Thứ Ba, 27 tháng 12, 2011
Luận về bản tính thiện, ác
Những vụ tội phạm tầy trời xẩy ra liên tiếp trong thời gian gần đây, với sự gia tăng cả về tần suất lẫn mức độ tàn bạo, là những tiếng chuông báo động tình trạng suy đồi đạo đức và băng hoại lương tri trong xã hội. Đặc biệt, sự xuất hiện của những tội phạm cực kỳ bất nhân nhưng có gương mặt sáng sủa trí thức như Nguyễn Đức Nghĩa, có tuổi đời non choẹt như Lê Văn Luyện, có nghề nghiệp tử tế như cô giáo Nguyễn Thị Thuận, …buộc chúng ta phải xem xét lại vấn đề từ gốc rễ:
Bản tính con người là thiện hay ác?
Hơn 2500 năm trước, Khổng tử đã trả lời rành mạch: “Nhân chi sơ tính bản thiện” – Con người sinh ra vốn có bản tính thiện.
Nhưng hơn hai trăm năm sau, Tuân tử lại nêu lên học thuyết về “tính ác”, khẳng định bản chất con người là ác, vì ác nên mới cần phải giáo hoá.
Trên thực tế, học thuyết của Khổng tử đã thắng thế tại Đông phương. Trong mỗi người Việt Nam chúng ta, ít hay nhiều đều đã chịu ảnh hưởng của Khổng giáo (Nho giáo). Tuy nhiên, học thuyết của Sigmund Freud trong thế kỷ 20 về cái Eros và Thanatos lại phù hợp với tư tưởng của Tuân tử. Thậm chí trên thế giới ngày nay, đặc biệt tại Mỹ, nhiều dự án nghiên cứu tội phạm học chủ trương tìm kiếm gien tội phạm, tức là đang vô tình tìm cách xác minh luận điểm của Tuân tử bằng thực nghiệm.
Vậy đâu là sự thật? Học thuyết nào đúng?
Sống trong một nền văn hoá pha trộn ảnh hưởng của Nho giáo truyền thống với các trào lưu tư tưởng Tây phương hiện đại, nhiều người trong chúng ta dễ rơi vào tình trạng do dự nước đôi. Nhưng Francois Julien, một triết gia Pháp hiện đại, trong cuốn “Xác lập cơ sở cho đạo đức”[1], đề nghị phải có một câu trả lời dứt khoát.
Loạt bài “Luận về bản tính thiện/ác” là một cuộc lội ngược dòng lịch sử từ Sigmund Freud tới Tuân tử, Khổng tử, suy ngẫm những kiến giải sâu sắc của cổ nhân kết hợp với thực tiễn xã hội ngày nay để từ đó đi tới một câu trả lời dứt khoát về bản tính con người.
Bản năng vô thức Eros và Thanatos
Sigmund Freud (1856-1939) là một trong những nhà khoa học được liệt kê trong cuốn “On Giants’ Shoulders” (Đứng trên vai những người khổng lồ) của Melvyn Bragg, bên cạnh những tên tuổi vĩ đại khác như Archimedes, Galileo Galilei, Isaac Newton, Henri Poincaré, Albert Einstein.
Công lao chủ yếu của Freud là khám phá ra vô thức (unconsciousness) như tầng tư duy nền tảng định hướng mọi hành vi của con người.
Khám phá này được coi như một cuộc cách mạng trong nhận thức về bản chất của hành vi, bởi trước đó nền văn minh có xu hướng đề cao ý thức như phần tư duy chủ yếu của con người.
Con người luôn tin rằng mình hơn hẳn loài vật ở chỗ có ý thức. Ý thức là tầng tư duy vượt lên trên bản năng, kiềm chế bản năng. Loài vật hành động thuần tuý theo bản năng. Vì thế ý thức phải là tư duy đặc trưng của con người, chỉ loài người mới có. Ý thức là đặc ân của Thượng đế ban phát cho loài người.
Nhưng Freud kéo loài người về vị trí khiêm tốn hơn: tư duy chủ yếu quyết định hành vi thực ra không phải là ý thức, mà là vô thức.
Vô thức là gì? Đó là trạng thái tư duy dẫn tới những lời nói và việc làm mà không biết rõ mình đang nói gì, làm gì. Nói cách khác, đó là tình trạng tư duy theo bản năng, không có sự can thiệp của lý trí, hoặc lý trí quá yếu, không thể chế ngự hành vi.
Ngủ mê là một biểu hiện rõ nhất của vô thức. Có những người ngủ mê đang giải một bài toán rắc rối, tranh luận hung hăng, lập luận lộn xộn, vừa logic vừa phi logic. Có những giấc mơ kỳ lạ như giấc mơ của Mendeleev: nhờ ngủ mê mà khám phá ra Bảng nguyên tố tuần hoàn.
Mặc dù đến nay người ta chưa biết bản chất của vô thức là gì – một ẩn số vĩ đại của Tự Nhiên – nhưng sự tồn tại của vô thức là điều không ai còn tranh cãi. Freud khẳng định sự hiện hữu của vô thức, phân biệt nó một cách rành mạch với ý thức mà bao lâu trước đó người ta vẫn còn lẫn lộn. Ông nói: “Tinh thần, bất kể bản chất nó có thể là cái gì, bản thân nó là vô thức”[2]. Muốn tìm hiểu vô thức, hãy tìm hiểu các giấc mơ. “Giấc mơ thường sâu nhất khi nó điên rồ nhất”, Freud nói.
Tuy nhiên vô thức không chỉ hoạt động trong giấc mơ, mà hoạt động ngay cả khi ta tỉnh thức. Nói một cách bóng bẩy, nếu coi vô thức là “tư duy trong mơ” thì cuộc đời quả thật là một giấc mơ, một ảo mộng, một ảo ảnh, một kiếp phù du, một kiếp tạm bợ, … bởi vì theo Freud, vô thức choán hầu hết tư duy của con người. Vô tình, tư tưởng về vô thức của Freud đã giải thích thuyết vô minh của Phật giáo – con người chủ yếu sống theo bản năng nên nói chung là vô minh. Theo Phật giáo, ý nghĩa của kiếp sống là tu luyện để thoát khỏi vô minh (giác ngộ).
Một người suốt ngày chỉ biết tất bật chạy chợ làm ăn là một người tư duy chủ yếu bằng vô thức. Kiếm được nhiều tiền thì hỉ hả, không kiếm được tiền thì buồn lo, ấy là vô minh. Tuy nhiên, ngay cả những “bậc chữ nghĩa đầy mình”, bề ngoài ta tưởng họ tư duy chủ yếu bằng ý thức, nhưng thực ra phần lớn cũng hành động theo vô thức.
Chẳng hạn, một nhà khoa học tham gia vào việc sản xuất bom hạt nhân. Ông ta là một người có học, thừa trí tuệ để giải quyết những bài toán khoa học và kỹ thuật phức tạp, nhưng có thể hoàn toàn vô thức về ý nghĩa của công việc mình đang làm. Những khái niệm về đạo đức vốn thuộc về ý thức, nhưng không đủ mạnh để ngăn trở ông ta tham gia vào một công việc mang tính chất chống nhân loại. Khi ấy, cái vô thức hướng dẫn ông ta lao vào làm việc say mê. Sự hướng dẫn này có thể xuất phát từ những bản năng rất thô sơ – bản năng sinh tồn (kiếm tiền), bản năng bầy đàn (người khác làm thì mình cũng làm), bản năng phục tùng trong bầy đàn (làm theo sự chỉ huy của cấp trên), hay thậm chí cao cấp hơn là bản năng thoả mãn trí tò mò (bản thân trí tò mò vẫn chỉ là bản năng. Nếu nó dẫn tới một hành vi có lợi thì sẽ được gọi là khát vọng sáng tạo. Ngược lại thì không đáng được gọi như thế). Hãy suy ngẫm về trường hợp Werner Heisenberg[3], cha đẻ của Nguyên lý Bất định nổi tiếng trong Cơ học lượng tử, từng là Giám đốc chương trình chế tạo bom nguyên tử của Đức quốc xã trong Thế chiến II. Có vẻ như nghịch lý khi gán cho một nhà bác học xuất chúng như Heisenberg cái “tội” vô thức hoặc vô minh. Nhưng nếu không kết tội như thế thì chẳng lẽ nói rằng Heisenberg cam tâm phục vụ Hitler sản xuất bom nguyên tử là một hành động xuất phát từ ý thức hay sao? Điều đáng tiếc là cho đến nay giới học thuật khoa bảng vẫn né tránh việc nhắc đến sai lầm của Heisenberg. Có lẽ vì truyền thống trọng vọng những người tài giỏi uyên bác đã ngăn cản họ phê phán Heisenberg. Nếu vậy thì bản thân thói sùng bái này cũng là vô thức và vô minh.
Tất nhiên không phải nhà bác học nào cũng như Heisenberg. Albert Einstein là một tâm hồn nhân bản sâu sắc khi ông lên tiếng mạnh mẽ chống đối vũ khí hạt nhân. Nhưng có bao nhiêu nhà khoa học có tinh thần nhân bản mạnh mẽ như Einstein? Có bao nhiêu nhà khoa học có ý thức rõ ràng về công việc mình đang làm? Nếu tất cả các nhà khoa học đều có ý thức mạnh mẽ về lương tri thì tại sao thế giới lại hiện hữu một kho vũ khí hạt nhân khổng lồ đủ sức xoá sạch 6 lần bản đồ thế giới? Tại sao có vũ khí sinh học, hoá học? Tại sao có không biết bao nhiêu phương tiện huỷ diệt khác?
Vào thời của Freud, thế giới thô sơ hơn hiện nay rất nhiều, nhưng bản chất con người chẳng khác gì hôm nay. Freud nhìn thấu bản chất ấy và nhận ra hai xu hướng bản năng đối lập mà ông gọi là Eros và Thanatos[4]:
- Eros là một từ gốc Hy-Lạp, Ἔρως, được Freud sử dụng để biểu thị cái “libido” hoặc bản năng sống hướng tới thoả mãn các ham muốn dục vọng và sự sống còn. Ham ăn, ham uống, ham sắc dục, ham của cải vật chất, ham tiền bạc, ham danh lợi, … là những thứ ham muốn nằm trong cái Eros nói chung. Những ham muốn này là tự nhiên, xuất phát từ bản năng sinh tồn. Đối lập với bản năng sinh tồn là bản năng Thanatos.
- Thanatos cũng là một từ gốc Hy-Lạp, Θάνατος, dịch ra tiếng Anh là “death wish”. Freud sử dụng thuật ngữ này để chỉ trạng thái “muốn huỷ hoại” – một trạng thái tâm lý tiêu cực như muốn đập phá, huỷ hoại mọi thứ bất chấp cái chết để giải quyết những bế tắc, căng thẳng trong cuộc sống. Biểu lộ thấp nhất của cái Thanatos là thói tự ái, nóng giận, nổi khùng mà ai cũng có thể có. Rất nhiều đổ vỡ trong hôn nhân hay trong quan hệ giữa người với người nói chung xuất phát từ những cơn tự ái bất chấp. Đó là lúc bản năng Thanatos trỗi dậy, không thể kiểm soát. Sự ghen tức, đố kị dẫn tới hãm hại lẫn nhau là biểu hiện cao hơn của Thanatos. Thù oán, giận dữ đến mức giết hại đồng loại là biểu hiện tột cùng của Thanatos.
Cả hai bản năng nói trên không chỉ tồn tại trong từng cá thể, mà có thể tồn tại ngay cả trong một cộng đồng xã hội, tạo nên một xu thế sống trong cộng đồng đó. Những vụ tự tử tập thể là một bằng chứng. Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, bề ngoài được che đậy bởi mục tiêu tôn giáo, nhưng thực chất cũng là một biểu hiện của cái Thanatos lên tới cực điểm. Có thể chỉ ra hàng đống ví dụ khác để thấy vai trò của Thanatos tác động tiêu cực đến xã hội loài người như thế nào.
Tất nhiên bản năng vô thức bị kiềm chế bởi lý trí – ý thức làm cho con người hơn hẳn con vật. Nhưng khả năng kiềm chế của lý trí lớn đến đâu? Lý trí có thể chiến thắng bản năng Eros và Thanatos hay không? Đây chính là câu hỏi khó nhất và cũng là quan trọng nhất khi nhận định về tương lai của nền văn minh. Nếu lý trí thắng, nền văn minh sẽ tiến lên. Nếu bản năng thắng, nền văn minh sẽ sụp đổ.
