuy vậy, tuy không ham chính trị, nhưng có lẽ vì con người của hòa thượng Trí Quang quá sắc bén nên các ký giả Mỹ và cả nhà cầm quyền Mỹ vẫn cứ thắc mắc về hai câu hỏi có liên hệ với nhau: một, là hòa thượng có phải muốn Phật giáo trở lại vị thế quốc giáo không, và hai, có thể có chiến tranh giữa Phật giáo và Thiên chúa giáo không? Báo Mỹ lúc đó viết về hòa thượng như là "Makarios của Đông Nam Á". Makarios là tổng giám mục và tổng thống đầu tiên của Cộng Hòa Chypre năm 1960. 
CHT: Sự thực không có gì đơn giản hơn. Các ký giả Mỹ cũng đã hỏi thầy: "Bản thân thượng tọa ưa muốn gì?" Câu trả lời là: "Là dịch sách Phật giáo. Việc làm như bây giờ chỉ là bất đắc dĩ, rất bất đắc dĩ". Muốn kiểm chứng xem câu nói đó có trung thực không, chỉ cần nhìn thầy sống như thế nào từ 1975 đến nay: đóng cửa, không tiếp khách nào, không màng thế sự, không hơn thua, không thị phi, suốt ngày chỉ dịch kinh, bình chú. Bởi vậy, đừng xem câu trả lời sau đây của thầy về chuyện "quốc giáo" là nói kiểu ngoại giao: "Vị thế quốc giáo xưa của Phật giáo quả thực tráng lệ mà siêu thoát. Dầu là quốc giáo, Phật giáo đã không độc tôn, không kỳ thị, bao giờ cũng là đóa sen không nhuốm bẩn. Truyền thống đó, Phật giáo phải bảo trọng. Chính vì bảo trọng truyền thống đó mà, thời nay, Phật giáo phải bảo thủ vị thế tôn giáo thuần túy của mình".
          Còn câu trả lời về "chiến tranh", có chiến tranh tôn giáo không? Này đây, gọn lỏn: "Không. Tương tranh còn không thể có, nói chi đến chiến tranh". Triết lý Phật giáo nhấn mạnh trên "nghiệp". Nghiệp, tức là hành động. Hành động có thiện, có ác. Chống, là chống cái ác của hành động, không chống con người, không thù hận với con người. Với tôn giáo cũng vậy, không có chuyện tôn giáo này chống tôn giáo kia, chiến tranh tôn giáo là chuyện man rợ, chuyện của địa ngục. Ai đọc thầy Trí Quang lúc đó sẽ để ý thầy nhắc lui nhắc tới hoài với quần chúng Phật tử một chữ, chữ "khác": Phật giáo phải "khác" với các tôn giáo ở phương Tây về chuyện quyền hành, về chuyện thánh chiến. Dưới sự lãnh đạo của thầy, phong trào Phật giáo không đi ra khỏi mục tiêu văn hóa - văn hóa theo nghĩa rộng. Phong trào chống chiến tranh từ 1966 cũng vậy, cũng chỉ nhắm mục tiêu ấy thôi. 
TĐMTrong giai đoạn 1964-66, báo chí Mỹ đặt rất nhiều câu hỏi về hòa thượng Trí Quang, không hiểu tại sao nhà lãnh đạo này chống hết chính quyền này đến chính quyền khác. Năm 1966, ông mở phong trào đòi bầu cử Quốc hội lập hiến. Nhà cầm quyền Mỹ, cũng như tòa đại sứ Mỹ, nghĩ rằng ông đòi bầu cử Quốc hội là để chiếm đa số, để hất Thiệu-Kỳ, để khuynh loát chính trường miền Nam. Họ nói: ông không phải là vua, nhưng ông muốn là người tạo ra vua. Đúng chăng? 
CHT: Lầm to! Trong quá khứ, lúc đó, bây giờ, và mãi mãi, Phật giáo không dính vào chính trị. Đạo Phật "nhập thế" là nhập thế vào xã hội, nhắm vào con người mà cho vui, cứu khổ, nhưng đạo Phật "siêu thoát" thế gian, nhất là siêu thoát khỏi chính trị. Các quốc sư ngày xưa đã để lại tấm gương trong sáng vằng vặc. Các vị ấy ở trong núi. Không ở trong kinh thành. Tại sao thầy Trí Quang đòi bầu cử Quốc hội? Tại vì có Quốc hội thì mới có cái thế hợp pháp để đòi người Mỹ chấm dứt chính sách chiến tranh. Người Mỹ lúc đó quyết liệt chủ trương một đường lối duy nhất là chiến tranh đến cùng, "hòa bình là chiến tranh tàn lụi", họ nói vậy. Được cái thế đó, Thiệu-Kỳ trương lên cái bảng hiệu "nội các chiến tranh", tiền hô hậu ủng với người Mỹ, hai dạ một lòng. Dễ gi nói lên tiếng nói hòa bình trong tình thế đó! Làm sao nói? Chỉ có cách là làm cho dư luận ở tận bên Mỹ thấy rằng đó là tiếng nói, đó là nguyện vọng của dân phát biểu qua cơ quan dân cử. Kết hợp nguyện vọng hòa bình với ác cảm của quần chúng đối với các chế độ tướng tá, đòi hỏi Quốc hội lập hiến được dân chúng nhiệt liệt hưởng ứng, từ khắp các tỉnh đến tận thủ đô Sài Gòn. Một lần nữa, tiếng nói của Phật giáo đồng hóa với tiếng nói của quần chúng. Mà tại sao Phật giáo đòi hỏi hòa bình? Chính trị gì chăng? Không! Văn hóa! Đòi hòa bình vì chiến tranh đe dọa sự tồn vong của dân tộc, nuôi dưỡng sự tha hóa của con người. Đòi hòa bình vì Phật giáo luôn luôn hoài bão rằng mình là lương tâm của dân tộc. Đó là động cơ văn hóa, đạo đức của phong trào 1966. Phật giáo chủ trương: chỉ có văn hóa hòa bình. Không thể có "văn hóa chiến tranh". Không có "văn hóa chém giết", "văn hóa đạn bom". 
TĐMDù là đạn bom đến từ phía nào? 
CHT: Câu hỏi này, không thể trả lời ngắn gọn được, xin hẹn một dịp khác. Nhưng dù trả lời thế nào đi nữa, mục đích của phong trào Phật giáo vẫn không ở ngoài hai phương châm - hai phương châm này tóm tắt toàn bộ phong trào Phật giáo từ 1963: bảo vệ "văn hóa dân tộc", bảo vệ "văn hóa hòa bình". Đơn giản chỉ thế. Tôi trích thêm một câu tâm tư của thầy Trí Quang để tóm tắt cả lịch sử của giai đoạn biến động ấy và cũng để soi sáng con người đặc biệt của thầy: "Tổng chi, tôi có tham vọng không? Có, mà có đến nỗi có người đã nói hơi chướng nữa. Tham vọng của tôi không mơ mộng Phật giáo trở lại vị thế quốc giáo như thời xa xưa, càng không muốn Phật giáo thành một Thiên chúa giáo thứ hai! Tôi chỉ mong ước, trong cơn nghiêng ngữa của đất nước, ai nhìn vào Phật giáo cũng nghĩ rằng đất nước này còn có cái ấy". 
TĐMThầy có được vừa ý không? 
CHT: Không. Thầy nói: Chuyện của thầy là "Cao cao sơn thượng hành thuyền / Thâm thâm hải đề mã tẩu". Chuyện "ngựa phi dưới nước, thuyền chèo trên non". 
TĐMHôm nay là ngày 30-4. Anh có ý nghĩ gì để nói thêm? Ít nhất là về hòa bình, phương châm thứ hai của Phật giáo? 
CHT: Tôi vừa đọc báo Đại Đoàn Kết viết bài để kỷ niệm ngày 30-4 năm nay, 2011. Thú thật, tôi cảm động. Bài báo trích một câu của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt: "Chiến thắng của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều mất mát. Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng như vậy. Vì vậy, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu". Ông nói thêm: "Theo tôi, đã đến lúc ta phải nhìn nhận công lao, sự đóng góp to lớn của các tầng lớp người Việt yêu nước từng sống trong lòng chế độ cũ, hiện ở trong nước hay ở bên ngoài. Bản thân tôi cùng với anh em được giao tiếp quản Sài Gòn năm 1975, một Sài Gòn nguyên vẹn sau một cuộc chiến tranh như vậy, tôi nghĩ không thể không nói đến vai trò của các lực lượng chính trị đối lập với Mỹ-Thiệu, có quan hệ với chính phủ Dương Văn Minh lúc bấy giờ".
          Cố thủ tướng gọi chính phủ Dương Văn Minh là "chính phủ". Và ông vinh danh một "Sài Gòn nguyên vẹn". Giá như thủ tướng còn sống để đọc một câu hồi ký của hòa thượng Trí Quang mà tôi trích nguyên văn ở đây nhân ngày 30-4: "Cuối cùng, vào một buổi chiều, ông Minh gặp tôi. Ông đưa ra hai mảnh giấy của người ta báo cáo mật cho ông. Một, cho biết ngân hàng bị rút tiền gần sạch. Một, vẽ một họa đồ quân sự tuyệt vọng - mảnh giấy ghi chú bằng chữ Mỹ. Ông nói, nếu vì tiền thì tiền hết rồi, nếu vì chức thì chức quốc trưởng ông đã làm, nếu vì cứu vãn quân sự thì đã vô vọng. Nhưng, ông nói, ông phải cứu dân khỏi chết vô ích. Tôi nói, đại tướng nói y như ý hòa thượng viện trưởng Trí Thủ mới nói sáng nay. Tôi thuật lại câu nói ấy, và rằng tôi xin làm chứng cho đại nguyện "thay người chịu khổ" của bản thân và bằng hữu của đại tướng".
          Hòa thượng Trí Thủ nói gì sáng ấy? Giữa buổi họp đông đảo của Viện Hóa Đạo, hòa thượng nói: "Tôm cá còn mua mà phóng sinh, huống hồ người chết mà không cứu?"
          Người Pháp có câu nói: "Các đầu óc lớn thường gặp nhau" ("Les grands esprits se rencontrent"). Tất nhiên họ muốn nói: gặp nhau trên tư tưởng. Tuy vậy, hai đầu óc lớn trên đây, hai con người cùng đặt Dân Tộc lên trên hết ấy, hai nhân vật lịch sử ấy dám gặp nhau không phải chỉ trên tư tưởng. Nhưng một người đã chết quá bất ngờ, một cánh cửa chưa kịp gõ, và con tàu lịch sử đã rời nhà ga thiếu một hành khách. Lịch sử vốn vậy, không vô tình nhưng lắm khi trớ trêu, khiến bao nhiêu cuộc hẹn bỗng thành lỗi hẹn !