Thực tế cho thấy tuỳ theo từng trường hợp, từng hoàn cảnh cụ thể, từng cá nhân mỗi con người hoặc từng xã hội, khả năng và mức độ kiểm soát của lý trí đối với bản năng Eros và Thanatos là khác nhau.
Những cá nhân như Nguyễn Đức Nghĩa và Lê Văn Luyện có lẽ thuộc loại thuần tuý bản năng. Trước khi thực hiện hành vi man rợ, chúng tính toán kế hoạch rất tỉ mỉ. Những kế hoạch này càng quỷ quái ranh ma bao nhiêu càng chứng tỏ cái bản năng Eros và Thanatos lớn bấy nhiêu.
Có những xã hội cũng hành động điên rồ như những cá nhân tội phạm. Chủ nghĩa quốc xã Đức là cái gì nếu không phải là một tập thể hành động theo cái Eros (tranh giành quyền lợi) và Thanatos (tiêu diệt người Do Thái, lập nên những trại tập trung, lò thiêu người, …). Những mồ chôn tập thể của Khơ-Me đỏ những năm 1970 hay của Gaddafi mới được phát hiện trong Tháng 9/2011 vừa qua là cái gì nếu không phải là kết quả của một nền chính trị bị chi phối bởi những con quỷ Eros và Thanatos?
Đôi khi những con quỷ ấy bị nguyền rủa như một thứ “bản năng dã thú” hay “bản năng súc vật”. Sự nguyền rủa này có phần oan uổng cho loài vật, vì thú dữ chỉ dữ khi chúng đói hoặc bị tấn công. Khi chúng được ăn no, chúng trở nên hiền lành đến mức có thể sai bảo. Đó là bí quyết của các môn xiếc động vật. Nói cách khác, bản năng của động vật là có giới hạn, và giới hạn này do Tự Nhiên quy định, đó chính là luật cân bằng sinh thái.
Chỉ có con người mới phá vỡ luật cân bằng sinh thái, đơn giản vì cái Eros và Thanatos ở con người không có giới hạn, đúng như ngạn ngữ Việt Nam đã nói: “Lòng tham không đáy!”. Thật vậy, cái Eros của con người vượt xa con vật. Đã có 1 tỷ đô-la lại muốn có 10 tỷ, bỏ ngoài tai lời tâm sự của Warren Buffet[5]: “Khi tôi đã có 1 tỷ, mọi đồng tiền kiếm thêm đều vô nghĩa”. Trong hơn 6 tỷ người trên trái đất, có bao nhiêu người thấm thía ý kiến của Honoré de Balzac trong “Tấn trò đời”: “Đằng sau những tài sản kếch xù đều là máu và nước mắt”? Bao nhiêu người lắng nghe Lão tử: “Hoạ mạc đại ư bất tri túc; cữu mạc đại ư dục đắc. Cố tri túc chi túc, thường túc hĩ” (Không cái hoạ nào lớn hơn là không biết tri túc; không sai lầm nào lớn hơn là tham lam. Cho nên kẻ biết cái đủ là đủ thì không bị nhục và bao giờ cũng thấy đủ)?[6]
Vì thế không ngạc nhiên khi thấy Sigmund Freud, ngay từ năm 1930, trong tác phẩm “Civilization and Its Discontents”[7] (Nền văn minh và sự bất mãn của nó), đã sớm có một cái nhìn đầy bi quan về mối quan hệ xung đột giữa nền văn minh với chính chủ thể sáng tạo ra nền văn minh đó: Nền văn minh muốn tiến lên để đem lại hạnh phúc cho con người, nhưng luôn luôn bị chệch hướng và thậm chí bị huỷ hoại bởi cái Eros và Thanatos.
Freud đáng được thông cảm, bởi ông đã chứng kiến cuộc Thế chiến I. Ở một mức nào đó, cảm nhận của ông về tương lai của nền văn minh nhuốm vẻ tiên tri – chưa bao giờ xã hội loài người lâm vào tình trạng mất cân đối nghiêm trọng như hiện nay: mất cân bằng sinh thái; chiến tranh khu vực; khủng bố; suy đồi đạo đức; khủng hoảng tội ác; đám mây hạt nhân treo lơ lửng trên bầu trời; bất công xã hội lên đến mức vô đạo (90% của cải vật chất tập trung vào 5% dân số thế giới, bất chấp ngót 1,5 tỷ người đang sống nghèo đói và bệnh tật); v.v.
Bình luận về vấn đề này, học giả David Peat viết[8]:
“Lý trí, cái vốn được coi là nền tảng chắc chắn của một xã hội, thực ra chỉ là bề nổi của một đại dương vô thức mênh mông – một tầng tâm lý nằm sâu bên dưới, ẩn giấu những khát vọng điên cuồng và những cơn bốc đồng thôi thúc. Sức mạnh của cái vô thức này thường xuyên đe doạ nổ tung trong cuộc sống tỉnh thức của chúng ta … Theo Freud, tình trạng căng thẳng này là không thể giải quyết được, do đó không bao giờ có thể có một xã hội thật sự lý tưởng, cũng như không bao giờ có một hạnh phúc và sự hài hoà thuần khiết của con người. Có lẽ đây là lý do căn bản để sự cùng khốn, bất công xã hội, và sự bất bình đẳng chính trị châm ngòi cho sự bùng nổ bạo lực và những căng thẳng xã hội. Tuy nhiên nguồn gốc sâu xa của những căng thẳng đó chính là cái Thanatos – trạng thái muốn huỷ hoại được phóng chiếu lên các quốc gia, các nhóm sắc tộc, và các cá nhân. Vì cái Eros và Thanatos không thể hoà giải được với nhau nên tội lỗi của con người và sự thiếu vắng của một hạnh phúc trọn vẹn là điều khó tránh. Tất cả mọi hình thái của nền văn minh, từ nền tảng cốt lõi của chúng, đã là một sự đối kháng đối với xu thế bản năng và khát vọng căn bản nhất của chúng ta”.
Đáng tiếc là Freud có một số quan điểm thái quá khi bàn đến bản năng dục vọng, vì thế số người chống đối ông không ít (bao gồm cả tác giả bài viết này). Cách nhìn bi quan của ông về con người và tương lai của nền văn minh cũng khiến một số người kết tội ông là hạ thấp gía trị của con người, thiên về cái xấu của con người thay vì đề cao giá trị của ý thức.
Tuy nhiên, sẽ có ý nghĩa tích cực nếu ta coi ý kiến của Freud như những lời cảnh tỉnh. Chẳng hạn, ông nói: “Cái tôi không phải là ông chủ trong căn nhà của chính nó” (The ego is not master in its own house), đại ý ông muốn nói: thay vì làm chủ được chính mình, con người chỉ là những tên nô lệ của bản năng mà thôi. Nhận định này có thể đúng với người này, sai với người khác. Nhưng người nào càng tự phụ cho rằng ý thức của mình mạnh hơn bản năng, người ấy càng có nguy cơ rơi vào cạm bẫy của bản năng nhiều hơn.
Cảm nhận bi quan của Freud về tương lai của nền văn minh có thể là sai, và mong rằng nó sẽ sai, nhưng đó là tiếng chuông cảnh báo để tất cả chúng ta phải tỉnh thức!
Ngày 01 tháng 10 năm 2011
[1] “Xác lập cơ sở cho đạo đức”, Francois Julien, bản dịch tiếng Việt của Hoàng Ngọc Hiến, NXB Đà Nẵng, năm 2000.
[2] Những ý kiến của Freud trích dẫn trong bài này có thể tìm thấy trên trang mạng:
http://www.brainyquote.com/quotes/authors/s/sigmund_freud.html
[3] Xem loạt bài “Chương trình chế tạo bom nguyên tử của Hitler” của Phạm Việt Hưng trên Khoa học & Đời sống từ 27/06/2005 đến 15/07/2005, hoặc trên các trang mạng: http://vietsciences.free.fr/ và http://viethungpham.wordpress.com/
[4] Eros và Thanatos là hai nhân vật đối lập trong thần thoại Hy-Lạp: Eros là vị thần của sắc đẹp, tình yêu nhục dục và sự sinh sản; Thanatos là thần chết.
[5] Đại tỷ phú Mỹ, tuyến bố sẽ hiến tặng hầu hết tài sản cho từ thiện sau khi ông mất. Ngay bây giờ ông đã hiến tặng một phần đáng kể tài sản. Ông kêu gọi các tỷ phú khác cũng làm như ông. Ông đang sống trong một căn nhà bình dân, đi một chiếc xe bình dân như mọi người bình dân khác.
[6] Đạo Đức Kinh, Lão tử, NXB Văn học, 2001, trang 58.
[7] Xuất bản lần đầu bằng tiếng Đức dưới tiêu đề “Das Unbehagen in der Kultur” (Sự bất ổn trong nền văn hoá), được xem là một trong những công trình quan trọng nhất và được phổ biến rộng rãi nhất của Freud.
[8] Xem “From Certainty to Uncertainty”, David Peat, Joseph Henry Press, Washington, D.C., 2002
© http://vietsciences.org và http://vietsciences.free.fr- Phạm Việt Hưng
Nguồn
Tình yêu, Giàu sang và Thành công
- Ông chủ có nhà không? - họ hỏi
- Không, chồng tôi đi làm rồi - bà trả lời.
- Thế thì chúng tôi không thể vào được.
Buổi chiều, khi chồng trở về, bà kể lại câu chuyện cho chồng nghe. Chồng bà muốn biết họ là ai nên bà ra mời ba người đàn ông - vẫn chờ từ sáng - vào nhà.
- Ba chúng tôi không thể vào nhà bà cùng một lúc được - họ trả lời.
- Sao lại thế? - người phụ nữ ngạc nhiên hỏi.
Một người giải thích: “Tên tôi là Tình yêu, ông này là Giàu sang, còn ông kia là Thành công. Bây giờ hai vợ chồng bà quyết định xem ai trong chúng tôi sẽ là người được mời vào nhà”.
Người phụ nữ đi vào và kể lại toàn bộ câu chuyện. “Tuyệt thật! - người chồng vui mừng - Đây đúng là một cơ hội tốt. Chúng ta hãy mời ngài Giàu sang. Ngài sẽ ban cho chúng ta thật nhiều tiền bạc và của cải”.
Người vợ không đồng ý. “Thế tại sao chúng ta lại không mời ngài Thành công nhỉ? Chúng ta sẽ có quyền cao chức trọng và được mọi người kính nể”.
Hai vợ chồng tranh cãi một lúc lâu mà vẫn chưa ai quyết định được. Cô con gái nãy giờ yên lặng đứng nghe trong góc phòng bổng lên tiếng đề nghị: “Chúng ta nên mời ngài Tình yêu là tốt hơn cả. Nhà mình tràn ngập tình thương yêu ấm áp và ngài sẽ cho chúng ta thật nhiều hạnh phúc”.
“Có lẽ chúng ta nên nghe lời khuyên của con gái - người chồng suy nghĩ rồi nói với vợ - Em hãy ra ngoài mời ngài Tình Yêu, đây chính là người khách chúng ta mong muốn”.
Người phụ nữ ra ngoài và hỏi: “Ai trong ba vị là Tình yêu xin mời vào và trở thành khách của chúng tôi”.
Thần Tình yêu đứng dậy và đi vào ngôi nhà. Hai vị thần còn lại cũng đứng dậy và đi theo thần Tình yêu.
Vô cùng ngạc nhiên, người phụ nữ hỏi: “Tôi chỉ mời ngài Tình yêu, tại sao các ông cũng vào? Các ông nói không thể vào cùng một lúc kia mà”.
Hai người cùng nhau trả lời: “Nếu bà mời Giàu Sang hoặc Thành Công thì chỉ có một mình người khách được mời đi vào. Nhưng vì bà mời Tình yêu nên cả ba chúng tôi đều vào. Bởi vì ở đâu có Tình yêu thì ở đó sẽ có Thành công và Giàu sang”.
Nguồn
Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011
Cuộc sống 250 triệu năm bị xóa sổ bằng ...núi lửa
Cập nhật lúc :10:33 AM, 23/12/2011
250 triệu năm trước khoảng 96% sinh vật biển và 70% sinh vật trên cạn bị xóa sổ, các nhà nghiên cứu tin rằng nguyên nhân là do việc hình thành các mỏ than rộng lớn đã tạo thành núi lửa.