Chú thích
[1] Extrême-Asie, 26-8-1961.
[2] Révolution Africaine, n° 20, 15-6-1963.


© Thời Đại Mới

Tổng Bí thư "yêu Kiều" và sự sòng phẳng với lịch sử



Vị Tổng Bí thư "yêu Kiều" và lời hứa của các lãnh đạo chủ chốt
Tuần qua, sự kiện quan trọng số một trong đời sống chính trị Việt Nam, không còn bàn cãi gì nữa, là kỳ họp Quốc hội lần thứ nhất của khoá 13, với việc bầu các chức danh chủ chốt điều hành đất nước trong 5 năm tới.

Người được bầu đầu tiên là ông Nguyễn Sinh Hùng, với chức danh Chủ tịch Quốc hội. Sau khi nhận bó hoa từ tay Tân Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Phú Trọng đã nán lại trên diễn đàn ít phút để chia sẻ cảm giác của mình 4 năm về trước, vào một hoàn cảnh tương tự. Ông nhắc lại chuyện ông đã lẩy hai câu Kiều lúc đó: "Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn / Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay".
Rõ ràng, ông Trọng hiểu cái trách nhiệm lớn lao, trước đất nước, dân tộc mà ông phải đón nhận khi được bầu. Và ông đã cùng các cộng sự ở quốc hội nỗ lực ở mức cao nhất có thể được.
Tuy không phải trách nhiệm nào quốc hội cũng hoàn thành tốt, như mong đợi của cử tri, nhưng, công bằng mà nói, quốc hội khoá 12, dưới sự lãnh đạo của ông, đã làm được một số việc quan trọng. Có thể đơn cử ra hai ví dụ tiêu biểu.
Đó là việc không thông qua đề án đường sắt cao tốc, hào tiền tốn của mà ít hiệu quả.
Đó là việc trong kỳ họp cuối cùng quốc hội đã kiên quyết chất vấn các thành viên chính phủ liên quan về vụ Vinashin, để từ đó chính phủ có những biện pháp quyết liệt để xử lý vụ này, trước khi đã quá muộn.
Chính vì vậy, không phải vô cớ mà Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thốt lên rằng "quốc hội rất thương chính phủ".
Kết thúc dòng tâm sự, ông Trọng, người đang đảm đương vị trí tổng bí thư, lại mượn Kiều để giao "trọng trách" cho người kế nhiệm: "Chén vui nhớ bữa hôm nay/ Chén mừng xin đợi ngày này.. năm năm sau".
Hoàn toàn không phải "phận mỏng cánh chuồn" theo nghĩa kinh nghiệm điều hành, vị Tân Chủ tịch Quốc hội đã có quá nhiều kinh nghiệm với chính phủ, từ vị trí bộ trưởng tài chính đến phó thủ tướng thường trực. Có thể nói, ông thuộc mọi "ngóc ngách" trong việc điều hành kinh tế - tài chính của chính phủ.
Chắc chắn, đó là lợi thế để ông và các đồng sự "thừa kế thành quả và kinh nghiệm các khoá trước, nhất là khoá 12, tiếp tục đổi mới, nâng cao trách nhiệm trước nhân dân, để thực hiện quyền hạn và trách nhiệm mà Hiến pháp qui định, xứng đáng là cơ quan quyền lực cao nhất", như ông đã hứa khi nhậm chức.
Không hẹn mà gặp! Những hình dung của vị Tổng Bí thư "Yêu Kiều" lại dường như trùng với những cam kết "có gang có thép" của Tân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Trong bài phát biểu nhậm chức của mình, ông Sang đã nhấn mạnh tới những mục tiêu quan trọng được ưu tiên trong nhiệm kỳ chủ tịch nước của ông là củng cố an ninh quốc phòng để bảo vệ chủ quyền quốc gia, chống tham nhũng và đoàn kết dân tộc.
Về vấn đề chủ quyền biển đảo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, người ở vị trí Thường trực Ban Bí thư vẫn chưa lên tiếng liên quan đến Biển Đông, đã khẳng định rằng ông sẽ có trao đổi về vấn đề này và thể hiện thái độ của mình. Ông còn hé lộ quyết tâm thúc đẩy quốc hội nhanh chóng hoàn chỉnh và thông qua luật biển.
"Đương nhiên, trên cơ sở Công ước (của LHQ về Luật Biển), chúng ta phải luật hóa bằng luật quốc nội, để xác lập quyền chiếm hữu biển đảo về mặt pháp lý cũng như về thực địa", ông Sang nói.
Về quyết tâm chống tham nhũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, người đồng thời cũng phụ trách mảng tư pháp, kêu gọi các đại biểu quốc hội (trong đó có cả các thành viên chính phủ) không chủ quan trước lời hứa chống tham nhũng, lãng phí của mình,và kêu gọi nhân dân tích cực kiểm tra, giám sát, kể cả cá nhân ông. "... để góp phần thúc đẩy việc phòng chống tham nhũng của khóa này có kết quả. Ít ra là tốt hơn khóa vừa rồi", ông nói.
Vị Tân Chủ tịch nước cũng kêu gọi xoá bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những quan điểm khác nhau không trái với lợi ích dân tộc. Điểm tương đồng về lợi ích, theo Chủ tịch nước, là mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu nước mạnh, dân chủ, và công bằng.
"Đề cao tinh thần dân tộc, yêu nước, nhân nghĩa khoan dung, để tập hợp, đoàn kết các giai cấp, tầng lớp xã hội, đồng bào các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài", ông nhấn mạnh.
Trong khi Tân Chủ tịch Quốc hội và Tân Chủ tịch nước lên tiếng cám ơn những kinh nghiệm quí báu họ thừa hưởng từ những người tiền nhiệm, Tân Thủ tướng của nhiệm kỳ mới đã không cần phải làm vậy - ông tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai của mình.
Mặc dù vậy, không thể nói những kinh nghiệm điều hành ở nhiệm kỳ đầu không phải là những bài học quí giá đối với vị lãnh đạo được coi là "quyết liệt" này. Nhất là việc ông phải chèo lái một nền kinh tế trong bối cảnh bất lợi hơn nhiều, so với 5 năm trước
Kinh tế vĩ mô đang cực kỳ bất ổn với những thách thức lớn như lạm phát và chi tiêu công ở mức độ rất cao, hiệu suất đầu tư của toàn nền kinh tế thấp, cũng như việc giải quyết những vấn đề cơ cấu và lợi ích nhóm trong quan hệ công bằng xã hội.
Tuy nhiên, không phải nhiệm kỳ mới của ông không hé ra những thuận lợi, chí ít là khi nguy cơ và cơ hội trở nên rõ ràng hơn. Quan trọng hơn, ông nhìn nhận rõ hơn những gì là "kỳ vọng ảo".
Và, quan trọng nhất, ông bắt đầu nhiệm kỳ này trùng với những bước đi đầu tiên của một chiến lược 10 năm mới, với một tư duy tăng trưởng mới là "bền vững", dựa vào giá trị gia tăng cao và nguồn nhân lực được đào tạo. Chứ không phải đi nốt chặng cuối cùng của một chặng đường 20 năm dựa trên sự tận khai tài nguyên và nguồn nhân công giá rẻ, như trong nhiệm kỳ trước.
Tuy nhiên, người ta vẫn phải chờ đợi để nghe những định hướng điều hành nền kinh tế trong 5 năm tới của ông. Bởi, như ông giải thích, ông muốn dành cơ hội phát biểu nhân việc tái đắc cử vào tuần sau, khi quốc hội đã phê chuẩn danh sách các thành viên chính phủ cho ông đề cử.
"Trả lại tên cho anh"
Ngày kỷ niệm thương binh liệt sĩ (27.7) năm nay, có hai sự kiện đặc biệt, nhưng vô tình có liên quan đến nhau.
Thứ nhất, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị các Tư lệnh Hải quân ASEAN lần thứ 5, trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông có những dấu hiệu leo thang, chủ yếu xuất phát từ quốc gia có liên quan đến Biển Đông bên ngoài ASEAN.
Nhiều ý tưởng, sáng kiến đã được đưa ra, để thúc đẩy hợp tác thực chất giữa hải quân ASEAN, như mở rộng hợp tác với các nước ngoài khu vực, phối hợp triển khai chung, tuần tra chung, chia sẻ thông tin, kể cả thông tin tình báo, thiết lập đường dây nóng...
Thứ hai, sau 23 năm, kể từ trận hải chiến đẫm máu giữa hải quân Việt Nam và Trung Quốc, khi hải quân Trung Quốc đánh chiếm một số đảo quần đảo Trường Sa của Việt Nam, những chiến sĩ tham gia, đặc biệt là các liệt sĩ và thương binh, đã chính thức được vinh danh trên truyền thông đại chúng của Việt Nam
Các bài báo, hay loạt bài báo, đã kể lại những câu chuyện cụ thể về việc họ đã chiến đấu kiên cường, đã anh dũng ngã xuống như thế nào, hay gan dạ chịu đựng cảnh tù đày thế nào. Người viết thiết nghĩ không cần phải nhắc lại.
Điều người viết muốn nhấn mạnh ở đây là sự xuất hiện đúng lúc của những bài báo này. Không chỉ thuần tuý là sự vinh danh cần thiết, tuy khá muộn màng, cho những người con đã không tiếc sinh mạng mình, quyết bảo vệ chủ quyền Tổ Quốc. Tấm gương của họ, hơn nữa, đã gợi lại truyền thống anh dũng của những người Việt Nam vốn yêu chuộng hoà bình, nhưng dứt khoát không chịu khuất phục những kẻ có dã tâm cướp đất, cướp nước của họ.
Tuy nhiên, bên trong sự vinh danh khá ồn ã này, cũng như những hành động đền ơn đáp nghĩa được ca ngợi trên truyền hình, đâu đó dường như vẫn có những tiếng thở dài xen lẫn vào.
Đó là câu hỏi của một người lính hải quân tên Hải ở Quảng Bình, người đã bị thương ở Trường Sa năm 1988, bị bắt và chỉ được trao trả sau khi Trung Quốc và Việt Nam đã bình thường hoá quan hệ, rằng liệu anh và các đồng đội bị thương có được hưởng các chính sách với thương binh, như nhà nước qui định hay không. Việc họ chỉ nhờ phóng viên hỏi hộ, sau hai thập kỷ im lặng, cũng đồng nghĩa với việc cuộc sống của những con người giàu lòng yêu nước và lòng tự trọng này khốn khó đến mức nào.
Đó là câu hỏi của anh hùng chống Mỹ và Khmer Đỏ Phan Văn Xệ, người mà trên cơ thể không có chỗ nào không bị thương, rằng liệu từ giờ đến khi chết mảnh đất mà anh được quân đội cấp có được chính quyền cấp sổ đỏ hay không. Điều đáng buồn hơn là câu hỏi này lại được đặt ra với một đoàn làm phim của Nhật Bản, chứ không phải phóng viên Việt Nam như trường hợp đầu tiên.
"Bản công hàm năm 1958" và sự sòng phẳng với lịch sử
Trong mục "Phát ngôn & Hành động" tuần trước, đồng nghiệp Kỳ Duyên đã bình luận về bài viết "Công hàm 1958 với chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam", do nhóm đồng nghiệp từ báo Đai Đoàn Kết thực hiện.
Chắc hẳn không phải là người theo dõi kỹ câu chuyện Biển Đông, nhưng, rõ ràng, đồng nghiệp Kỳ Duyên đã khá tinh khi phát hiện rằng, khi nào Trung Quốc to mồm nhất, thì đó là chỗ họ đuối lý nhất. Nói theo kiểu nhà văn Nguyễn Quang Lập, một người cũng ái mộ nữ ký giả Kỳ Duyên, là "chuẩn không cần chỉnh".
Nhưng đọc đi đọc lại bài viết này, người viết vẫn thấy có hai điểm cần bàn thêm.
Thứ nhất, đọc kỹ những cơ sở lập luận, cả về khía cạnh lịch sử, pháp lý lẫn lý luận, thì dường như có sự đóng góp khá quan trọng về tư liệu từ "kho lưu trữ" của Bộ Ngoại giao, thông qua các nhà nghiên cứu thuộc biên chế bộ này.
Thứ hai, cũng với suy luận đó, tại sao cho đến thời điểm 20.7.2011, bài báo mới xuất hiện, thay vì sau khi báo chí Trung Quốc đưa tin về việc Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn hội đàm tháng trước với người đồng cấp phía Trung Quốc,,?
Những người theo dõi kỹ câu chuyện hội nghị ngoại trưởng ASEAN, và các sự kiện đi cùng như hội nghị với các đối tác và diễn đàn an ninh khu vực, có thể lý giải rằng phía Việt Nam đã có sự lo ngại rằng nếu không im lặng, biết đâu Trung Quốc lại không ký vào văn bản hướng dẫn việc triển khai DOC, sau 9 năm trì trệ?
Sự thận trọng có lẽ không thừa. Bởi anh hàng xóm xấu chơi có thể lấy cớ nọ, cớ kia để "thoái thác trách nhiệm".
Tuy nhiên, những người khác có thể đặt vấn đề: Nếu cứ ngại mãi như thế, họ sẽ tiếp tục "bắp thóp" mà ép điều nọ điều kia. Để rồi đến lúc những người ủng hộ lý lẽ của mình cũng đâm ra bán tín bán nghi về "lập trường" và "cơ sở pháp lý" của mình. Trong cuộc chiến thông tin để họ "thả gà" ra rồi mình "bắt lại" mệt lắm.
Mà Trung Quốc thì thạo cái nghề này lắm. Câu chuyện "Tăng Sâm giết người" trong Cổ học Tinh hoa là một ví dụ tiêu biểu. Đến Gơ Ben cũng phải gọi bằng "cụ tổ".
Còn nhớ, trong hội nghị tuyên truyền về biển bảo đầu năm 2009, tại Đồ Sơn, nhà báo lão thành Phạm Khắc Lãm đã kể rằng hồi ông còn là sinh viên học ở Trung Quốc vào cuối những năm '50, một người bạn Trung Quốc đã nói với ông: "ĐIện Biên Phủ là chiến thắng của cố vấn Trung Quốc."
Khi ông Lãm hỏi tại sao lại nói vậy, người bạn này giải thích rằng anh ta được học như vậy ở phổ thông. Lý Thông đến thế là cùng!
Nhà ngoại giao kỳ cựu Dương Danh Dy thì cho biết rằng báo chí Trung Quốc, nhất là các mạng, thường tuyên truyền rằng người Việt Nam "ăn cháo đá bát", "Trung Quốc giúp đỡ như vậy trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ mà vô ơn", thậm chí còn "xâm chiếm lãnh thổ, lãnh hải của Trung Quốc nữa".
Đúng như đồng nghiệp Kỳ Duyên nhận định tuần trước, đã đến lúc phải nhanh chóng minh bạch lịch sử.
Nhà sử học kiêm đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc cách đây 8 năm đã từng nói với một ký giả Nhật Bản: "Lịch sử phải sòng phẳng. Đúng là Trung Quốc đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều, từ vũ khí đến nhu yếu phẩm. Thế nhưng, cũng nhờ có Việt Nam đánh Mỹ mà Mao Trạch Đông bắt tay được với Nixon, từ đó phá được thế bao vây cấm vận, và nhờ đó Trung Quốc mới hùng mạnh như ngày nay."
Hơn nữa, xét cho cùng, DOC cũng chỉ là những nguyên tắc xây dựng lòng tin trong ứng xử của các bên trên Biển Đông thôi, và văn bản hướng dẫn vẫn còn mập mờ lắm. Liệu có nên quá thận trọng mà đánh đổi một lòng tin "trên trời" với một anh hàng xóm "khả nghi" với lòng tin với nhau giữa các thành viên trong gia đình, tức là dân tộc này?
Hoàn toàn không nên, theo thiển nghĩ người viết. Thiếu gì cách "vẹn cả đôi đường".
Thế mới là "quán triệt đường lối ngoại giao Hồ Chí Minh" !

Theo Tuần VietNamNet

Kho ảnh xưa

Xin cảm ơn anh ManhHai đã có công sưu tập và post ảnh lên Internet
Một trang web khác cũng rất thú vị, có thể xem ở đây

PHÁC HỌA


Có một chiều hàng cây trút lá
Cô gái một mình ngồi ngắm hoàng hôn
Mái tóc dài mềm như hơi thở
Tôi ngồi một mình lặng im…
Tôi phác họa hình em
Bằng chiếc bút min trên trang vở học trò
Bức phác họa thế rồi đành dang dở
Khi một chiều dạo bước ngang qua
Bất chợt nghe tiếng em cười trong trẻo
Chiếc ghế em ngồi có những tám chân
Từ đó tôi về giấu kín bức tranh
Giấu nỗi lòng vào xa xôi mây khói.

Thủ Đức 1990-Nguyễn Đức Long

Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2011

Một đế chế Trung Quốc mới: Thách thức đối với liên minh Mỹ-Nhật

Sự hung hãn trong tranh chấp lãnh thổ, coi thường hệ thống luật lệ quốc tế hiện hành, mở rộng và xây dựng căn cứ quân sự ra bên ngoài, sục sạo tìm kiếm tài nguyên khắp nơi…là những gì mà Masako Ikegami, giáo sư Khoa học chính trị Đại học Stockholm miêu tả Trung Quốc. Tác giả cho rằng, dấu hiệu này tương đồng với những gì mà Nhật Bản đã làm để châm ngòi cho Thế chiến thứ 2. Bài viết đăng trên Bản tin số 122 của East – West Center với nhan đề “New Imperial China : A Challenge for the US-Japan Alliance”.

Sự trỗi dậy của Trung quốc đặt ra nhiều câu hỏi . Trong đó câu hỏi quan trọng nhất là liệu một nước trung quốc hùng mạnh sẽ trở thành một thành viện có trách nhiệm trong cộng đồng quốc, tế tuân thủ các luật lệ và tiêu chuẩn hành vi đã được công nhận trong hệ thống toàn cầu hiện hành? Nói cách khác liệu Trung quốc sẽ thách thức các tiêu chuẩn toàn cầu và sẽ cố áp đặt luật lệ và tiêu chuẩn hành vi của mình, và do đó thách thức trật tự thế giới do Mỹ lập ra? Trung quốc hiện tích cực làm giảm sự cảnh giác của thế giới đối với sự trỗi dậy của mình bằng cách đưa ra những lời lẽ hào nhoáng về “Trỗi dậy hòa bình” và "phát triển hoà bình” với điểm nhấn là Trung quốc đã học đựợc bài học lịch sử từ việc nước Đức quốc xã và Nhật trực tiếp thách thức bá quyền Anh - Mỹ. điều châm ngòi cho thế chiến thứ Hai và đưa đến kết cục thảm bại cho cả hai nước này Vì thế trung quốc sẽ tích cực gây ảnh hưởng trên toàn cầu nhưng không đối đầu với Mỹ. Tuy nhiên. kể từ năm 2003, sau khi củng cố quyền lực, Hồ Cẩm Đào đã triển khai thành công một chính sách đối ngoại chủ động nhằm đảm bảo chỗ đứng của Trung quốc trên thế giới tại những nước có tài nguyên và vị trí địa chiến lược quan trọng, từ châu Phi đến Trung Á tới Nam Mỹ. Ý đồ của Trung quốc là xây dựng một liên minh quốc tê thách thức bá quyền Mỹ.

Trung quốc cũng đang theo đuổi một chiến lược rất tinh vi đối với các nước láng giềng có tầm quan trọng về địa chiến lược như Bắc Triều tiên và Myanmar, là những nước giàu có về tài nguyên. Nếu chính sách của Nhật đối với Mãn châu lý trong thập kỷ 30 của thế kỷ trước được coi là (1) sự đầu tư quan trọng vào cơ sở hạ tầng kinh tế để khai thác tài.nguyên, (2) sự can thiệp quân sự để bảo vệ lợi ích kinh tế, và (3) sự thôn tính về văn hóa và chính trị thông qua việc thiết lập các chính quyền bù nhìn, thì chiến lược hiện nay của Trung quốc đối với các nước kể trên cũng có thể được giải thích tương tự, tạm gọi là mô hình "Mãn châu quốc mô phỏng" (Quasi-Manchukuo). Chiến lược hiện nay của Trung quốc có nhiều điểm giống với chính sách của Nhật đối với Mãn châu lý vì nó thể hiện sự bành trướng từ từ và kín đáo ra khu tiền tiêu chiến lược được ngụy trang dưới hình thức đầu tư hoặc hợp tác kinh tế trên lĩnh vực cơ sở hạ tầng công nghiệp. Điều này cho thấy Trung quốc có thể trở thành một nước thực dân mới, bất kể khẩu hiệu “trỗi dậy hòa bình” và “phát triển hòa bình."