Đại hạn hán đã diễn ra trong kỷ Permi (cách đây khoảng 299 triệu năm trước) đã gây ra sự tuyệt chủng của hàng loạt sinh vật. Các nhà nghiên cứu của Viện Hải dương học Scripps (San Diego, Hoa Kỳ) cho rằng, khi than củi bị vùi lấp, nó đã thải ra rất nhiều Dioxide Carbon khiến cho khí hậu quá nóng.
Núi lửa đã làm cho không khí trở thành “kẻ thù” của cuộc sống (Ảnh: Dailymail)
Từ đó, núi lửa đã được hình thành nhanh chóng tại Siberia (miền bắc nước Nga). Sự phun trào của chúng được coi là lớn nhất trong lịch sử với dòng dung nham chảy dài tới 2,7 triệu dặm vuông. Như vậy, nó đã hủy diệt cuộc sống
Hai bộ xương của loài động vật lưỡng cư Seymouria sống cách đây 299 triệu năm (Ảnh: Dailymail)
Darcy Ogden dẫn đầu nhóm nghiên cứu cho biết thêm, dung nham từ núi lửa đã đốt cháy lượng lớn than, và tạo ra lượng khí thải nhà kính lớn không thể tưởng tượng được. Hơn thế nữa, khí lưu huỳnh đã xâm nhập vào vi sinh vật tạo ra hydrogen sulphide (H2S) trong không khí, làm cho không khí đã nóng lại thêm độc.
Đến 200 triệu năm sau thì núi lửa vẫn đóng vai trò tiêu diệt cuộc sống một lần nữa. Hàng loạt núi lửa đã phun trào dung nham và làm đầy không khí bằng carbon dioxide khiến cho cuộc sống không thể tiếp tục trong 500.000 năm.
Nguồn
Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011
Sê-ri công trình kiến trúc 'cổ kính' nhất ở Sài Gòn
Nhà hát cổ nhất: Nhà hát lớn TP
Nhà hát lớn TP HCM (còn gọi là Nhà hát Tây) tọa lạc trên đường Ðồng Khởi, bên cạnh là hai khách sạn lớn Caravelle và Continental. Đây là nhà hát thuộc loại lâu đời nhất, do người Pháp xây dựng hoàn tất vào ngày 17/1/1900 và được xem như một địa điểm du lịch của thành phố.
Nhà hát lớn TP HCM. Ảnh tư liệu Tuy nhỏ và kém tráng lệ hơn Nhà hát lớn Hà Nội, Nhà hát TP HCM vẫn giữ riêng nét đặc thù có một không hai, mang đậm nét kiến trúc "flamboyant" và tác giả của nó là kiến trúc sư Félix Olivier, Ernest Guichard và Eugène Ferret.
Cửa mặt tiền của nhà hát chịu ảnh hưởng nghệ thuật khá rõ nét của Petit Palais xây dựng cùng năm tại Pháp. Với mái vòm lớn cùng những họa tiết tinh xảo trên khu vực cửa chính, còn có tượng hai nữ thần nghệ thuật tay cầm đàn Lyre được trang trí ở cổng lối vào nhà hát. Thiết kế bên trong tân tiến với đầy đủ thiết bị âm thanh và ánh sáng hiện đại.
Năm 1956, Nhà hát được dùng làm trụ sở Hạ nghị viện chế độ cũ; tháng 5/1975 trở thành Nhà hát Thành phố. Kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TP HCM, toàn bộ phần kiến trúc bên ngoài của nhà hát được phục chế lại như nguyên mẫu ban đầu. Ngoài tầng trệt, còn hai tầng lầu tổng cộng 1.800 chỗ ngồi.
Công trình Nhà hát lớn TP HCM hiện nay. Ảnh: internet Nếu trước đây, Nhà hát lớn Thành phố là nơi giải trí cho các nhân vật sang trọng của Pháp, thì nay là địa điểm quen thuộc của dân Sài Gòn. Hiện nay, nhà hát là nơi tổ chức biểu diễn sân khấu chuyên nghiệp như: biểu diễn kịch nói, cải lương, ca nhạc, múa balê, dân tộc, ôpêra cho tất cả các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước. Tại đây có thể tổ chức những buổi mít tinh, kỷ niệm những ngày lễ lớn, các hội thảo chuyên đề...
Ngôi chùa cổ nhất: Chùa Huê Nghiêm
Chùa tọa lạc ở số 208 đường Đặng Văn Bi, thị trấn Thủ Đức, huyện Thủ Đức, TP HCM; được Thiền sư Thiệt Thoại - Tánh Tường khai sơn vào thế kỷ XVIII. Nhìn bên ngoài, chùa Huê Nghiêm ngày nay mang dáng vẻ của ngôi chùa hiện đại, nhưng các gian phía trong, vẫn giữ nguyên kiến trúc cổ truyền.
Chùa Huê Nghiêm. Ảnh: Internet
Tên gọi Huê Nghiêm xuất phát từ việc lấy tên bộ kinh Huê Nghiêm đặt tên chùa. Lúc đầu, chùa xây ở vùng đất thấp, cách ngôi chùa hiện nay khoảng 100m. Về sau, bà Nguyễn Thị Hiên đã hiến đất để xây dựng lại ngôi chùa.
Tại đây còn lưu truyền câu chuyện kể về bà Nguyễn Thị Hiên như sau: khi bà Hiên sắp lâm chung, bà nhờ viết trên lòng hai bàn tay một câu bằng son đỏ: “Nguyễn Thị Hiên, làng Linh Chiểu Đông, Gia Định, chùa Huê Nghiêm, An Nam”. Năm 1821, hoàng hậu nhà Thanh (Trung Quốc) hạ sinh công chúa, trên lòng bàn tay hiện rõ những chữ bằng son đỏ hệt như ở lòng bàn tay bà Hiên. Sau đó, vua Thanh sai sứ sang Việt Nam và tìm đến chùa Huê Nghiêm để tìm xác nhận điều linh ứng trên. Sứ nhà Thanh xin trùng tu chùa và xây lại ngôi mộ cho bà Hiên, đồng thời cũng hiến tặng chùa một pho tượng quan âm bằng đồng, cao 80cm.
Lịch sử ghi rằng, chùa được trùng tu nhiều lần. Lần trùng kiến lớn nhất vào cuối thế kỷ XIX do Thiền sư Đạt Lý - Huệ Lưu (đời thứ 38 dòng Lâm Tế) tổ chức. Kiến trúc chùa hiện nay được thay đổi ở những lần trùng tu vào các năm 1960, 1969 và 1990, mang dáng dấp của một ngôi chùa hiện đại. Chánh điện chùa Huệ Nghiêm bài trí tôn nghiêm, trầm mặc. Chính giữa tôn trí bộ tượng Thích Ca Tam Tôn (Phật Thích Ca, Bồ tát Văn Thù, Bồ tát Phổ Hiền), ở phía trước điện thờ là thờ ba vị Di Đà Tam Tôn. Bên phải chánh điện là tượng Địa Tạng, còn bên trái là tượng Quan Âm. Trước hai tượng Địa Tạng và Quan Âm cũng ở hai góc bên trái, bên phải là hai tượng Hộ Pháp. Đặt trước chánh điện là tượng Di Lặc. Tất cả đều bằng gỗ. Có tượng bằng gỗ Gõ đỏ, có tượng bằng gỗ Giáng Hương bông, có tượng bằng cây Xuyên Mộc đều được tạo tác ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.
Chùa Huê Nghiêm đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam (Vietkings) công nhận là ngôi chùa có bộ cửa bằng gỗ lim khắc nổi bát bộ kim cương và thập nhị địa chi thần lớn nhất Việt Nam. Phật tử bước vào chiêm bái, nếu để ý sẽ nhận ra nét hoành tráng và đặc thù của bộ cửa mở vào chánh điện. Bộ cửa này dài 15,2m, cao 3,2m được làm bằng gỗ Lim (một loại thiết mộc) gồm 20 tấm. Trong đó, mỗi tấm cao 3,2m, ngang 0,76m. Ở hai ô cửa nằm về bên phải và bên trái của bộ cửa gồm 8 tấm khắc nổi Bát Bộ Kim Cương thì 12 tấm nằm nơi 3 ô giữa lại khắc nổi 12 vị thần biểu trưng cho Thập Nhị Địa Chi: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. 8 vị Kim Cương và 12 vị thần này được những người thợ khắc nổi ngay chính giữa của từng tấm với chiều cao 1,06m, ngang 0,45m.
Bộ cửa bằng gỗ Lim này được những người thợ thực hiện trong năm 2005, tạo nét điêu khắc công phu, điêu luyện, độc đáo nơi cửa Phật.
Nhà thờ cổ nhất: Nhà thờ chợ Quán
Nhà thờ Chợ Quán tọa lạc ở số 120 Trần Bình Trọng, phường 2, quận 5, TP HCM; mang kiến trúc theo kiểu Gothique, trải qua hơn 100 năm nhưng vẫn uy nghi, đồ sộ nhất khu vực chợ Lớn.
Nhà thờ chợ Quán. Ảnh: internet
Chợ Quán là một trong những họ Đạo lâu đời nhất của Tổng giáo phận TP HCM. Nơi đây đã xây dựng ngôi nhà nguyện đầu tiên vào năm 1674 do giáo dân từ miền Bắc, Trung vào xây dựng.
Sau nhiều lần xây lại nhà thờ, năm 1887, cha xứ Nicola Ham (Tài) khởi công xây dựng nhà thờ mới. Công trình này được khánh thành vào mùng 4 tết Bính Thân (1896) và tồn tại đến nay.
Khách sạn Continental, Nhà thờ Đức Bà, Bưu Điện Thành phố... là những công trình cổ kính nhất giữa lòng Sài Gòn - TP HCM tráng lệ và sôi động.
Khách sạn Continental Saigon
Tọa lạc ở số 132-134 Đồng Khởi (quận 1) - vị trí trung tâm thành phố với nhiều công trình kiến trúc trang nhã của Pháp, Khách sạn Continental Saigon thực sự mang đậm nét truyền thống độc nhất vô nhị của nét kiến trúc với lịch sử 121 năm. Đây là một trong những khách sạn cổ nhất tại Sài Gòn - TP HCM.
Khách sạn Continental Saigon xưa. Ảnh tư liệu
Khách sạn được xây dựng vào năm 1878 dưới thời Pháp thuộc, do ông Pierre Cazeau, một nhà sản xuất vật liệu xây cất và dụng cụ trong nhà làm chủ. Ông Cazeau muốn mở một khách sạn sang trọng để tiếp đón các du khách từ Pháp đến Sài Gòn sau một cuộc hải hành rất dài từ "mẫu quốc". Khách sạn khánh thành năm 1880.
Năm 1911, khách sạn được sang tên cho Công tước De Montpensier, rồi sau đó năm 1930, có chủ mới là Mathieu Francini, một gangster đảo Corse, điều hành trong suốt một thời gian dài cho đến ngày miền nam Việt Nam được giải phóng (1975). Thập niên 60 - 70, chính quyền yêu cầu các cơ sở kinh doanh ghi tên bảng hiệu bằng tiếng Việt, thì khách sạn được dịch ra thành Đại Lục Lữ quán.
Tuy nhiên, sự nổi tiếng của Khách sạn Continental Saigon không phải xuất phát từ các chủ nhân của nó, mà từ vị trí và những dấu ấn mà lịch sử đã lưu lại. Trước cuộc chiến tranhh Thế giới lần thứ hai, thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore (giải thưởng Nobel văn chương năm 1913), nhà văn lừng danh Andre Malraux, tác giả La condition Humaine (Thân phận con người 1933) từng lưu tại đây; nhà văn người Anh Graham Greene lưu trú dài hạn tại phòng 214 đã viết nên tác phẩm The Quiet American (Người Mỹ trầm lặng) về buổi giao thời giữa thực Dân Pháp và đế quốc Mỹ trong chiến tranh Việt Nam...