Lợi dụng Bắc Triều tiên bị cô lập, Trung quốc đẩy tới việc nắm gọn nước này. Trung quốc là nước cấp lương thực chính của Bắc Triều tiên, ngoài ra cung cấp tới gần 90% nhập khẩu năng lượng và 80% nhập khẩu hàng tiêu dùng của nước này. Quan hệ thương mại hai chiều Trung - Triều tiếp tục tăng lên, kể cả việc Trung quốc chuyên cho Triều tiên hàng hóa thuộc loại xa xỉ phẩm mà nghị quyết 1874 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã cấm sau khi Bắc Triều tiên thử hạt nhân năm 2009. Tổng hợp lại, Trung quốc chiếm tới hơn 70% thương mại của Triều tiên, 90% đần tư nước ngoài vào Triều tiên, tập trung vào các ngành khai khoáng tài nguyên khoáng sản như than, sắt, vàng, đồng, thiếc, và chì. Trung quốc đã giành được đặc quyền phát triển mỏ quặng sắt Musan, (mỏ lộ thiên lớn nhất ở châu Á do công ty Mitsubishi bắt đầu khai thác từ thập kỷ 30 thế kỷ trước) và hải cảng Rajing (nằm trên vị trí chiến lược nối với Biển Nhật bản cũng do Nhật khai thác cùng lúc với việc tiến vào Mãn châu lý).Thông qua đầu tu hạ tầng có định hướng, Trung quốc giờ đã kết nối và biến nguồn tài nguyên thiên nhiên cửa Triều tiên thành một bộ phận của khu công nghiệp Đông Bắc Trung quốc. Khu vực này cũng chính là khu vực mà Nhật đã đầu tư mạnh về hạ tầng công nghiệp, công nghiệp nặng và sản xuất đạn dược trong thập kỷ 30 thế kỷ trước .

Sau khi chiến thắng Nga trong cuộc chiến tranh năm 1904 - 1905 và sau khi mua hệ thống đường sắt Nam Mãn châu lý thuộc vùng Đông bắc Trung quốc, năm 1906 Nhật triển khai đơn vị đồn trú Kwantung để bảo vệ hệ thống đường sắt và lợi ích kinh tế ở khu vực này. Năm 1919, đơn vị này phát triển thành Quân đoàn Kwantung là lực lượng sau này gây sự biến Mãn châu lý năm 1931 trong đó lực lượng Nhật bày ra một vụ nổ trên tuyến đường sắt rồi đổ cho Trung quốc và từ đó có cớ lập ra Mãn châu quốc năm 1932 và dẫn tới cuộc chiến tranh giữa Trung quốc và Nhật năm 1937 - 1945 . Công ty đường sắt Nam Mãn châu lý trở thành tâm điểm của các hoạt động chính trị, kinh tế, công nghiệp và quân sự ở Mãn châu lý, được triển khai cùng với một chương trình di dân lớn khi hệ thống đường sắt ngày càng kéo dài. Sự biến năm 1931 là hệ quả tất yếu của một chiến lược dài hạn và có cân nhắc kỹ lưỡng nhằm bảo vệ các nguồn tài nguyên khoáng sản. Trên thực tế, nếu không có các nguồn tài nguyên này và cơ sở công nghiệp nặng ở Mãn châu lý, Nhật không thê theo đuổi, thậm chí nghĩ tới việc lâm chiến với Anh và Mỹ. Mãn châu lý là tiền đề kinh tế và quân sự để Nhật gây ra chiến tranh Thái Bình Dương.

Đầu tư của Trung quốc gần đây vào các cơ sở công nghiệp trên quy mô lớn như đường bộ, đường sắt, đường ống dẫn dầu ở các nước có vị trí chiến lược quan trọng nhưng bất ổn trong nước và bị cô lập trên trường quốc tế như Bắc Triều tiên và Myanmar cũng giống như chiến lược xưa của Nhật ở vùng Mãn châu lý. Đó là xây dựng một cơ sở kinh tế để đảm bảo nguồn tài nguyên thiên nhiên. Chính sách của Trung quốc - nguy trang bởi thuật ngữ "phát triển" hoặc “hợp tác”- thực ra là nhằm mục tiêu chiến lược duy nhất là xây dụng căn cứ quân sự, như điều Trung quốc đang làm trên đảo Coco của Myanmar. Ngoài ra, việc sử dụng công nhân nhập cư nửa lao động nửa binh sĩ người Trung quốc ở Tây tạng và Tân cương (như trường hợp công ty Xây dựng và Sản xuất Tân cương) đang diễn ra ở Myanmar và các nơi khác. Nhìn lại, chính sách Mãn châu của Nhật là một biện pháp chiến lược tinh vi có màu sắc đế quốc ẩn mình của các cường quốc sinh sau đẻ muộn cố gắng mở mang lợi ích của mình một cách từ từ và âm thầm để tránh xung đột trực tiếp với các nước đế quốc đang thống trị như Anh và Mỹ. Tương tự như vây, chính sách “Mãn châu quốc mô phỏng" cũng thuộc dạng này với mục tiêu giúp Trung quốc mở mang lợi ích cố hữu trong khi tránh xung đột trực tiếp với các nước lớn khác và giành giật những nước có tầm quan trọng chiến lược như Bắc Triều tiên và Myanamr.

Trung quốc còn đang ngày càng hung hãn đối với các đòi hỏi lãnh thổ ở Hoàng hải, Đông Hải và Biển Đông, điều thể hiện bản chất đế quốc của Trung quốc và đưa ra bằng chứng rõ ràng là Trung quốc không tuân thủ hệ thống quốc tế hiện đại theo đó biên giới giữa các nước phải được tôn trọng bằng luật pháp quốc tế và sự công nhận hỗ tương về chủ quyền. Theo đánh giá của Hiramatsu Shigeo, một chuyên gia về quân sự Trung quốc, Trung quốc đang điều chỉnh học thuyết "biên ải chiến lược" (strategic frontier) của Quân giải phóng Nhân dân Trung quốc với nội dung chính là chối bỏ hệ thống quốc tế hiện đại cho rằng các đường biên giới có thể được mở mang tương ứng với sức mạnh và lực lượng của từng, nước. Theo tinh thần này, giới quân sự Trung quốc đã đưa ra Chiến lược Phòng thủ Hải dương (Offshore Defense Strategy) đối với chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai bao bọc toàn bộ khu vực Hoàng hải, Đông và Biển Đông, Đài loan và Okinawa, kéo dài tới quần đảo Nhật bản và tới tận Philippines và Guam.

Thế giới, trong đó có Nhật và Mỹ, giờ đang phải đương đầu với một Trung quốc theo đường lối đế quốc, ngày càng hung hãn và bành trướng với một liên minh quốc tế rộng lớn. Hơn nữa, Trung quốc giờ còn bắt đầu một chiến dịch coi Okinawa là một bộ phận không thể tách rời của Trung quốc (inalienable part of China). Điều này đẻ ra hệ lụy lớn đôi với bản chất của vấn đề căn cứ quân sự của Mỹ ở Okinawa. Để đáp ứng mối đe dọa tiềm.tàng chưa từng có này, liên minh Mỹ - Nhật cần một sự chuyển hướng căn bản về cách tiếp cận kèm theo những thay đổi thể chế có tính hệ thống cả về mặt tổ chức lẫn mặt tác chiến. Thậm chí trong khi cả hai nước đang gặp phải khó khăn ngày.càng lớn về ngân sách, liên minh Mỹ - Nhật cần phải được xem xét lại một cách tông thể để đem lại một mức độ mới và sâu hơn đối với việc hoạch định chiến lược, trong đó có cả việc điều chỉnh quan trọng việc phân bổ nguồn lực phòng thủ trong bối cảnh Trung quốc có một chiến lược kiểu đế quốc như trên.

Theo East – West Center

Văn Cường (gt)

Nguồn

Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2011

Hợp tác Mỹ - Hạ nguồn Mê Công: Vượt trên cân bằng quyền lực truyền thống?




Bài viết của tác giả Lê Đình Tĩnh, Nghiên cứu sinh Tiến sỹ, Học viện Ngoại giao sử dụng tiếp cận của thuyết hiện thực mới (HTM) về quan hệ quốc tế để tập trung lý giải bản chất và động cơ của sáng kiến của Mỹ về hợp tác Hạ nguồn Mê Công

Gần đây tiểu vùng Mê Công thu hút sự chú ý lớn của giới hoạch định và nghiên cứu chính sách. Từ vấn đề nguồn nước, môi trường, biển đổi khí hậu, nguồn lợi thủy sản, sự đa dạng sinh học đến vị trí chiến lược, tiểu vùng với diện tích lớn gấp hơn 1000 lần Singapore (795.000 km2), con sông dài nhất Đông Nam Á (4800 km) và dung lượng nước đứng thứ 8 thế giới (475 tỷ m3) đã, đang và sẽ là khu vực có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược của nhiều nước. Sáng kiến hợp tác giữa Mỹ và các nước hạ nguồn Mê Công ra đời trong bối cảnh đó. Bài viết tập trung lý giải bản chất và động cơ của sáng kiến hợp tác này, sử dụng tiếp cận của thuyết hiện thực mới (HTM) về quan hệ quốc tế.

1. Thuyết hiện thực mới và hành vi của các quốc gia

Nếu không tính các phẩm kinh điển, được cho là làm nền tảng triết học cho thuyết hiện thực như Binh pháp (Tôn Tử), Thủy quái (Thomas Hobbes), Lịch sử cuộc chiến tranh Peloponnesia (Thucydides),Quân vương (Niccolò Machiavelli) thì với công trình Chính trị giữa các quốc gia, Hans Morgenthau đã tạo cơ sở cho sự ra đời của học thuyết lớn về quan hệ quốc tế này sau cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ 2 (1948). Nhưng đến năm 1979, Kenneth N. Waltz đã cấu trúc lại thuyết hiện thực trên nhiều phương diện mới mẻ, kết quả của việc áp dụng các phương pháp khoa học hơn.

So với một số giả định có phần cảm tính (lấy xuất phát quan niệm bi quan về bản chất con người) và thiếu hệ thống trước đó của thuyết hiện thực cổ điển, Kenneth N. Waltz cho rằng chính trị quốc tế không chỉ là về hành vi ứng xử và tương tác giữa các quốc gia mà còn có một cấp độ “bên trên” các quốc gia. Theo ông, việc xem chính trị quốc tế như một “hệ thống” với cấu trúc có thể mô tả và lý giải bằng ngôn ngữ khoa học chính là sự “thoát ly” căn bản của lý thuyết mới so với thuyết hiện thực truyền thống[1]. Cũng vì lý do này, thuyết HTM còn có tên gọi khác là hiện thực cấu trúc, đặt hành vi của các quốc gia trong bối cảnh chính trị và tương quan lực lượng cụ thể. Tình trạng của hệ thống sẽ tác động đến hành vi của quốc gia chứ không chỉ là các nhân tố ở cấp độ quốc gia. Như vậy, trong khi vẫn tập trung vào chủ thể quốc gia, sinh viên quan hệ quốc tế sẽ có thêm một cấp độ phân tích mới.

Kể từ Waltz (1979), thuyết HTM có thêm một số bước phát triển, tuy nhiên tựu trung lại, nó gồm các hướng cơ bản sau[2]: i) Tập trung lý giải hệ thống; ii) Tiếp tục xem chủ thể quốc gia đóng vai trò trung tâm trong hệ thống; iii) Lưu ý đặc điểm cạnh tranh cố hữu của chính trị quốc tế; iv) Coi trọng các yếu tố vật chất như quân sự, kinh tế, dân số, tài nguyên hơn so với các yếu tố phi vật chất như ý tưởng, thể chế; v) Tin rằng các quốc gia sẽ theo đuổi chiến lược tự lực cánh sinh; vi) Do hệ thống luôn có khả năng xảy ra xung đột, các quốc gia lý tính có thiên hướng chuẩn bị cho tình huống xấu nhất…[3]

Ngoài ra, các nhà lý thuyết HTM còn cho rằng trong một hệ thống mang tính ganh đua cao, các quốc gia có xu hướng coi trọng các mục tiêu ngắn hạn hơn so với dài hạn, nhất là để bảo đảm an ninh trước khả năng tấn công bằng vũ lực của đối thủ. Cũng trong một hệ thống như vậy, các quốc gia ưu tiên các mục tiêu an ninh hơn so với kinh tế. Các quốc gia không đưa ra quyết định chính sách dựa trên sự cân nhắc, tính toán thiệt hơn một cách toàn diện tùy theo tình huống nào có khả năng xảy ra hơn, thay vì chỉ đó tập trung chuẩn bị cho tình huống xấu nhất như điểm (vi) vừa nêu trên[4].

Do chú trọng đến yếu tố “hệ thống”, nên thuyết HTM đưa ra không nhiều các giả định về hành vi của quốc gia trong hệ thống (mặc dù thừa nhận vai trò trung tâm của quốc gia). Tuy vậy, cần lưu ý là những giả định về hành vi quốc gia của những nhà hiện thực mới nổi tiếng như Kenneth N. Waltz hay John Mearsheimer lại có sức ảnh hưởng không kém (ít nhất là gây tranh cãi) những nhận định của họ về hệ thống. Những giả định quan trọng đó bao gồm: i) Tối ưu hóa lợi ích quốc gia và vị thế trên trường quốc tế là động lực cơ bản của các quốc gia; ii) Các quốc gia luôn tìm cách cân bằng lại ảnh hưởng của cường quốc/nhóm cường quốc chiếm ưu thế nổi trội trong hệ thống; iii) Các quốc gia sẽ bị ràng buộc hành vi một khi tham gia hợp tác và iv) Các quốc gia sẽ tranh thủ mọi nguồn lực, tìm mọi cách để theo kịp và vượt lên trên “đối thủ”.

Riêng về cơ chế cân bằng quyền lực, theo quan niệm của thuyết HTM, yếu tố an ninh, nhất là an ninh quân sự là động lực chủ đạo cho quá trình. Theo quan điểm này, các liên minh quân sự chính là biểu hiện sinh động nhất cho cơ chế cân bằng quyền lực. Waltz và các “đệ tử” của ông cảm thấy khó khăn trong việc cộng thêm các yếu tố khác như kinh tế, văn hóa, môi trường vào nội hàm khái niệm an ninh.

Mặc dù còn có những khiếm khuyết, chẳng hạn, sự khó khăn trong việc định lượng yếu tố quyền lực (trong quá trình cân bằng), song nhìn chung thuyết HTM vẫn có sức ảnh hưởng rất đáng kể đối với giới nghiên cứu và hoạch định chính sách ngoại giao nhiều nước, nhất là Mỹ.

2. Thuyết hiện thực mới và hợp tác tiểu vùng

Thuyết HTM nhấn mạnh cách tiếp cận hệ thống vì thế không xa lạ với tiếp cận khu vực. Waltz xếp “đứa con tinh thần” của mình vào nhóm lý thuyết hệ thống (systemic theories) [5]. Điều đó có nghĩa là thuyết HTM sẽ đặt cơ chế hợp tác Tiểu vùng sông Mê Công trong bối cảnh cấu trúc chính trị rộng lớn hơn của khu vực.

Lý giải vì sao có hợp tác khu vực/tiểu khu vực, thuyết HTM cho rằng yếu tố sức ép “từ bên ngoài” đóng vai trò thúc đẩy quan trọng. Các cơ chế hợp tác khu vực nhìn chung đều có yếu tố quan hệ với các nước lớn và chú ý đến mối quan hệ giữa các nước lớn. Logic chính đằng sau sự hợp tác khu vực/tiểu khu vực là nhận thức về sự hiện hữu của mối đe dọa chung cũng như yếu tố cân bằng quyền lực (tức các mối quan tâm chung về an ninh khu vực và quốc gia). Theo logic đó, sự nổi lên của các mối đe dọa theo nhận thức hay thực tế, trong hệ thống vô chính phủ, sẽ đem đến động lực hợp tác cho các quốc gia. Mặt khác, thuyết HTM cho rằng trật tự trong đó một quốc gia có năng lực chi phối toàn cầu (hegemonic theory) sẽ khuyến khích hợp tác giữa khu vực/tiểu khu vực với quốc gia chi phối đó, nhất là trong lĩnh vực an ninh.

Thuyết HTM cũng đặt ra hai vấn đề cho hợp tác khu vực/tiểu khu vực. Thứ nhất là sự lo ngại của các quốc gia về khả năng bị ràng buộc hành vi (tức hạn chế không gian hành động) một khi tham gia vào các cơ chế hợp tác vùng/tiểu vùng. Do quan niệm hệ thống quốc tế là vô chính phủ và có thiên hướng xung đột, các quốc gia đều không muốn tham gia vào các cơ chế hợp tác có thể gây cản trở cho việc bảo vệ và phát huy lợi ích quốc gia của họ. Theo Waltz, trước khi tham gia hợp tác, các quốc gia sẽ không đặt câu hỏi “liệu có khả năng cả hai bên cùng hưởng lợi không?”, thay vì đó tập trung quan ngại “Ai sẽ được hưởng lợi nhiều hơn?” Còn khi đã có triển vọng đạt lợi ích tuyệt đối (absolute gains) lớn hơn, các quốc gia lại lo lắng phía bên kia sẽ sử dụng khả năng được cải thiện đó như thế nào[6]. Những mối quan ngại này sẽ cản trở quá trình hợp tác giữa các nước và để hợp tác có thể diễn ra các quốc gia phải giải quyết (từ thấp lên cao) đối với vấn đề này.

Thứ hai, các quốc gia cần phải xem xét cụ thể tình huống cân bằng quyền lực của họ. Sự tính toán này là cần thiết bởi đôi khi giả định cân bằng quyền lực không diễn ra trên thực tế. Ít có bằng chứng cho thấy các nước tập hợp để cân bằng lại sức mạnh vượt trội của Mỹ, kể cả ở “khoảnh khắc đơn cực”[7] sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991 hay sau này khi Mỹ giành chiến thắng quân sự ở Iraq năm 2003. Đây là điểm thách thức đối với giả thuyết “cân bằng quyền lực” của HTM. Ngay các “nhánh” trong thuyết hiện thực cũng có ý kiến nghi ngờ về cơ chế “cân bằng” của cấu trúc hệ thống quan hệ quốc tế[8]. Cụ thể, một số cho rằng Waltz đã không tính đến trạng thái đơn cực, tức là hệ thống quốc tế vô chính phủ với siêu cường duy nhất trong lý thuyết của ông.

Lý thuyết của Waltz có tính tổng quát với nhiều tham số và điều kiện chưa được tính đến. Tuy nhiên, việc áp dụng lý thuyết hiệu quả đòi hỏi sự linh hoạt, đôi lúc phải vượt lên mô hình có sẵn. Thật may cho Waltz, trật tự đơn cực của Mỹ chỉ là “khoảnh khắc” và trên nhiều phương diện như kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, ảnh hưởng chính trị, sự hấp dẫn về thể chế, khó có thể khẳng định thế đơn cực của Mỹ. Ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sự trỗi dậy của Trung Quốc càng khiến tình thế xoay chuyển đa cực hơn. Đồng thời chính sự trỗi dậy của Trung Quốc đã khiến cấu trúc khu vực biến đổi nhanh chóng, xuất hiện nhiều nhân tố mới, tập hợp lực lượng mới. Theo Robert Gilpin (một nhà hiện thực), trạng thái đa cực dường như tỏ ra bất ổn hơn so với trật tự đơn cực hay hai cực[9], nghĩa là khuyến khích chiến lược theo đuổi sự cân bằng.

Tuy cơ chế cân bằng quyền lực ở cấp toàn cầu trong trật tự đơn cực có thể không diễn ra, nhưng ở khu vực/tiểu khu vực, tình thế có thể khác do tính đa cực nhiều hơn nhưng đồng thời có sự hiện diện (mức độ nhất định) của siêu cường duy nhất. Như vậy, theo Waltz và Gilpin, tình huống cân bằng quyền lực hoàn toàn có thể xảy ra ở cấp khu vực/tiểu khu vực, thậm chí càng diễn ra thuận lợi hơn với sự tham gia của siêu cường duy nhất. Ít nhất đó là tình huống cân bằng từ xa (offshore balancing), tức sử dụng các trung tâm quyền lực thân thiện hơn tại khu vực để kiềm chế sự trỗi dậy của cường quốc thù địch tiềm tàng[10].

Tóm lại, theo lý giải của thuyết HTM, hợp tác tiểu vùng thường bắt đầu từ nhu cầu bảo đảm an ninh trước các mối đe dọa từ bên ngoài thông qua việc theo đuổi cơ chế cân bằng. Trạng thái “đơn cực toàn cầu và đa cực khu vực” có vai trò xúc tác hợp tác tiểu vùng. Quá trình hợp tác diễn ra còn vì động cơ tăng cường vị thế, ảnh hưởng, tranh thủ nguồn lực có lợi của các quốc gia thành viên. Tuy vậy hợp tác, nhất là trong lĩnh vực an ninh, sẽ phụ thuộc vào sự tính toán thiệt hơn tương đối giữa các đối tác trong khuôn khổ (quan ngại bị hạn chế hành vi), đây là dấu hỏi đặt ra cho mức độ hợp tác thực chất giữa chính các đối tác với nhau[11].

3. Sáng kiến hợp tác Mỹ-hạ nguồn Mê Công

Lưu vực sông Mê Công khởi nguồn từ Cao nguyên Tây Tạng, chảy theo hướng Bắc Nam, qua 6 nước Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Thượng nguồn Mê Công gồm phần chảy qua Trung Quốc và Myanmar. Hạ lưu gồm Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, chiếm trên 77% diện tích toàn lưu vực. Lưu vực Mê Công có nguồn tài nguyên phong phú, đặc biệt là các nguồn lợi về nông, lâm nghiệp, thủy sản, thủy điện và giao thông thủy. Sản lượng cá nước ngọt lớn nhất thế giới. Chính sự phong phú và đa dạng của lưu vực giúp tạo kế sinh nhai và tác động đến lối sống của 270 triệu người.