Không chỉ có thế, khách sạn còn tiêu biểu cho cả con đường Catinat (sau năm 1975, được đổi tên thành Đồng Khởi) với cụm từ Radio Catinat bởi đây là nơi tụ họp của giới báo chí truyền thông, những chính trị gia, doanh nhân bàn luận chuyện chính trường, chuyện làm ăn và thời cuộc, như: cựu Tổng thống Pháp Giscard D’Estaing, Thị trưởng Paris - cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac, cựu Thủ tướng Malaysia - ông Mohamad Mahathir, Tổng thống Thụy Sỹ, Bộ trưởng Ngoại giao Australia, diễn viên điện ảnh Nero, Catherine Deneuve, người mẫu Kate Moss... Vì lẽ thế, chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta nói: "Nếu những bức tường của Hotel Continental biết nói, chúng sẽ kể cho bạn rất nhiều điều".
Khách sạn Continental Saigon nay. Ảnh: Internet
Ngày nay, Khách sạn Continental vẫn giữ nguyên giáng vẻ thưở nào, duyên dáng và uy nghi. Gam màu trắng chủ đạo đã làm nổi bật sự thanh tao, quý phái và sang trọng của khách sạn cao 4 tầng, gồm 86 phòng đầy đủ tiện nghi và trang thiết bị hiện đại. Trong đó có 6 loại phòng là: Executive Suite, Continental Suite, Junior Suite, Oriental Suite, Deluxe & Superior. Nếu như du khách thích cảm giác ngắm nhìn màu xanh của khu vườn xanh thì có thể chọn phòng hướng vườn; còn nếu thích không gian náo nhiệt của thành phố nhộn nhịp thì có thể chọn phòng hướng phố...
Nhà thờ Đức Bà
Bên cạnh nhà thờ Chợ Quán được xây dựng vào năm 1674 thì nhà thờ Đức Bà được khởi công xây dựng ngày 7/10/1877 và khánh thành ngày 11/4/1880 - cũng được coi là công trình kiến trúc cổ kính nhất của TP HCM.
Theo dòng chảy lịch sử, vào tháng 8/1876, Thống đốc Nam kỳ Duperré đã tổ chức một kỳ thi vẽ đồ án kiến trúc nhà thờ Đức Bà (còn gọi là Nhà thờ Lớn). Vượt qua 17 đồ án thiết kế khác, đồ án của kiến trúc sư J. Bourad với kiến trúc theo kiểu Roman cải biên pha trộn nét Gotich đã được chọn, với tổng chi phí xây dựng, trang trí nội thất ước tính 2.500.000 franc Pháp theo tỷ giá thời bấy giờ.
Năm 1895, nhà thờ xây thêm hai tháp chuông, mỗi tháp cao 57,6 m và hai tháp có 6 chuông đồng lớn nặng 28,85 tấn. Trên đỉnh tháp có đính một cây thánh giá cao 3,50 m, ngang 2 m, nặng 600 kg. Tổng thể chiều cao từ mặt đất lên đỉnh thánh giá là 60,50 m.
Nhà thờ Đức Bà. Ảnh: Panoramio
Nhìn từ bên ngoài, toàn bộ nhà thờ từ mái đến tường là một màu đỏ gạch nung. Đặc điểm của loại gạch và ngói xây dựng nhà thờ là giữ nguyên màu từ ngày xây dựng đến nay và không hề đóng rêu mốc. Bên trong nhà thờ khá rộng, có sức chứa 1.200 người, với hai hàng cột chính hình chữ nhật mỗi bên sáu chiếc (tổng cộng 12 chiếc) tượng trưng cho 12 vị thánh tông đồ. Ngay sau hàng cột chính là một hành lang có khá nhiều khoang có những bàn thờ nhỏ (hơn 20 bàn thờ) với các bệ thờ và tượng thánh nhỏ làm bằng đá trắng khá tinh xảo. Chưa kể, trên tường được trang trí nổi bật là 56 cửa kính mô tả các nhân vật hoặc sự kiện trong Thánh kinh, 31 hình bông hồng tròn, 25 cửa sổ mắt bò bằng kính nhiều màu ghép lại với những hình ảnh rất đẹp.
Hiện, nhà thờ Đức Bà trở thành một công trình tiêu biểu cho không gian đô thị cả vùng trung tâm Sài Gòn và do đó ý nghĩa về mặt biểu tượng nhiều khi còn vượt trên cả ý nghĩa công năng của nó. Dù không thành văn, người dân Sài Gòn và cả du khách đến thăm thành phố đều công nhận nhà thờ Đức Bà là ngôi thánh đường đẹp nhất và quan trọng nhất của giáo phận Sài Gòn, là niềm tự hào của người dân thành phố. Thậm chí, nhà thờ trở thành một điểm lý tưởng của những cặp uyên ương đánh dấu cho một cuộc sống mới.
Bưu điện Thành phố
Bưu điện trung tâm TP HCM có địa chỉ số 2, đường Công Xã Paris. Đây là tòa nhà được người Pháp xây dựng với phong cách chiết trung trong khoảng 1886 - 1891 theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Villedieu cùng phụ tá Foulhoux; là công trình kiến trúc mang phong cách châu Âu kết hợp với nét trang trí châu Á.
Bưu điện Sài Gòn xưa. Ảnh tư liệu
Vẻ đẹp độc đáo của toà nhà Bưu điện Thành phố càng được tôn lên vì trước mặt nó có một công trình lộng lẫy là Nhà thờ Đức Bà với tháp chuông cao vút. Tòa nhà nổi bật với sự bố cục cân đối của các hạng mục công trình mang tính thẩm mỹ cao. Các chi tiết cân đối, chia đều ra hai bên, đối xứng nhau qua một "trục" trung tâm. Mặt tiền có kết cấu hình khối, với vòm cung phía trên các cửa. Hệ thống cột, trụ chính, phụ, mái hiên đều có kết cấu hình khối vuông. Trên mỗi đầu trụ, cột được chạm khắc hoa văn, phù điều công phu, tỉ mỉ. Ở mặt tiền tòa nhà có hệ thống đường viền, đường chỉ là những chuỗi hoa văn chạy ngang, tạo nên vẻ đẹp, sự cân đối và làm cho tòa nhà có vẻ như không cao lắm.
Bên trong tòa nhà là hệ thống vòm cung sát cửa chính và vòm cung dài bên trong. Vòm cung lớn được chống đỡ bởi bốn trụ sắt nằm bốn góc, mỗi cột chống đỡ bốn kèo sắt tỏa ra bốn phía. Vòm cung dài được chịu lực bởi hai hàng trụ sắt hai bên. Các điểm tiếp nối giữa trụ và kèo sắt được thiết kế công phu, chạm khắc thành những chi tiết có hoa văn đẹp. Với hệ thống vòm cung này, tòa nhà trở nên cao, rộng rãi và thoáng mát, thích hợp với một nơi thường có nhiều người ra vào.
Ngoài ra, trên vòm mái trong tiền sảnh của toà nhà có hai bản đồ lịch sử Saigon et ses environs 1892 và Lignes télegraphiques du Sud Vietnam et du Cambodge 1936.
Bưu điện trung tâm TP HCM ngày nay. Ảnh: Panoramio
Hiện nay, xung quanh tòa nhà Bưu điện trung tâm TP HCM còn có thêm một số công trình kiến trúc làm kho tàng, lắp đặt những máy móc, thiết bị bưu điện truyền tin hiện đại…
Nguồn
Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2011
Chuyện tình qua tiểu thuyết Kim Dung Tác giả: Hồng Hạc
Kỳ 6: Mấy ai học được chữ ngờ ?
Không ngờ:
Ném khỏi tam thiên
cả trái núi lớn,
nhưng bồng bóng mình
bồng mãi không lên.
Chẳng ai ngờ vương phi Đao Bạch Phượng, một phu nhân cao quý "kiều diễm như một đóa sơn trà" lại ngã vào vòng tay một gã ăn mày hôi hám, người đầy vết thương và ruồi nhặng như Đoàn Diên Khánh.
Duyên do cũng vì ghen với chồng là Đoàn Chính Thuần, có số đào hoa với quá nhiều người tình, mà ra. Nàng oán hận, lẩm bẩm một mình như nói với chồng: "Ta đã tha thứ cho ngươi hết lần này đến lần khác, bây giờ không thể tiếp tục tha thứ nữa. Ngươi có lỗi với ta, ta cũng sẽ có lỗi với ngươi. Ngươi đi tìm người khác, ta cũng sẽ đi tìm người khác (…). Ta nên tìm một kẻ xấu xí, ô uế nhất thiên hạ để hiến thân. Ngươi là Vương gia, là Đại tướng quân, ta lại càng nên đối xử tốt với gã hành khất bẩn thỉu này" (1). Rồi nàng không nói gì, dưới gốc bồ đề chùa Thiên Long "từ từ trút bỏ y phục, đến trước mặt Đoàn Diên Khánh, chui vào lòng lão, đưa hai cánh tay như hoa như ngọc quàng lấy cổ lão (…). Nữ lang áo trắng đứng dậy lâu rồi, Đoàn Diên Khánh vẫn còn tưởng mình nằm mơ, chẳng hiểu chuyện thật hay giả. Thần trí lão vẫn hồ đồ, nghĩ rằng đây là Bồ Tát giáng trần. Mũi lão vẫn còn phảng phất ngửi thấy mùi hương nhẹ nhàng của nàng. Lão nghiêng đầu đi, lấy tay viết xuống đất bảy chữ: “Nàng là Quan Thế Âm tóc dài?". Lão viết bảy chữ này để hỏi nữ lang, thấy nàng gật gật đầu, rồi đột nhiên, mấy hạt châu nhỏ xuống bên dòng chữ. Không hiểu đó là nước mắt của nàng hay nước cam lồ của Quan Âm vẩy ra" (2).
Cái chẳng ai ngờ nữa, là gã ăn mày Đoàn Diên Khánh kia lại là hoàng thái tử của nước Đại Lý, do một biến loạn ở triều đình, đã phải lao vào gió bụi. Sau nhiều chuyện không may khác, y lê tấm thân tàn tạ, cố vươn lên. Nhưng những bi đát ngày càng bủa vây. Y lại càng vùng vẫy, trở thành đệ nhất ác nhân giang hồ. Nhưng khi sắp xuống tay giết Đoàn Dự, y bỗng nghe tiếng Đao Bạch Phượng ngâm nga: Ngoài chùa Thiên Long. Dưới gốc bồ đề. Hành khất phương xa. Quan Âm tóc dài, thì nghĩ đến chuyện cũ năm xưa, lúc tình cờ được vương phi hiến thân, rồi biết Đoàn Dự là con mình...
Những cái không ngờ vẫn đầy dẫy. Anh hùng hảo hớn như Kiều Phong có lúc phải khóc vì "ngày mình lên kế vị Bang chúa, ân sư lại ngấm ngầm viết đạo huấn dụ (về trường hợp nếu Kiều Phong thân Liêu phản Hán, giúp Khất Đan để hiếp đáp Đại Tống thì phải lập tức hạ sát ngay)"(3). Hoặc những chuyện bất ngờ xảy đến mà ngay cả người thọ nhận không hề biết trước. Như Lệnh Hồ Xung lúc võ công đột biến lên mức thượng thừa "người còn lơ lửng trên không, thừa thế rút trường kiếm ở sau lưng tiện tay phóng ra. Cổ tay chàng vừa rung động đã nghe đánh "cách" một tiếng. Thanh trường kiếm tra vào vỏ rồi, chân trái chàng cũng vừa chấm đất. Chàng ngẩng nhìn lên thấy năm chiếc lá liễu ở trên không đang từ từ bay xuống. Nguyên vừa rồi chàng phóng nhát kiếm đó dĩ nhiên đã phân biệt đâm trúng vào năm cuống lá liễu", Lệnh Hồ Xung lại rút kiếm khoa thành một đường hình cánh cung "kiếm quang vừa lấp loáng lóe mắt, năm chiếc lá liễu đều đã thu vào trên mặt lưỡi kiếm" (4).