Bên cạnh đó, lưu vực Mê Công chịu tác động của nhiều nhân tố. Về khách quan, tình trạng hạn hạn, ngập lụt, xâm mặn, chất lượng nước sụt giảm tạo ra nhiều thách thức đối với sản xuất và cuộc sống người dân. Tình trạng này trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu. Về chủ quan, việc xây các con đập thủy điện, hồ chứa trên dòng chính được cho là nguyên nhân dẫn đến sự những biến đổi bất lợi về môi trường, nguồn nước, sinh thái ở lưu vực, nhất là ở hạ nguồn. Đây cũng là đề tài gây tranh cãi, ẩn chứa nhiều xung đột lợi ích của các quốc gia trong lưu vực[12]. Riêng Trung Quốc đã hoàn thành ba công trình thủy trên dòng chính và dự kiến còn xây tổng cộng 8 công trình với công suất gần 16.000 MW[13]. Lào dự định xây một số đập, dự án đầu tiên ở Xaynhaburi sau đó đã được hoãn lại nghiên cứu thêm theo đề nghị của các nước Hạ nguồn.

Do tầm quan trọng của lưu vực, hiện các nước xây dựng và tham gia nhiều thể chế hợp tác, một số bổ trợ cho nhau, một số chồng chéo và cạnh tranh với nhau. Các cơ chế hợp tác nổi bật gồm Ủy hội sông Mê Công (MRC), Chương trình hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), hợp tác Mê Công-Nhật, Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mê Công (ACMECS), Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV), Hợp tác phát triển liên vùng nghèo dọc Hành lang Đông Tây (WEC). Điều đáng lưu ý ở đây, theo các nhà HTM, là trong khi tham gia GMS - cơ chế khá toàn diện - Trung Quốc lại chưa đồng ý trở thành thành viên của MRC, thể chế hợp tác chặt chẽ nhất ở Tiểu vùng; Mỹ tích cực ở MRC song không tham gia GMS.

Các nước Hạ nguồn một mặt có nhu cầu tranh thủ sự tài trợ, hợp tác của các đối tác bên ngoài, mặt khác phải tính đến các yếu tố nhạy cảm về an ninh và ngoại giao. Một số đối tác tài trợ cho các chương trình có sự cạnh tranh với nhau nhất định về mục tiêu. Đối với các dự án không có sự tham gia của các nước Thượng nguồn, mức nhạy cảm về an ninh và ngoại giao do vậy càng cao.

Sáng kiến hợp tác Mỹ-hạ nguồn Mê Công ra đời trong bối cảnh và sự tính toán cân nhắc đó của các bên liên quan. Cuối tháng 5 đầu tháng 6/2009, thông qua nhiều kênh khác nhau phía Mỹ đề nghị tổ chức cuộc gặp giữa các Bộ trưởng Ngoại giao Mê Công và Mỹ bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Trung tâm Stimson, một tổ chức nghiên cứu có uy tín tại Washington D.C., đã đóng vai trò tư vấn nổi bật trong quá trình phía Mỹ đề xuất sáng kiến, trong đó có vai trò của Tiến sỹ Richard Cronin[14]. Trung tâm Stimson đã xuất bản một số ấn phẩm và đĩa DVD quan trọng có liên quan như Mekong Tipping Point và cung cấp cơ sở khoa học cho Bộ Ngoại giao Mỹ trên vấn đề này[15].

Cuộc họp giữa các Ngoại trưởng Mê Công và Mỹ đã diễn ra bên lề Hội nghị ARF (Phuket, 23/7/2009). Theo đề nghị của Lào, tên gọi của cuộc họp được chuyển là "Cuộc gặp giữa Bộ trưởng các nước Hạ nguồn Mê Công và Mỹ". Nhìn chung các nước Mê Công tham dự cuộc họp đều bày tỏ hoan nghênh[16], cho rằng sáng kiến của Mỹ là “kịp thời” và “bổ sung” cho các cơ chế khác hiện có. Ba lĩnh vực hợp tác chính mà Mỹ đưa ra là những hợp tác Mỹ đã và đang tiến hành song phương với các nước Mê Công là môi trường, giáo dục, y tế[17]. Ngoài ra Mỹ nêu thêm sáng kiến kết nghĩa giữa Ủy Hội Mê Công và Ủy hội sông Mississippi nhằm tăng cường trao đổi kinh nghiệm và hợp tác giữa hai bên[18].

+ Về lĩnh vực môi trường, Mỹ sẽ chi hơn 7 triệu USD trong năm 2009 cho các chương trình về môi trường trong khu vực sông Mê Công bao gồm: Phát triển dự án “Dự báo Mê Công”, một công cụ mô hình có khả năng dự báo để minh hoạ tác động của biến đổi khí hậu và các thách thức khác đối với sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mê Công;

+ Thoả thuận hợp tác kết nghĩa giữa Uỷ Hội Sông Mê Công và Uỷ Hội Sông Mississippi chia sẻ những kiến thức và thực hành tốt nhất trong các lĩnh vực như thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý lũ lụt và hạn hán, thuỷ điện và đánh giá tác động của thuỷ điện, nhu cầu nước và an ninh lương thực, quản lý nguồn nước và các quan tâm chung khác;

+ Hỗ trợ các dự án nhằm thúc đẩy việc sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước và rừng, bảo tồn sự đa dạng sinh học của lưu vực sông Mê Công, và tăng việc tiếp cận nguồn nước uống an toàn;

+ Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đang đề nghị Quốc hội thông qua khoản bổ sung 15 triệu USD vào năm 2010 nhằm hỗ trợ cải thiện an ninh lương thực tại các nước khu vực sông Mê Công;

+ Về lĩnh vực y tế, năm 2009, Mỹ hỗ trợ cho các nước sông Mê Công trên 138 triệu USD, tập trung váo các lĩnh vực phòng chống HIV/AIDs, dịch cúm, bệnh sốt rét và bệnh lao;

+ Về lĩnh vực giáo dục, trong năm 2009, Mỹ chi 16 triệu USD để hỗ trợ cho hơn 500 sinh viên và các chương trình trao đổi học giả với các nước sông Mê Công thông qua chương trình Fulbright và các chương trình giáo dục khác đồng thời hỗ trợ việc tăng số lượng học sinh tiếp cận với giáo dục cơ bản và mở rộng kết nối Intenet băng thông rộng tại cộng đồng nông thôn[19].

Bảng 1: Cam kết của Mỹ tại Hội nghị lần thứ nhất 7/2009.

Tại cuộc họp, Việt Nam đề xuất mong muốn và trao đổi khả năng hợp tác trên 4 lĩnh vực: môi trường, giáo dục đào tạo, y tế và bổ sung thêm lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng. Campuchia nhấn mạnh hợp tác về biến đổi khí hậu, giáo dục và bảo đảm phát triển bền vững và liên kết với cơ chế hợp tác khác. Thái Lan chủ yếu nhấn mạnh vào các lĩnh vực hợp tác giữa hai Ủy hội Mê Công và Misissippi. Lào đề nghị có cơ chế họp cấp quan chức cao cấp (SOM) để trao đổi tiếp và tên gọi cơ chế hợp tác là các nước Ủy hội Mê Công và Mỹ hoặc Mê Công và Mỹ. Phía Mỹ gọi sáng kiến này là Sáng kiến các nước Hạ nguồn Mê Công (LMI). Các nước đều nêu mong muốn tạo thành cơ chế họp thường niên (có thể bên lề AMM/ARF).

Cuộc họp lần 2 vào tháng 7/2010 tại Hà Nội nhấn mạnh tầm quan trọng và thúc đẩy sự hợp tác vì lợi ích chung. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clintơn cho biết việc tận dụng ưu thế của sông Mê Công cũng như đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, nguồn nước vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với các quốc gia thuộc tiểu vùng[20]. Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện những gì đạt được ở Hội nghị lần thứ nhất bằng một kế hoạch 3 năm. Chính phủ Mỹ đã quyết định chi 3 triệu USD cho năm đầu của chương trình và hy vọng sẽ tiếp tục phát triển quỹ này trong những năm tiếp theo[21].

Theo phân tích của Trung tâm Stimson, Sáng kiến LMI chú trọng mục tiêu thúc đẩy sự phát triển công bằng, bền vững và hợp tác tại lưu vực sông Mê Công, một nguồn tài nguyên chung của nhiều quốc gia. Khu vực Mê Công đang phát triển nhanh chóng và đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn, đặc biệt là liên quan đến an ninh năng lượng. Nhiều đề xuất gần đây tập trung vào thủy điện, nhưng xu hướng hiện nay của khu vực đối với thủy điện lại không màng tới những tác động bất lợi về môi trườngkinh tế-xã hội(gọi tắt là EIAs và SEAs). Mỹ có thể cung cấp kỹ thuật và sự hỗ trợ nhằm xác định và thúc đẩy các giải pháp khu vực đối với nhu cầu cấp bách hiện nay của khu vực về năng lượng, lương thựcan ninh con người. Sáng kiến này sẽ giúp tăng cường chia sẻ thông tin giữa các cơ quan của Mỹ hoạt động tích cực tại Lưu vực Mê Công và các cơ quan trong khu vực (trong bối cảnh Trung Quốc chưa đưa dữ liệu cơ chế vận hành các con đập của họ vào khuôn khổ MRC do đó các nước Hạ nguồn có khó khăn trong việc xác định thủy lợi, ngăn lũ, chống hạn). Sáng kiến cũng cung cấp những công cụ mới giúp nâng cao chất lượng và nguồn thông tin sẵn có cho các nhà hoạch định chính sách trong khu vực[22].

4. Bản chất và động cơ hợp tác Mỹ-hạ nguồn Mê Công

Phần này sẽ vận dụng các giả thuyết cơ bản nêu trên của thuyết HTM để phân tích kỹ hơn bản chất và động cơ hợp tác trong Sáng kiến LMI.

a. Cân bằng quyền lực

Thuyết HTM quan tâm đến cơ chế cân bằng quyền lực và áp dụng quan điểm này cho cả hợp tác tiểu vùng. Vậy cân bằng quyền lực trong khuôn khổ LMI là gì?