Kiếm pháp tuyệt diệu như thế thật "khó hiểu khó tin". Như có bạn đọc trách tác giả "bịa đặt ghê gớm quá". Chỗ này, Vương Trí Nhàn viết: "lối thưởng thức văn chương trong sự ràng buộc với cái thực đã thâm căn cố đế ở nhiều người, và suy nghĩ về vấn đề này người ta thường vẫn bị các bậc thầy của văn học phương Tây ám ảnh. Rằng, tác phẩm này diễn tả thành phố Paris đúng đắn từng chi tiết. Rằng, trong tác phẩm kia, có những tài liệu có thể dùng làm dữ kiện tham khảo cho các nhà nghiên cứu kinh tế. Kể ra, đó cũng là những nhận xét xác đáng, có điều, nếu coi đó là phương hướng duy nhất để văn học đi theo thì không đúng" (5). Khó tìm ra những cái "duy nhất" làm mẫu mực cho các loài. Hoa, cũng có hoa cúc, hoa kim ba tuần. Người, cũng có người thiện, kẻ ác. Cái thiện là đáng quý. Cái ác đương nhiên phải bị bài trừ, lên án. Song cũng đừng đẩy cái ác đến mặt đối lập tuyệt đối với những tiêu chuẩn của cái thiện. Mà đặt nó trong bối cảnh xuất phát các hành vi để xem xét và hóa giải nó. Nên con đường trung đạo cuối cùng đã thức tỉnh bước chân của Tạ Tốn vốn để về lại chân tâm của mình sẵn có, chứ không phải bắt đầu học những bài vỡ lòng trong các giáo điều, văn tự. Vì dù học nghìn pho kinh con người vẫn không thể thuộc làu làu trôi chảy, chính xác bằng một máy ghi âm. Nhưng máy ghi âm dẫu in tám vạn bốn nghìn pháp môn của ba nghìn thế giới vẫn mãi mãi không thể biến thành người, huống hồ thành bậc vô sư. Những bức thư tình hay nhất thế giới cũng không thể giúp một trái tim tan vỡ trở nên lành lặn. Chúng có giá trị thực sự trong đời sống chỉ khi được sử dụng như thế nào để góp sức mở cửa một tâm hồn. Do vậy cần có những tác duyên sống động ngoài văn tự, giáo điều, như tiếng trẻ khóc trên hoang đảo, tiếng gọi cha đằm thắm bất ngờ, hoặc tiếng một người phụ nữ cất lên đúng lúc, một cành cây gãy, một đóa hoa rơi, một tiếng hét, một tách trà bị đánh vỡ, hoặc đôi khi - một niềm im lặng miên man...
Người ta yêu nhau cũng vậy. Những tác duyên lặng lẽ đưa họ bước vào thế giới của "hai người". Những cuộc chia ly của họ có thể được hẹn hò gặp gỡ ở một nơi khác, xa hơn mặt đất này. Ngược lại, dầu ở mặt đất, những người không biết yêu khó mà biết sống như Đỗ Long Vân viết: "Cái tên Bất Hối mà Kỷ Hiểu Phù đã đặt cho đứa con hoang của mình có lẽ đã đánh dấu trang sử diễm lệ nhất của võ lâm và có lẽ Mộ Dung Phục sẽ bị trừng trị đến hóa điên, không phải vì tham vọng của chàng quá lớn, mà tại vì chàng là nhân vật rất hiếm của Kim Dung đã không biết thế nào là tình yêu".
---------------------
* (1) và (2): Thiên long bát bộ, Kim Dung. Đông Hải dịch, NXB Văn học, Hà Nội 2003.
* (3) và (4): Hàn Giang Nhạn tiên sinh dịch. Xin lưu ý, những câu trích từ Cô gái đồ long trong các bài trước là theo bản dịch của Từ Khánh Phụng, không phải của Hàn Giang Nhạn như chú thích ở kỳ 1 của loạt bài.
* (5): Kim Dung - tác phẩm và dư luận (nhiều tác giả). Trần Thức sưu tầm và tuyển chọn, NXB Văn học và Công ty Văn hóa Phương Nam ấn hành, 2001.
Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011
Chuyện tình qua tiểu thuyết Kim Dung-Kỳ 5
Kỳ 5: Lăng Sương Hoa: sống và chết bên hoa
Sớm nhìn hoa nở
Tối mơ thấy người
Mỗi đóa hoa tươi
Một vời vợi nhớ
Đến như hoa có mặt suốt cuộc tình của Lăng Sương Hoa, với ý nghĩa và vị trí đặc biệt "thăng hoa" trong tiểu thuyết Liên thành quyết, ngay từ buổi "khai hoa" của mối tình giữa nàng với giang hồ khách Đinh Điển.
Ở đó, hoa đã thay mặt nói lên tiếng nói nhớ thương của người tình ngoài cửa ngục, gửi đến người yêu bị xiềng xích bên trong. Rồi hoa lặng lẽ thở dài bên tro xương tàn tạ của hai người trong đoạn cuối. Mở đầu, họ gặp nhau trong một hội hoa. Đinh Điển trao hoa cho Lăng Sương Hoa và bảo hoa đó rất lâu tàn: "mỗi lần ngắm hoa hãy kể như có Đinh Điển trước mặt". Tuy muốn mãi gần người tặng hoa, như màu hoa và cánh hoa không tách rời nhau, nhưng tri phủ Kinh Châu Lăng Thoái Chi, cha của Lăng Sương Hoa, ngăn cấm, chia cách họ. Vì dưới mắt ông, Đinh Điển thuộc hàng giang hồ trôi giạt như mây, không xứng với Lăng Sương Hoa là tiểu thư, hoa khôi vùng Vũ Hán. Nghe tin Đinh Điển nắm bí mật của kho tàng mà mình đang ham muốn, tìm kiếm, tri phủ họ Lăng mời Đinh Điển đến để bàn chuyện tác hợp mối duyên với con gái mình, nhưng thật ra ông ta đã dùng hoa độc làm thuốc mê bắt giam Đinh Điển, tra tấn hòng chiếm đoạt Liên thành quyết để giải mã bí ẩn về kho tàng và môn Thần chiếu công. Đinh Điển nhìn qua cửa ngục thường ngày thấy hoa trên cửa phòng của tiểu thư Lăng Sương Hoa vẫn tươi, biết là hoa ấy tươi vì mình, nở cho mình, là tín hiệu tình yêu không tàn của nàng. Đoạn này, Huỳnh Ngọc Chiến liên tưởng khá thú vị: "Cảnh đưa tin của Đinh Điển và Lăng Sương Hoa giống như anh chàng Hời trong chuyện Tô Hoài. Một người ngồi dệt vải, khi nghe mùi hương thoang thoảng lan trong cảnh đêm thanh tĩnh của cánh hoa lài ném qua cửa sổ, là biết đã đến giờ hẹn với người yêu" và "chỉ có một sự hòa điệu của cung bậc tri âm trong tình yêu chân chính mới có thể giúp người con gái xinh đẹp (Lăng Sương Hoa) làm một điều mà cả thượng đế cũng phải bàng hoàng", đó là hủy hoại nhan sắc, trở nên xấu xí, để không ai muốn cầu hôn nữa và giữ chung thủy với Đinh Điển đến chết trong sầu muộn. Đinh Điển được thả khỏi nhà giam đến bên quan tài của nàng vốn đã bị tri phủ họ Lăng dùng chất độc của hoa kim ba tuần rải lên. Đinh Điển chết, tro tàn được hợp táng cùng mộ nàng Hoa. Có thể nói, chuyện tình này là một trong những chuyện lãng mạn đậm đà mà Kim Dung đã viết và đem vào thế giới võ hiệp của ông mùi hương của một loài "hoa tình yêu" mới, nhưng vẫn mang cái tên khai sinh thanh khiết và quen thuộc đặt cho người là: Hoa.
Những chuyện tình như vậy trong thế giới võ hiệp Kim Dung đến với bạn đọc Việt Nam khá sớm. Cuối những năm của thập niên 1960, đã có một số tác giả như Đỗ Long Vân, Bửu Ý hoặc Bùi Giáng viết về Kim Dung qua các bài phê bình, sáng tác của mình. Trong đó, nhận định về chữ Tình (và các đề tài triết học, văn học khác) trong tác phẩm Kim Dung đến nay vẫn được nhiều bạn đọc tâm đắc, là của nhà nghiên cứu Đỗ Long Vân với Vô Kỵ giữa chúng ta (viết cách đây hơn 38 năm, NXB Trình Bày 1967). Theo đó, các nhân vật của Kim Dung đã thường xuyên tự tra vấn, xét lại những thành kiến và những quyết định mà họ trót bị cột chặt vào đó, cho nên "người nào cũng có một đời sống bên trong sôi động". Và bên ngoài cái phong cách tàn bạo giang hồ thì "nhân vật nào trong Kim Dung lại không đa sầu, đa cảm và đa tình?". Như Hoàng Dược Sư thủy chung với người vợ sớm qua đời đã "cất tiếng sáo trên nước biếc, một mình một chiếc thuyền, ông đi khắp bốn bể tìm con".
Từ đề dẫn trên, Đỗ Long Vân viết: "Cái tình là tiếng nói của cái phần sâu xa nhất trong mỗi người", tuy cái tình đó khó biểu lộ và khá lạnh lùng giữa quan hệ của "các vai trò xã hội" nhưng nó lại bùng phát tự nhiên, ấm áp, hoặc nóng bỏng một khi "hai nhân vật khám phá ra nhau". Ví dụ khi Trương Thúy Sơn thuộc danh môn chánh phái Võ Đang thấy rằng Hân Tố Tố "không giống hẳn cái ảnh tượng mà ba tiếng nữ ma đầu gợi ra trong đầu chàng thì cái tình giữa hai người đã bắt đầu". Điều khác nơi các nhân vật của Kim Dung so với chuyện võ hiệp cổ điển là họ dám phá vỡ những khuôn khổ chật hẹp của các quan niệm cũ. Trước họ, chữ Tình "chỉ định một tương quan ngoại tại, ước lệ và trừu tượng, quy định bởi thứ bậc xã hội và những tiêu chuẩn đạo lý" nên khó có mối tình nào nảy nở đơm bông giữa hai người Tà môn và Chính giáo. Đến Kim Dung "cái tình là tinh hoa của năng tính" có sức mạnh chuyển hóa các mâu thuẫn nội tại cũng như những "giới hạn giả tạo" do con người đặt ra ngoài xã hội. Cái tinh hoa đó tự phát tiết mang lại những sắc thái của tình yêu mà Đỗ Long Vân đúc kết như sau: "Tri kỷ như giữa Hoàng Dung và Quách Tĩnh, thần tiên như giữa Dương Qua và Tiểu Long Nữ, ác độc như giữa Du Thản Chi và A Tỷ. Có những mối tình trưởng thành trong sự chia sẻ những nguy hiểm và gian khổ chung, và những mối tình như của Hân Ly với Vô Kỵ kết tinh từ một kỷ niệm nhỏ thuở thiếu thời. Lại có những mối tình sét đánh, như Đoàn Dự vừa trông thấy Vương Ngọc Yến là tưởng như tất cả những nhan sắc khác đều bị xóa nhòa. Những người yêu thì có kẻ đào hoa như Đoàn Chính Thuần, phụng hiến như Đoàn Dự, ngây thơ như Hân Ly, đau khổ như Chu Chỉ Nhược, dịu dàng như A Chu, nhưng người nào cũng yêu đắm đuối như đã gặp trong người mình yêu một cái gì không thể gặp được lần thứ hai ở trên đời". Tới đây chúng ta hãy đến với mối tình nở hoa giữa Dương Qua và Tiểu Long Nữ. Kết quả của mối tình này khác hoàn toàn với mối tình sầu muộn của Lăng Sương Hoa viết ở đầu bài. Tiểu Long Nữ là người dạy võ nghệ cho Dương Qua nên đứng về vai vế là sư phụ của Dương Qua. Vì thế trong khuôn khổ trật tự truyền thống, hai người không thể "yêu nhau" được... Nhưng họ đã vượt qua rào cản đó để đến với nhau. Tình yêu của họ nảy mầm từ một thế giới cách biệt với người đời - hồn nhiên như mây gặp gió trên trời. Như Tiểu Long Nữ từ trong cổ mộ bước ra và Dương Qua từ cõi mồ côi vắng vẻ đến gặp nàng. Khi Tiểu Long Nữ bị kẻ khác chiếm đoạt trinh tiết, Dương Qua không coi đó là hố sâu ngăn cách. Khi Dương Qua bị chém cụt cánh tay, thành tàn tật, Tiểu Long Nữ không bị ám ảnh bởi "khiếm khuyết" đó của người yêu. Họ sẵn sàng đổi sinh mạng của người này cho sự sống người kia. Suốt 16 năm xa cách, lúc nào họ cũng nghĩ đến nhau. Gặp lại bên bàn tiệc của Cái bang, trước mặt đông đảo giới giang hồ, họ vẫn ngồi kề bên nhau chuyện trò, thắm thiết. Vượt qua những cái nhìn khắt khe, không ám ảnh bởi sự thất tiết, tật nguyền, được thử thách bởi sự phân ly, sinh tử, để cuối cùng họ sống bên nhau, thiết lập "một cõi riêng" bềnh bồng trong thế giới đầy định kiến của con người. Chuyện tình của họ đến nay vẫn được nhắc đến bởi nhiều cây bút Việt Nam. Những năm gần đây, đã xuất hiện thêm các chuyên luận, bài viết và bản dịch của các tác giả: Ông Văn Tùng, Cao Tự Thanh, Phạm Tú Châu. Vũ Đức Sao Biển, Lê Khánh Trường, Huỳnh Ngọc Chiến, Nguyễn Thị Bích Hải... Trong đó Ngoài trời lại có trời của Vương Trí Nhàn gợi mở "một cách nhìn khác xưa" như thế nào về tiểu thuyết Kim Dung?
Hồng Hạc
Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011
Kahlil Gibran - Ðừng hỏi đất nước có thể làm gì cho bạn
Kahlil Gibran | |
Nguyễn Ước dịch Lời người dịch: Trên vách nhà của nhiều người Mỹ có treo tấm lắc ghi câu cố Tổng thống John F. Kennedy kêu gọi đồng bào Hoa Kỳ của ông và các công dân thế giới, trong diễn văn nhậm chức ngày 20.1.1961: “Ask not what your country can do for you, but ask what you can do for your country.” (Ðừng hỏi đất nước có thể làm gì cho bạn, mà hãy hỏi bạn có thể làm gì cho đất nước.) Lời phát biểu bất hủ ấy lần đầu tiên xuất hiện trong một bài thơ xuôi của Kahlil Gibran, viết bằng tiếng Arập, khoảng thập niên 1920, mà nhan đề của nó, theo Joseph Sheban, có thể dịch sang tiếng Anh là The New Deal(Đối xử mới) hoặc The New Frontier (Biên cương mới). Kahlil Gibran (1883-1931) là thi sĩ và họa sĩ người Mỹ gốc Liban. Cùng gia đình di dân sang Gibran để lại hàng trăm bức họa và khoảng 30 tác phẩm viết bằng tiếng Arập hoặc tiếng Anh. Với cung giọng ngôn sứ đầy chất thơ, tác phẩm của Kahil Gibran như một dòng chảy tổng hợp các suối nguồn Do thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo. Các bài trường đoản cú hay các bài thơ xuôi của ông cao nhã, ngôn từ trang trọng, với hình ảnh con người hướng thượng, chiêm nghiệm, và dấn thân, kèm theo những cái nhìn thấu suốt vào các chủ đề của cuộc sống, được diễn tả bằng thuật ngữ tâm linh. Tuyệt phẩm The Prophet (Ngôn sứ) của Gibran xuất bản lần đầu năm 1923, được dịch ra hơn 20 thứ tiếng và là một trong các sách bán chạy nhất tại Mỹ trong thế kỷ 20. The Prophet gồm 26 tiểu luận bằng thơ xuôi, ứng xử chuyên biệt với các chủ đề trong cuộc sống. Nó đặc biệt nổi bật trong thập niên 1960 với hai trào lưu Thời đại Mới (New Age) và Phản Văn hóa (Counter-culture), đồng thời tinh thần Biên cương mới góp phần tạo cảm hứng cho các phong trào thiện nguyện viên quốc tế, các tổ chức bất vụ lợi (NGO) hoạt động văn hóa, xã hội, y tế… trên khắp thế giới. Với Kahil Gibran, “Lịch sử chỉ lặp lại chính nó trong tâm trí những kẻ không biết lịch sử” (History does not repeat itself except in the minds of those who do not know history), và “Một nửa những gì tôi viết là vô nghĩa, nhưng tôi nói nửa ấy ra để nửa kia có thể với tới bạn” (Half of what I say is meaningless, but I say it so that the other half may reach you). Một số câu truyện và bài viết của Gibran bảy tám chục năm trước đã thuộc về lịch sử, nhưng một số khác vẫn mang tính đương đại, vượt thời gian và thích hợp với hoàn cảnh chính trị và văn hóa thời nay, trong đó có thể kể luôn cả Việt Nam. Có lẽ nhờ thế từ sau khi Gibran qua đời, ảnh hưởng của ông ngày càng lan rộng từ lãnh vực hội họa, triết học, văn học cho tới môi sinh, tại các đại học Hoa Kỳ và Trung Ðông, Unesco, các giải thưởng quốc tế mang tên ông… Tại Nam Việt trước năm 1975, có ít nhất năm tác phẩm của Kahil Gibran được dịch ra tiếng Việt và xuất bản. Cuốn The Prophet có hai bản dịch: Kẻ tiên tri và Mật khải. Bài thơ xuôi dưới đây dịch từ bản tiếng Anh của Joseph Sheban, trích từ cuốn A Third Treasury of Kahlil Gibran (Một kho tàng thứ ba của Kahlil Gibran) do Andrew Dib Sherfan biên tập và giới thiệu, Nxb The Citadel Press, Secaucus, New Jersey, HK, tái bản lần thứ ba năm 1975, tt. 52-57. ______________ Biên cương mới Kahlil Gibran Ở Trung Ðông ngày nay có hai ý tưởng cũ và mới đang thách thức nhau. Những ý tưởng cũ rồi sẽ biến mất vì chúng yếu ớt và kiệt quệ. Ở Trung Ðông đang có cơn bừng tỉnh xem thường những giấc ngủ say. Cơn bừng tỉnh này sẽ lướt thắng vì mặt trời là thủ lãnh và bình minh là đạo binh của nó. Trên các cánh đồng Trung Ðông, nơi bao la đất nghĩa trang, đứng lên tuổi trẻ của mùa Xuân, cất lời kêu gọi những ai cư ngụ trong mộ đá hãy trỗi dậy và tiến về những biên cương mới. Khi mùa Xuân ngân lên nhịp điệu của nó cũng là lúc thần chết vươn vai, trải tấm vải liệm và cất bước chân đi. Nơi chân trời Trung Ðông cơn bừng tỉnh mới đang dâng cao và trải rộng, chạm tới và bao phủ mọi linh hồn mẫn tuệ và nhạy cảm, thấm sâu và thu phục thiện cảm của những con tim cao nhã. Trung Ðông ngày nay có hai chủ nhân. Một là người quyết định, ra lệnh và được vâng lời; nhưng kẻ đó đang lâm vào thời điểm tử vong. Còn chủ nhân kia dù im tiếng tuân giữ luật lệ và trật tự, trầm lặng trông chờ công lý; nhưng là người khổng lồ đầy quyền năng, biết rõ sức mạnh của mình, tự tin vào sự hiện hữu của mình và tin tưởng định mệnh của mình. Ở Trung Ðông ngày nay, có hai loại người: một của quá khứ và một của tương lai. Bạn là con người nào trong hai loại đó? Hãy tới sát bên tôi để tôi nhìn bạn, và hãy cho tôi được bảo đảm, bằng diện mạo và hạnh kiểm của bạn, rằng bạn là người cất bước tiến về nơi ánh sáng hay là kẻ đang đi vào chốn tối tăm. Hãy tới kề bên tôi, nói cho tôi biết bạn là ai và bạn làm gì. Có phải là bạn là kẻ làm chính trị đang hỏi đất nước có thể làm gì cho bạn, hay bạn là người nhiệt tình đang hỏi bạn có thể làm gì cho đất nước? Nếu là kẻ thứ nhất, thế thì bạn là ký sinh trùng; nếu là người thứ hai, thế thì bạn đang là ốc đảo trong sa mạc. Có phải bạn là một thương buôn đang sử dụng những cần thiết của xã hội cho các nhu cầu của cuộc sống mình, cho lợi nhuận độc quyền và phi lý, hay bạn là người siêng năng giản dị, cần cù lao động, sẵn lòng cho sự đổi chác giữa thợ dệt và nông dân, và có phải bạn đang đòi lợi nhuận hợp lý như một người trung gian giữa hai phía cung cầu? Nếu là kẻ thứ nhất, thế thì bạn là phạm nhân dù đang sống trong lâu đài biệt thự hay chốn lao tù. Nếu là người thứ hai, thế thì bạn là người từ tâm cho dẫu bạn được dân chúng cảm tạ hoặc bị họ đấu tố. Có phải bạn là nhà lãnh đạo tôn giáo đang đan dệt cho hình hài mình chiếc áo chùng tu sĩ xuất từ sự vô minh của dân chúng, đang nặn đúc chiếc mũ miện cho mình xuất từ sự chất phác của tâm hồn dân chúng, và đang giả vờ ghét cái ác chỉ vì muốn sống dựa vào lợi tức của mình? Hay có phải bạn là người ngoan đạo và tận hiến, đang tìm thấy trong lòng mộ đạo của cá nhân mỗi người nền tảng cho một đất nước tiến bộ, và có thể thấy xuyên qua cuộc tìm kiếm sâu xa trong thăm thẳm linh hồn mình chiếc thang dẫn lên linh hồn vĩnh cửu, cái định hướng cho thế giới? Nếu là kẻ thứ nhất, thế thì bạn là tên dị giáo, không tin vào Thượng đế dù đang ăn chay ban ngày và cầu nguyện ban đêm. Nếu là người thứ hai, thế thì bạn là cây hoa tím trong vườn chân lý cho dẫu mùi thơm thất lạc trên cánh mũi của loài người, hoặc cho dẫu hương thơm tỏa vào không khí hiếm hoi ở đó mùi hương của các đóa hoa được giữ gìn. Có phải bạn là người làm báo, đang bán ý tưởng và nguyên tắc của mình trong ngôi chợ nô lệ, và sống trên sự khốn khó của dân chúng, như kên kên chỉ sà cánh xuống các thây ma động vật thối rữa? Hay có phải bạn là nhà giáo trên bục giảng của đô thị, đang thu thập kinh nghiệm từ cuộc sống và trình bày cho dân chúng theo những bài giảng bạn từng học được? Nếu là kẻ thứ nhất, thế thì bạn là vết thương và mụt nhọt. Nếu là người thứ hai, thế thì bạn là thuốc xoa dịu chỗ đau và là dược phẩm. Có phải bạn là người cai trị đang tự hạ trước kẻ bổ nhiệm mình, xem thường những ai bị mình cai trị, và chưa hề nhấc bàn tay trừ phi để với tới các chiếc túi, cũng như không bao giờ cất chân bước tới trừ phi để nghênh đón cấp trên? Hay có phải bạn là người đầy tớ trung thành chỉ phục vụ cho phúc lợi của dân chúng? Nếu là kẻ thứ nhất, thế thì bạn như bao bì khấu trừ trong sân đập lúa của quốc gia; và nếu là người thứ hai, thế thì bạn là phúc lành trên các kho lẫm. Có phải bạn là người đang cho mình được làm điều mình không cho phép vợ làm, bỏ nàng sống quạnh hiu với chiếc chìa khóa bạn nhét kỹ trong chiếc ủng của mình, và đang tham lam ăn nhậu, nhồi nhét các thức ăn mình ưa chuộng trong khi nàng ngồi đó với chiếc đĩa trống không? Hay có phải bạn là người bạn đời chỉ hành động khi sóng đôi tay trong tay hoặc không làm điều gì nếu nàng chưa đưa ý nghĩ và ý kiến của riêng nàng, và cùng chia sẻ với nàng hạnh phúc và thành công của bạn? Nếu là kẻ thứ nhất, thế thì bạn là một tàn dư của bộ lạc, đang khoác lớp da của loài sinh vật đã biến mất rất lâu trước ngày rời hang động; và nếu bạn là người thứ hai, thế thì bạn là lãnh đạo của một đất nước đang chuyển động trong rạng đông tới ánh sáng của công lý và minh triết. Có phải bạn là một nhà văn đang chỉ tìm kiếm trong sự tự ngưỡng mộ, giữ cho mình ở mãi trong thung lũng quá khứ bụi bặm, nơi các thời đại vứt lại tàn dư y trang và các ý tưởng vô dụng? Hay bạn là người suy tư sáng sủa, đang xem xét điều tốt lành và hữu ích cho xã hội, và trang trải đời mình trong cuộc xây dựng những gì mang lại lợi ích và hủy diệt những gì gây tổn hại? Nếu là kẻ thứ nhất, thế thì bạn nhu nhược và rồ dại; và nếu là người thứ hai, thế thì bạn là cơm cho những ai đang đói và nước cho những ai đang khát. Có phải bạn là một nhà thơ đang rung lục lạc nơi cửa nhà các tiểu vương gia hay tung hoa trong lễ cưới, và là kẻ bước đi trong đám tang với chiếc khăn thấm đẫm nước ấm trên cửa miệng, rồi được vắt bằng lưỡi cùng môi mình ngay lúc vừa đặt chân tới nghĩa trang? Hay có phải bạn là tặng phẩm Thượng đế đặt trong đôi bàn tay bạn, nơi dạo