Trước hết, theo Waltz, cần phải thấy bối cảnh rộng lớn hơn của Sáng kiến này. Khu vực Đông Á, trong đó có lưu vực thượng nguồn và hạ nguồn Mê Công đang chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng về tương quan lực lượng. Trong cấu trúc đa tầng nấc của Đông Á, các biến số chủ yếu bao gồm sự trỗi dậy của Trung Quốc, sự đan xen của các yếu tố cạnh tranh và hợp tác chiến lược giữa Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và phần nào đó là Nga, Hàn Quốc, chiến lược tái can dự của Mỹ dưới Chính quyền Obama, vai trò tích cực (và trung tâm) của ASEAN trong các thể chế khu vực như ASEAN+, EAS. Nhìn chung khu vực được hưởng nền hòa bình, ổn định tương đối, song trùng với một số điểm nóng tiềm tàng như bán đảo Triều Tiên, quan hệ qua hai bờ eo biển Đài Loan, biển Đông và thách thức ngày càng nghiêm trọng của các thách thức an ninh phi truyền thống. Trong số các thách thức an ninh phi truyền thống, sự cạnh tranh địa-chiến lược tài nguyên nước đang nổi lên như một thành tố quan trọng của cấu trúc mới Đông Á đầu thế kỷ 21. Tất cả các quốc gia ở lưu vực do vậy đều có nhu cầu lớn duy trì môi trường hòa bình ổn định, thúc đẩy quan hệ tích cực, khôn khéo, cân bằng với các trung tâm quyền lực và tăng cường hợp tác nhằm đối phó với các thách thức chung.

Cụ thể, các nước Hạ nguồn đã hoan nghênh Sáng kiến LMI do Mỹ đề xuất[23]. Việc các nước ASEAN mời Mỹ và Nga tham gia Thượng đỉnh Đông Á cũng phản ánh hướng tiếp cận đó ở cấp độ rộng lớn hơn[24]. Theo quan điểm HTM, đó chính là hệ quả của chính sách cân bằng mà các nước Đông Nam Á theo đuổi. Về phía Mỹ, mối quan tâm đối với khu vực Đông Nam Á trước đây chủ yếu tập trung vào hải đảo, gồm các quốc gia đồng minh, bạn bè hoặc đối tác quan trọng như Philipin, Xinhgapo, Inđônêxia. Bởi vậy, việc Mỹ chủ động nêu và “bảo trợ” sáng kiến LMI với các nước Đông Nam Á lục địa là sự tính toán, cân nhắc mới bắt nguồn từ việc xem xét các nhân tố cấu trúc ở trên.

Hơn nữa, do tính nhạy cảm và ở vị trí bất lợi so với các quốc gia thượng nguồn, các quốc gia hạ nguồn lại càng có nhu cầu hợp tác toàn diện để bảo đảm việc khai thác dòng sông có lợi nhất cho họ, trước mắt cũng như lâu dài. Riêng trong lĩnh vực thủy điện, dự kiến xây các đập ở thượng nguồn đã khiến các nước hạ nguồn hết sức lo ngại[25]. Với tư cách thành viên quan trọng của Ủy hội sông Mê Công, Mỹ chủ trương thúc đẩy việc quản lý, khai thác lưu vực sông Mê Công theo hướng “bền vững” (hàm ý cân bằng, công bằng, hợp lý), điều này phù hợp với mục tiêu của LMI và đồng thời là nhu cầu của các nước Hạ nguồn.

Tuy nhiên, về mặt giả định còn một vấn đề nữa cần lý giải. Đó là, do chú trọng an ninh hơn kinh tế, trong an ninh, chỉ quan tâm đến an ninh quân sự, thuyết HTM dường như không mấy phù hợp để lý giải động cơ cân bằng trong Sáng kiến LMI vì theo thỏa thuận, Mỹ và các nước Hạ nguồn Mê Công chủ yếu hợp tác trong các lĩnh vực an ninh phi truyền thống như môi trường, bệnh dịch, bảo vệ nguồn nước, lương thực và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ngày nay các nhà lý thuyết hay hoạch định chính sách khó có thể tách an ninh phi truyền thống ra khỏi phạm trù an ninh quốc gia. Hơn nữa, tuy là an ninh phi truyền thống nhưng nội dung của LMI có nhiều yếu tố đòi hỏi sự tham gia của các nhân tố “an ninh truyền thống”, trong đó có vai trò của quân đội. Bản thân Chính quyền Obama cũng chủ trương theo đuổi chiến lược “sức mạnh thông minh”, dựa trên sự kết hợp các yếu tố sức mạnh Mỹ (cứng, mềm), giữa các biện pháp đa dạng (truyền thống, phi truyền thống), giữa các mục tiêu (ngắn hạn, dài hạn), giữa các mô hình. Ngoài ra, đối với thuyết HTM, quan hệ hợp tác, kể cả trong lĩnh vực quân sự, giữa Trung Quốc và Myanmar ở Thượng nguồn đã tạo thành một tham số quan trọng trong phương trình cân bằng ở Hạ nguồn. Thực tế, ở khu vực Đông Á, mô hình cân bằng cũng đa dạng, linh hoạt từ an ninh quân sự như liên minh Mỹ-Nhật, Mỹ-Hàn (kiểu nan quạt), đến những hình thức khác như ARF, EAS (kiểu mạng lưới).

Bởi vậy, nếu không phải tuân thủ tuyệt đối với truyền thống học thuật, cơ chế cân bằng quyền lực của thuyết HTM có thể được sử dụng để giải thích động cơ tham gia của Mỹ và các nước Hạ nguồn Mê Công.

b. Tăng cường ảnh hưởng

Như trên đã đề cập, bối cảnh chính trị là Mỹ quay trở lại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Thuyết HTM dự báo với sự “bảo trợ” của Mỹ, hợp tác tiểu vùng sẽ khả thi hơn. Về phía Mỹ, thông qua chính sách tái can dự Chính quyền Obama cũng có nhu cầu tăng cường, mở rộng ảnh hưởng tại khu vực, kể cả ở Đông Nam Á lục địa. Để cụ thể hóa chính sách này, Mỹ cần tham gia hoặc chủ động tạo ra các cơ chế hợp tác để tạo thế quan hệ trong cấu trúc khu vực đang định hình. Thậm chí không ít ý kiến cho đây là cách khéo léo để Mỹ gửi tín hiệu “kiềm chế” đến Trung Quốc. Về phía các quốc gia Hạ nguồn, thông qua cơ chế LMI, quan hệ ngoại giao, nhất là với các nước lớn, được bổ sung một cơ chế hợp tác quan trọng, tạo đòn bẩy cho các quá trình hợp tác khác ở tiểu vùng. Dù sao, hầu hết các nước Đông Nam Á đều có chủ trương ngoại giao khéo léo trong việc tranh thủ quá trình các nước lớn cạnh tranh ảnh hưởng tại khu vực.

c. Tranh thủ nguồn lực để theo kịp “đối thủ”

Dường như giả định này là khó chứng minh hơn cả trong khuôn khổ LMI vì những lý do sau. Thứ nhất, về công khai các nước Hạ nguồn Mê Công đều không xác nhận có một “đối thủ” rõ ràng để ganh đua nguồn lực. Chủ trương phổ biến của các nước Hạ nguồn là hòa bình, hữu nghị và hợp tác với tất cả các nước. Thứ hai, cam kết giữa Mỹ với các nước Hạ nguồn chưa đủ độ sâu và rộng để có thể tranh thủ tối đa các nguồn lực, tài chính và công nghệ Mỹ. Thứ ba, nếu có sự tranh thủ, các nước Hạ nguồn còn hướng tới các mục đích khác, chứ không nhất thiết chỉ để đối phó với “đối thủ” theo nhận thức hay trên thực tế.

Tuy vậy, ở một mức độ nhất định, thuyết HTM có thể gợi ý làm sáng tỏ thêm các điểm sau. Một là, các nước hạ nguồn luôn có nhu cầu bổ sung nguồn lực để giảm thiểu vị thế bất lợi ở hạ nguồn so với các nước thượng nguồn (tức là có sự ganh đua nhất định). Hai là, tuy không thể tranh thủ tối đa các nguồn lực của Mỹ thông qua Sáng kiến LMI, song đây là cơ chế bổ sung hữu hiệu cho các cơ chế khác, có tác dụng tạo đòn bẩy đối với các nhà tài trợ khác như Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU. Ba là, các nước ở thượng nguồn, nhất là Trung Quốc, sở hữu công nghệ, nguồn lực, tài chính vượt trội, do vậy ít nhất các nước hạ nguồn cũng có lợi ích trong việc rút ngắn khoảng cách, thậm chí vượt lên trên một số lĩnh vực so với Trung Quốc, kể cả việc kết nối dữ liệu, hài hòa hóa và phối hợp chính sách về nguồn nước Mê Công, trước mắt cũng như sau này trong khuôn khổ MRC (một khi Trung Quốc tham gia).

d. Hạn chế hành vi

Trước hết cần khẳng định lại các nhà lý thuyết hiện thực không loại trừ khả năng hợp tác, họ chỉ nhìn nhận việc hợp tác sẽ hạn chế không gian hành động của các quốc gia. Câu hỏi đặt ra là thông qua LMI liệu Mỹ có thể hạn chế hành vi của các quốc gia Hạ nguồn và các nước Hạ nguồn có thể “buộc chân” Mỹ?

Từ phía các nước Hạ nguồn, họ khó có khả năng ràng buộc hành vi của Mỹ thông qua sáng kiến LMI. Mỹ lại càng không phải lo ngại. Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia mới chỉ chiếm vai trò khiêm tốn trong chính sách đối ngoại Mỹ.

Còn một khía cạnh khác nữa của sự “ràng buộc” cần xem xét: nếu các nước Hạ nguồn lo ngại việc tham gia hợp tác sẽ dẫn tới tình trạng phụ thuộc vào Mỹ, một tình trạng không mong muốn theo gợi ý của thuyết HTM, thì mức độ hợp tác sẽ đến đâu? Câu trả lời ở đây là sự cam kết giữa hai bên tính đến Hội nghị cấp Bộ trưởng lần hai giữa Mỹ và các nước hạ nguồn tháng 7/2010, vẫn chỉ mới ở mức khiêm tốn. Các bằng chứng cho thấy cả hai bên đều thận trọng, nhất là về phía các nước Hạ nguồn, trong quá trình triển khai Sáng kiến vì nhiều lý do, trong đó có cả sự quan ngại vì các yếu tố nhạy cảm. Điều này thể hiện ở quá trình triển khai có tính tiệm tiến của nội dung chương trình “Dự báo Mê Công” trong khuôn khổ Sáng kiến. Một bằng chứng khác là quá trình lựa chọn tên gọi cho Sáng kiến như đã nêu. Bản thân các nước khu vực, kể cả ASEAN, cũng khó chọn phương án “phù thịnh” (bandwagoning) tuyệt đối với bất kỳ nước lớn nào, kể cả Mỹ. Thực tế cho thấy ASEAN còn có nhu cầu thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc và Nhật trong khi cần Mỹ và các trung tâm quyền lực khác để tạo thế cân bằng, tránh bị kẹt giữa các nước lớn và tranh thủ các nguồn lực đa dạng.

Như vậy, tuy không mấy tin tưởng vào khả năng hợp tác lâu dài, thực chất giữa Mỹ với các nước Hạ nguồn do quan điểm “hạn chế hành vi” song thuyết HTM không loại trừ khả năng này trong điều kiện cấu trúc mới đang định hình, Mỹ có thể cung cấp “dịch vụ bảo trợ”, nhu cầu cân bằng của các nước là có thực, về dài hạn các lợi ích khác cũng đóng vai trò quan trọng, không chỉ về an ninh quân sự, mức độ cam kết chưa đến mức gây nên tình trạng phụ thuộc quá mức cho các nước Hạ nguồn.


Mỹ

Các nước hạ nguồn Mê Công

Cân bằng

Bảo đảm các mối quan hệ “cân bằng”, “công bằng” ở Tiểu vùng, hàm ý có thể làm “trọng tài”, “bảo trợ” nếu xảy ra tình trạng mất “cân bằng” nghiêm trọng

Tạo thế cân bằng hơn trong quan hệ với các nước lớn khác trong bối cảnh chuyển biến nhanh chóng về tương quan lực lượng

Tăng cường ảnh hưởng

Thúc đẩy hiện diện ở khu vực có tầm quan trọng chiến lược (Đông Nam Á lục địa và lưu vực sông Mê Công)

Không nhiều nhưng có tác dụng đòn bẩy nhất định

Tranh thủ nguồn lực

Không nhiều song cũng có những lợi ích nhất định

Tranh thủ tối đa các dịch vụ, hàng hóa, hỗ trợ kỹ thuật để bổ sung nguồn lực cho phát triển lưu vực

Hạn chế hành vi

Không đáng lo ngại vì Mỹ là nước lớn, có năng lực “tự do hành động” vượt trội so với các nước Tiểu vùng.

Tìm cách giảm thiểu bằng cách tiếp cận thận trọng, nhấn mạnh chia sẻ kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học, bắt đầu từ an ninh phi truyền thống

Hình 2: Lý giải của thuyết hiện thực mới về hợp tác Mỹ-Mê Công

Kết luận

Hợp tác giữa một nước lớn với một nhóm nước nhỏ đã có tiền lệ. Đó là mô hình giữa Úc với các quốc đảo Nam Thái Bình Dương, mô hình ASEAN+1, các liên minh khu vực do Mỹ chi phối, Chiến lược hợp tác biển giữa EU với các quốc gia Baltic…Trên thực tế, hợp tác giữa một nhóm các nước nhỏ với một nước lớn có thể xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau ví dụ ý thức hệ như SEATO trước đây, hay đối phó với các thách thức an ninh đa dạng như LMI… . Song nguyên nhân phổ biến vẫn xuất phát từ sự tính toán lợi ích quốc gia.

Về lý thuyết, cho dù không mấy tin tưởng vào khả năng hợp tác lâu dài, nhưng trường phái HTM xem nhu cầu “cân bằng quyền lực”, “tranh thủ nguồn lực”, “tăng cường ảnh hưởng” như những động cơ hợp tác quan trọng. Như vậy, thuyết HTM có thể đem đến những gợi ý đáng suy nghĩ về bản chất hợp tác giữa một nước lớn với một nhóm các nước nhỏ, xuất phát từ việc xem xét những động cơ và nhu cầu đa dạng của các bên. Nhấn mạnh yếu tố lợi ích quốc gia, nhu cầu an ninh và cơ chế cân bằng quyền lực, cũng như sự lo ngại bị hạn chế hành vi một khi tham gia hợp tác, thuyết HTM cung cấp một góc nhìn về động cơ và bản chất của Sáng kiến LMI và vì sao trong khuôn khổ hợp tác đó, sau hai năm triển khai khá tích cực, cả Mỹ và các nước Hạ nguồn hiện vẫn chưa thể bàn đến các chủ đề có tính chất thương lượng chủ quyền, thiết lập các quy tắc ứng xử hay các thể chế mới, lại càng chưa nghĩ đến việc xây dựng một giá trị chung[26]. Tuy nhiên nếu xuất hiện tình huống xáo trộn nghiêm trọng tại lưu vực hoặc khu vực theo hướng bất lợi cho các nước Hạ nguồn, Sáng kiến này có thể trở nên giàu tính chiến lược hơn, như dự báo của thuyết HTM. Mặt khác, mô hình cân bằng của hợp tác Mỹ-hạ nguồn Mê Công đã vượt trên mô hình truyền thống theo quan điểm HTM, để bao gồm cả các thách thức an ninh phi truyền thống. Từ góc nhìn châu Á, phải chăng đó là chiến lược “lấy nhu thắng cương” trong thời đại “đa cân bằng” của toàn cầu hóa, khu vực hóa và của những thách thức khó lường.

Lê Đình Tĩnh




[1] Kenneth N. Waltz, Theory of International Politics, McGraws-Hill Humanities, New York, 1979.

[2] Xem thêm Stephen G. Brooks, “Dueling Realisms”, International Organization, Vol. 51, No. 3 (Summer 1997).

[3] Tuy nhiên cần lưu ý thuyết hiện thực mới không cho rằng thế giới luôn ở trong tình trạng chiến tranh và chiến tranh là không tránh khỏi. Xem thêm Kenneth N. Waltz, tlđd, 1979, tr. 114.

[4] Xem thêm Kenneth N. Waltz, “Reductionist and Systemic Theories”, and “Reflections on Theory of International Politics: A Response to My Critics” in Robert Keohane (ed.), Neorealism and its Critics, Colombia University Press, New York, 1986, pp. 322-345.

[5] Xem thêm Kenneth N. Waltz, tlđd , New York, 1986, pp. 322-345

[6] Kenneth N. Waltz, tlđd, tr. 105.

[7] Cụm từ do Charles Krauthammer đưa ra trong bài “The Unipolar Moment”, Foreign Affairs, Vol. 70, No. 1 (1990/1991), với 3 nhận định chính: i) Thế giới giờ đây là đơn cực với Mỹ ở vị trí siêu cường duy nhất, ít nhất là về mục tiêu chính sách; ii) nội bộ Mỹ ủng hộ chủ nghĩa quốc tế hơn là chủ nghĩa biệt lập và iii) tiếp theo sự sụp đổ của Liên Xô, nguy cơ chiến tranh đã giảm đi nhiều.

[8] Trong cuốn Theory of International Politics, Kenneth N. Waltz cho rằng “cân bằng quyền lực” không phải là trạng thái duy trì sự cân bằng mà là sự cân bằng một khi bị phá vỡ sẽ được khôi phục theo cách này hay cách khác. Cân bằng quyền lực sẽ xuất hiện với hai điều kiện: i) trật tự thế giới là vô chính phủ; ii) các quốc gia trong đó đều mưu cầu sự tồn vong, tr. 121.

[9] Xem thêm Robert Gilpin, The Political Economy of International Relations, Princeton Unversity Press, 1987.

[10] Xem thêm John Mearsheimer, The Tragedy of Great Power Politics, W. W. Norton, 2001.

[11] Jean Grugel and Wil Hout (ed.), Regionalism across the North-South Divide, Routledge, 1999, tr. 16.

[12] Richard Cronin and Timoty Hamlin, Mekong Tipping Point: Hydropower Dams, Human Security and Regional Stability, the Stimson Center, 2010. tr. 1.

[13] Bộ Tài nguyên Môi trường Việt Nam, tại http://www.monre.gov.vn, truy cập ngày 21/6/2010.

[14] Tác giả đã có cuộc phỏng vấn với Tiến sỹ Richard Cronin vào ngày 13/4/2010 tại Trung tâm Stimson. Đồng thời xin xem thêm Richard Cronin, “China’s Activities in Southeast Asia and the Implications for US Interests”, Testimony before US-China Economic and Security Review Commission, February 4, 2010.

[15] TS Cronin cho biết Bộ Ngoại Mỹ đã tham vấn Trung tâm Stimson ba lần trước khi có báo cáo cuối cùng lên Ngoại trưởng Hillary Clinton (Phỏng vấn Tiến sỹ Richard Cronin vào ngày 13/4/2010 tại Trung tâm Stimson).

[16] Theo trang web Bộ Ngoại giao Việt Nam tại http://www.mofa.gov.vn, truy cập ngày 25/7/2010.

[17] Thông báo chung giữa Mỹ, Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam ngày 23/7/2009 về Sáng kiến LMI, tạihttp://www.vietnamese.vietnam.usembassy.gov truy cập ngày 30/7/2009.

[18] Ủy hội sông Mississippi (cũng được viết tắt là MRC) được thành lập cách đây hơn 130 năm (28-06-1879) với nhiệm vụ được Quốc hội Mỹ giao phó là cải thiện con sông Mississippi, trong lĩnh vực giao thông đường thủy, giao thương và ngăn ngừa lũ lụt. Với trụ sở đặt tại Vicksburg, tiểu bang Mississippi, Ủy hội có nhiệm vụ tham vấn cho Chính phủ, Quốc hội, và Quân đội trong một lưu vực trải rộng tới 41% diện tích nước Mỹ, bằng cách cố vấn, theo dõi và báo cáo các kế hoạch phát triển dòng sông Mississippi. Nguồn: http://www.mvd.usace.army.mil/mrc, truy cập ngày 10/4/2010.

[19]US – Lower Mekong Countries Meeting”, Press Release, US Department of State, July 23, 2009.

[20] Trang web Bộ Tài nguyên Môi trường Việt Nam, tại http://www.monre.gov.vn, truy cập ngày 2/8/2010.

[21] Trang web Bộ Ngoại giao Mỹ, tại http://www.state.gov, truy cập ngày 1/8/2010.

[22] Timothy Hamlin, The US Lower Mekong Initiatve, the Stimson Center, 2010. Chữ in nghiêng là của tác giả nhằm nhấn mạnh.

[23] Theo thuyết HTM, việc có một quốc gia đóng vai trò “cân bằng”, “điều phối”, “bảo trợ” là điều kiện cần cho cân bằng quyền lực

[24] Rizal Sukma, “Welcoming the US back to Southeast Asia”, The Jakarta Post, tạihttp://www.thejakartapost.com, truy cập ngày 27/7/2009.

[25] Tác động của việc xây đập đối với các nước Hạ nguồn, theo Trung tâm Stimson, bao gồm: làm giảm số lượng và chất lượng nước (giảm phù sa), gián tiếp gây ngập mặn (do mực nước sông thấp hơn mực nước biển), xói lở, biến đổi hệ sinh thái, giảm sản lượng cá trị giá hàng tỷ đô la…

[26] Xem thêm phân tích về mối liên hệ giữa thuyết hiện thực và chủ nghĩa khu vực ở Đông Á của Yeo Lay Hwee,Realism and Reactive Regionalism: Where is East Asian Regionalism Heading? Singapore Institute of International Affairs, May 2005.

Nguồn