lên những khúc nhạc tuyệt trần, nâng tâm hồn chúng tôi tới những tuyệt vời trong cuộc sống? Nếu là kẻ thứ nhất, thế thì bạn là gã làm trò tung hứng, đang gợi lên trong lòng chúng tôi điều ngược lại những gì bạn dự tính. Nếu là người thứ hai, thế thì bạn là tình yêu trong con tim của chúng tôi và là khải thị trong tâm trí của chúng tôi. Ở Trung Ðông đang có hai đám rước: một của dân chúng già nua bước đi với những chiếc lưng cong, được nâng đỡ bởi những chiếc gậy cong; họ phì phò thở dù đang trên đường bước xuống đồi. Hai là đám rước của những người trẻ trung, chạy như bằng đôi chân có cánh và hân hoan như trong thanh quản có sợi tơ đàn; họ vượt qua các chướng ngại như thể đang có nam châm hút họ lên sườn núi và đang có ma thuật mê hoặc trái tim họ. Bạn thì sao, bạn muốn mình chuyển động trong đám rước nào? Bạn hãy tự hỏi và lắng mình suy tưởng khi vẫn còn đêm, hãy thấy cho ra mình là nô lệ của hôm qua hay giải thoát cho ngày mai. Tôi nói với bạn rằng con cái của các năm qua đang bước đi trong đám ma của một kỷ nguyên do chúng tạo ra cho chính chúng. Chúng đang níu kéo sợi thừng mục nhão hẳn sẽ sớm đứt và khiến chúng rơi xuống vực thẳm lãng quên. Tôi nói cho biết rằng chúng đang sống trong những ngôi nhà nền móng suy sụp - nhà của chúng sẽ đổ ập xuống đầu chúng, và như thế sẽ trở thành huyệt mộ của chúng. Tôi nói cho biết rằng hết thảy các ý nghĩ của chúng, các lời nói của chúng, các tranh cãi của chúng, các sáng tác phẩm của chúng, các cuốn sách của chúng và toàn bộ công trình của chúng đều chỉ là những dây xích quá yếu ớt chúng lê theo, không đủ sức kéo khối nặng của chính chúng. Nhưng con cái của ngày mai là những người được cuộc đời kêu gọi. Họ đi theo nó với đầu ngẩng cao và bằng bước chân chắc nịch. Họ là rạng động của những biên cương mới, không khói sương nào che phủ được họ, không tiếng loảng xoảng của xiềng xích nào nhấn chìm nổi tiếng nói của họ. Họ ít ỏi về số lượng nhưng khác với đống cỏ khô, họ là hạt lúa giống. Chẳng ai biết họ nhưng họ biết nhau. Họ giống những đỉnh núi có thể thấy nhau và nghe nhau, không như những cái hang chẳng bao giờ có thể nghe và thấy. Là hạt giống gieo bởi bàn tay Thượng đế trên cánh đồng, họ sẽ xuyên thủng vỏ và đong đưa chiếc lá tươi non trước vầng thái dương. Rồi sẽ lớn thành cây mạnh mẽ với rễ cắm sâu trong lòng đất và cành vươn lên giữa trời cao. |
Thứ Năm, 1 tháng 12, 2011
Chuyện tình qua tiểu thuyết Kim Dung Tác giả: Hồng Hạc
Kỳ 4: Mộng ban ngày của Trương giáo chủ
Muôn năm trường trị
Nhất thống giang hồ
"Tình trong giây lát
Bỗng thành thiên thu"?
Bàn về Trương Vô Kỵ, ta thấy ở con người đào hoa được Kim Dung chăm chút này có hai giấc mộng tình xảy đến kế nhau. Lần thứ nhất mộng trong khi ngủ. Lần thứ hai mộng trong khi thức.
Nói về lần thứ nhất thì thật hân hoan khoái hoạt, vì họ Trương mơ thấy mình "cưới Triệu Minh, rồi lại cưới Chu Chỉ Nhược. Chàng thấy Hân Ly mặt đã hết sưng biến thành một cô gái mỹ miều và cả Tiểu Siêu cũng lấy mình". Như thế một lúc cưới hết "tứ đại mỹ nhân" trong võ lâm làm vợ. Nhưng giấc xuân tình kia quá ngắn ngủi. Thức dậy, trong lòng Vô Kỵ hổ thẹn vô cùng. Ngẫm lại mình, thì thực tâm Vô Kỵ không muốn xa cách một người nào. Bởi cả bốn nàng đều xinh đẹp và đối xử với Trương thật tử tế. Người đời nay, đọc đến đó trách Vô Kỵ "không có chủ kiến" trong tình yêu. Nhưng theo Trần Mặc tiên sinh thời Vô Kỵ sống người đàn ông lấy năm thê bảy thiếp là thường, lấy một vợ mới là lạ và cho giấc mộng đó "là điều đầu tiên đáng chú ý trong chuyện tình yêu của Trương Vô Kỵ" cũng như "là lần đầu tiên dưới ngòi bút Kim Dung một nhân vật chính phái "công khai" mơ lấy bốn vợ".
Lần thứ hai thật khốn đốn, khó xử. Khi một trong bốn mỹ nhân là Tiểu Siêu đã lên đường sang Ba Tư, còn lại ba người khác là Triệu Minh, Chỉ Nhược, Hân Ly đã cùng Trương Vô Kỵ và Tạ Tốn trôi dạt vào một hoang đảo. Suốt hơn một tháng không thấy có bóng thuyền nào chạy gần bờ. Vắng lặng, cô lập trên hòn đảo mọc trơ trọi giữa biển như thế, lại thêm rối ruột vì Tạ Tốn và Chu Chỉ Nhược trúng phải độc Thập hương nhuyễn cân tán. Tạ Tốn được Vô Kỵ vận thần công xua hết độc tố trong người ra. Nhưng đến lượt cứu chữa Chu Chỉ Nhược thì Vô Kỵ rụt tay lại. Vì cách chữa bắt buộc phải để một bàn tay áp chặt sau lưng nạn nhân, bàn tay còn lại ấn vào trước bụng ngay lỗ rốn. Khi mơ thấy gì hay nấy, bây giờ khi thức Vô Kỵ không dám chạm vào da thịt nõn nà của Chỉ Nhược. Nhưng nếu không chữa, lâu ngày lục phủ ngũ tạng của nàng sẽ tổn thương nặng. Biết Vô Kỵ khó xử, Tạ Tốn bảo: "Để nghĩa phụ đứng ra làm chủ hôn cho con cưới nàng làm vợ luôn thể, như thế con khỏi phải áy náy trong lòng". Đáp lại, Vô Kỵ chỉ xin "đính hôn" chứ chưa "thành hôn" với Chỉ Nhược vội. Còn Chỉ Nhược vì yêu Vô Kỵ từ lâu, thẹn thùa đỏ mặt. Đính hôn xong "mặt của nàng chỉ cách mặt Vô Kỵ vài tấc thôi, nên khi nàng nói, hơi thở thơm như mùi hoa lan" làm Trương ngây ngất. Vô Kỵ ôm Chỉ Nhược vào lòng, khen nàng nhu mì hiền thục (?), sau này sẽ là vợ đáng yêu của mình. Lời nói lúc thức đó thật ra cũng chỉ là mộng nữa. Bởi sau này Chỉ Nhược ngả về với Tống Thanh Thư. Còn Vô Kỵ nguyện "kẻ lông mày" cho quận chúa Triệu Minh.
Cả hai lần mộng trên (khi ngủ và khi thức) bộc lộ một Vô Kỵ vọng tưởng triền miên. Chính Vô Kỵ cũng tự thừa nhận như thế. Thừa nhận là một chuyện, còn vẫn miên man sống trong "vọng tưởng" là một chuyện khác. Không những chỉ một "Vô Kỵ giữa chúng ta" vọng thôi, mà "chúng ta" ai cũng vọng, tương tục chồng chất, dứt điều này tiếp tới điều kia. Ngay Vô Kỵ tuy mộng cưới một lúc bốn người đẹp làm vợ song tự biết "sự thật người mà ta yêu nhất lại là tiểu yêu nữ, thâm độc giảo hoạt bất cứ việc gì cũng dám làm" là nàng Triệu Minh. Mắng Triệu Minh "tiểu yêu nữ" là hiểu lầm nàng. Xem Chỉ Nhược "nhu mì, hiền lành" cũng hiểu chưa hết Chỉ Nhược. Đó vẫn là một thứ "mộng trong mộng" như mấy câu: Sống bên người đã mộng. Nói chuyện người càng mộng. Nghĩ về mình cũng mộng. Ngã, vô ngã đều mộng. Thuyết về không là mộng. Thuyết về hữu càng không. Kể làm sao hết mộng? Theo Trần Mặc tiên sinh phải: "Có nhiều cách hiểu chúng ta mới thấy chuyện tình của Vô Kỵ rất giàu nội hàm nhân văn". Nói rộng ra như nhà nghiên cứu Đỗ Long Vân, thì sự giá trị hóa cái Tình (viết hoa) trong Kim Dung "là tỷ dụ điển hình nhất của sự giá trị hóa đời sống tâm hồn". Đời sống đó bao gồm những mộng là mộng. Đến đây, sực nhớ "mộng" của thi sĩ Đinh Hùng: Anh sẽ hồi sinh - em tái sinh. Hòa đôi thể chất một thân hình. Giác quan biển động, mưa đồng thiếp. Trên thịt da đau, núi quặn mình (Trái tim hồng ngọc). Hai thể chất nhưng một thân hình, tứ thơ ấy nhắc nhớ những cuộc "tình gần". Lại chẳng quên "tình xa" của Tiểu Siêu. Khi chấp nhận làm giáo chủ Minh giáo Ba Tư, theo giới luật, suốt đời Tiểu Siêu phải trinh trắng, không được lấy ai, nên ngọn lửa duy nhất "đầu tiên và cuối cùng" thắp lên trong tim nàng là của một Trương thôi. Như mẹ nàng, Đại Ỷ Ty thánh nữ, yêu chỉ một người. Hai mẹ con hiểu tâm tư của nhau, thông cảm nhau. Có lúc không kìm được, họ đã ôm nhau trước quần hùng mà khóc. Gương mặt đẹp của họ rất giống nhau - tựa hai giọt nước mắt đầu thai từ biển khổ lên. Đi rồi, nhưng họ vẫn tiếp tục "tái sinh" và phóng xuất nỗi niềm yêu vào nhiều nhân vật khác của Kim Dung, như nàng Hân Ly - một trong những người tình "mộng" nhất qua tiểu thuyết Kim Dung. Thật vậy, thử đọc đoạn dưới đây: Vết độc của Hân Ly ngày càng thêm nặng. Trên hoang đảo lại rất ít cây thuốc, dù Vô Kỵ có phép thuật thần thông đến mấy cũng không chữa nổi (…). Đảo lại thiếu những cây gỗ lớn, bằng không Vô Kỵ đã lấy làm bè để mạo hiểm vượt sóng trở về đất liền tìm thuốc chữa rồi. Tình cảnh ấy khiến trái tim Vô Kỵ như bị muôn vạn con dao nhọn đâm trúng hoài. Ban đêm, chàng nhai một ít cỏ thoái nhiệt mớm cho Hân Ly hạ sốt. Chàng thấy nàng ta không nuốt nổi nên đau lòng đến ứa nước mắt ra. Nước mắt nhỏ xuống mặt nàng bỗng đánh thức nàng dậy và nói: "A Ngưu đại ca hà tất phải rầu rĩ như thế làm chi, em sắp xuống âm phủ và sắp được gặp tiểu quỷ Trương Vô Kỵ, con người nhẫn tâm và chết non kia, em sẽ bảo y biết trên thế gian này có một vị là A Ngưu đại ca đối xử với em tử tế hơn Vô Kỵ nhiều". Vô Kỵ nghẹn ngào vì A Ngưu mà Hân Ly tha thiết nhắc đến cũng chính là Trương Vô Kỵ. Nhưng suốt đời nàng Hân Ly chỉ biết đi tìm chân trời góc bể một A Ngưu của mình trong mộng cũ mà thôi. Đối với nàng, Vô Kỵ đã phân thân làm hai: một Vô Kỵ của quá khứ bất trắc, thương tích, cô đơn là người nàng yêu (A Ngưu) và một Vô Kỵ của hiện tại làm giáo chủ Minh giáo là người nàng xa lạ vô cùng. Không chỉ bị phân thân (như Vô Kỵ) bởi cái nhìn của tha nhân (như Hân Ly chẳng hạn), mà trong đời sống thường nhật, chính người ta cũng đã tự phân linh vô số để phổ nhập vào những "mộng ban ngày". Nghĩa là người ta cứ đem tâm mình chạy theo vạn sự, vạn cảnh bên ngoài nhiều quá, đến ngày nguồn tự tại bên trong sẽ lâm vào suy kiệt. Lúc ấy tuy mình vẫn sống, vẫn ăn, vẫn thở nhưng thân tâm không "tự tại" mà cứ long đong "ngoại tại" hoài, chìm đắm trong cuộc "lưu đày" miên viễn do chính nghiệp lực của mỗi người dẫn dắt. Bắt đầu bằng một chữ "tình" đi trước vậy. Đó là điều Kim Dung muốn nói?
Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011
Chuyện tình qua tiểu thuyết Kim Dung Tác giả: Hồng Hạc
Kỳ 3: Tiểu Siêu - yêu ai yêu cả một đời
Ngàn mây đỡ chân thiếp
Ngàn hoa rải quanh thiếp
Không bằng được gặp chàng
Bên bờ cỏ Trường Giang
Khi thánh nữ Đại Ỷ Ty và Hàn Thiên Diệp làm lễ cưới thì hết phân nửa người trong Minh giáo ở đỉnh Quang Minh không đến dự để phản đối.
Họ hậm hực rằng: "Hàn Thiên Diệp là đại địch của bổn giáo, ngày nọ y đã muốn bức tử Dương giáo chủ và dồn mọi người vào tình huống bế tắc, nay sao nàng Đại Ỷ Ty lại chịu lấy y như vậy?". Song nhờ Dương giáo chủ và Tạ Tốn lên tiếng che chở, nên việc kết hôn của hai người hoàn tất. Trước đó, do có công lớn nên Đại Ỷ Ty được tặng mỹ hiệu là Tía Sam Long vương và được xếp ngang hàng với tam vương trong Minh giáo là: Ưng vương, Sư vương, Bức vương, hợp thành tứ vương. Về sau nàng rút khỏi Minh giáo cùng Hàn Thiên Diệp xuống núi. Để tránh sự truy đuổi của các cao thủ đến từ Ba Tư, Đại Ỷ Ty phải cải trang thành một bà già xấu xí "mũi ngửng lên trời, mặt vuông, tai to" và qua lại giang hồ với tên mới là Kim Hoa bà bà. Ngay dáng đi, cũng giả làm lụ khụ, lom khom, với tiếng cười "giống tiếng cú kêu trong đêm khuya". Vợ chồng Đại Ỷ Ty sinh một con gái là Tiểu Siêu cũng gửi đến một nơi tin cậy, không ai biết, để nhờ nuôi giùm. Cứ hai năm Đại Ỷ Ty mới đến thăm con một lần.
Tiểu Siêu lớn lên, xinh đẹp chẳng thua mẹ. Nàng được Đại Ỷ Ty giao vật tín giáo làm thánh nữ, tiếp tục sứ mệnh tìm Tâm pháp Càn khôn đại nã di trên đỉnh Quang Minh - thánh địa của Minh giáo Trung thổ - mang về Ba Tư. Muốn thâm nhập lên đó, Tiểu Siêu phải giả làm bề ngoài nhem nhuốc, biến mình từ cô gái xinh đẹp thành xấu xí, khó coi, miệng méo môi vồ. Nàng giả vờ lếch thếch cô thân trong sa mạc như người bị lạc đường và được tả sứ của Minh giáo là Dương Tiêu thương tình đem về nuôi, cho làm kẻ hầu người hạ trong nhà, trên đỉnh Quang Minh. Ở đó, đã chớm nở tình yêu âm thầm của Tiểu Siêu với một người: Trương Vô Kỵ.
Trương Vô Kỵ do nhiều nhân duyên đưa đẩy đã bị lọt giữa đường hầm hiểm hóc trên núi cao, chưa biết lối ra. Dưới địa đạo đỉnh Quang Minh ấy, Trương Vô Kỵ nghe cô bé Tiểu Siêu hát: "Hôm nay hãy biết bữa nay. Trăm năm thấm thoát đã hay một đời. Mấy ai thọ đến bảy mươi. Thời gian như nước chảy xuôi qua cầu". Nghe lời hát đó, Trương Vô Kỵ nghĩ đến "mười năm qua nếm trải đủ mùi gian khổ, đêm nay bị kẹt giữa lòng núi, trước mắt thấy không còn đường sống, bất giác cảm thấy não lòng"(*). Nhưng rồi, từ địa huyệt âm u đó, hai người tình cờ tìm được Tâm pháp Càn khôn đại nã di chép trên một tấm da dê. Để đọc những dòng chữ loằng ngoằng bí hiểm, Tiểu Siêu phải dùng đến chính máu của mình. Sau đó, Trương Vô Kỵ vận dụng Cửu dương thần công để kết hợp bí kíp tâm pháp, luyện thành "võ công kỳ diệu". Thoát khỏi địa huyệt, họ chứng kiến cảnh sáu đại môn phái bao vây giáo đồ Minh giáo vào giữa, Trương Vô Kỵ can thiệp và "Tiểu Siêu đã xả thân bảo vệ" Trương lúc cần kíp. Sau đó, lúc Trương Vô Kỵ được tôn làm giáo chủ Minh giáo, Tiểu Siêu hết lòng hầu hạ suốt hai năm dài. Trương Vô Kỵ, Dương Tiêu và tất cả quần hào Minh giáo không hề biết Tiểu Siêu xuất thân từ một địa vị tôn quý như thế nào. Họ cũng không hề hay biết Tiểu Siêu là đứa con duy nhất của thánh nữ Đại Ỷ Ty (tức Tía Sam Long vương). Tiểu Siêu vẫn đóng vai một con ở, một đầy tớ trên đỉnh Quang Minh. Những ngày đó, nàng lặng lẽ sống với "nỗi lòng" yêu Vô Kỵ. Dẫu thế, đối với nàng, đó là những ngày đẹp trôi mau.
Đến sau này, khi Trương Vô Kỵ và Tiểu Siêu (cùng Tạ Tốn, Triệu Minh, Chỉ Nhược, Hân Ly) bị hơn mười chiếc thuyền của Minh giáo Ba Tư vây khốn, họ lại kề cận một lần nữa bên cái chết. Mười hai chiếc thuyền ấy đến từ Ba Tư chở theo 12 Bảo Thụ vương sau những ngày truy tìm đã bắt được Đại Ỷ Ty thánh nữ. Bấy giờ, Đại Ỷ Ty đang giả làm Kim Hoa bà bà, chối phăng mọi lời chất vấn. Một trong 12 Bảo Thụ vương là Trí Tuệ Vương liền "cười nhạt một tiếng, đứng dậy giơ tay lột luôn mớ tóc trắng ở trên đầu Kim Hoa bà bà ra, làm hiện suối tóc đen nhánh và nhỏ mượt như tơ (…) lột luôn cái mặt nạ xuống để lộ khuôn mặt đẹp khôn tả". Rồi họ đứng trên thuyền nói to: "Đại Ỷ Ty đã phạm lỗi lớn với Tổng giáo thế nào cũng bị hành hình bằng cách thiêu thân". Tiểu Siêu khóc. Trương Vô Kỵ bối rối. Tạ Tốn nói: "Thà mình có tán thân mất mạng cũng phải cứu Đại Ỷ Ty thoát hiểm". Và họ cứu được Đại Ỷ Ty thật, nhưng diễn biến bất lợi sau đó khiến thuyền họ bị chìm dần. Thuyền Ba Tư lại áp tới vây kín. Lúc thập tử nhất sinh như vậy, một lần nữa, thánh nữ Đại Ỷ Ty đột nhiên cứu nguy, hướng về Trí Tuệ vương nói lớn những câu gì đó bằng tiếng Ba Tư. Có lẽ thánh nữ vừa nhận lỗi mình, vừa thông báo việc Tiểu Siêu nhận lời làm giáo chủ... Nghe xong, Trí Tuệ vương ngẩn người một lúc, lệnh 8 thủy thủ buông một chiếc xuồng nhỏ xuống, chèo như bay về phía thuyền sắp chìm của Trương Vô Kỵ, để vớt Đại Ỷ Ty và Tiểu Siêu lên chiếc thuyền lớn nhất của họ "rồi hoan hô reo hò chấn động cả một góc trời". Tất cả người Ba Tư trên các chiếc thuyền còn lại bao quanh đều hướng về phía Tiểu Siêu để "nằm rạp người xuống vái lễ". Cả các vị Bảo Thụ vương cũng quỳ trước mặt Tiểu Siêu. Hành lễ xong, Tiểu Siêu vẫy tay gọi: "Trương công tử!" và đưa thuyền đến vớt Tạ Tốn, Trương Vô Kỵ, Triệu Minh, Chỉ Nhược, Hân Ly lên thuyền lớn của Tổng giáo. Nàng sai người cung kính đem khăn mặt và thức ăn cho mọi người. Riêng mình thì đích thân cầm một bộ quần áo vào khoang thuyền của Trương Vô Kỵ dịu dàng nói: "Công tử hãy để tiểu nữ hầu hạ thay áo cho". Vô Kỵ xúc động: “Này Tiểu Siêu, nay cô đã là giáo chủ của Tổng giáo, tôi trở thành hạ thuộc của cô mới phải, sao cô còn hầu hạ tôi như thế?". Tiểu Siêu van lơn: "Thưa công tử, đây là lần cuối cùng xin công tử cho phép tiểu nữ được hầu hạ công tử. Rồi đây, Tiểu Siêu sẽ lên đường về Ba Tư nghìn trùng, không còn dịp nào gặp mặt nhau nữa. Lúc ấy, tiểu nữ muốn hầu hạ công tử một lần nữa cũng nào có được đâu". Tiểu Siêu vừa chải tóc cho Trương Vô Kỵ vừa khóc "nước mắt chảy thành dòng, Vô Kỵ không sao kềm chế được xúc động, liền giơ tay ôm nàng vào lòng, cúi đầu hôn nhẹ". Tiểu Siêu kể hết lai lịch và nói rõ tâm tình của mình trước đây là "không muốn làm giáo chủ của Minh giáo Ba Tư mà chỉ muốn suốt đời làm người hầu của công tử, suốt đời không muốn rời xa công tử". Nhưng nay phải nhận làm, vì lẽ gì hẳn mọi người đều có thể suy ra. Khi chia tay, Trương Vô Kỵ nhìn theo "cho tới lúc chiếc thuyền lớn của Tiểu Siêu chỉ còn là một chấm đen, nhưng mỗi khi gió bể thổi tới, Vô Kỵ còn nghe như có tiếng khóc văng vẳng của Tiểu Siêu từ xa vọng lại".
(*) Bàn về các nhân vật trong tiểu thuyết Kim Dung. Trần Mặc, NXB Hội Nhà văn (Lê Khánh Trường dịch).
Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011
Chuyện tình qua tiểu thuyết Kim Dung-Kỳ 2
Kỳ 2: Người yêu của thánh nữ
Tác giả: Hồng Hạc
Ngọn lửa tình khơi dậy
Giáo chủ cũng xiêu lòng
Trái tim hằng lạnh cóng
Bỗng hẹn lời trăm năm
Là thánh nữ và là người được chọn để lên ngôi giáo chủ, Đại Ỷ Ty phải ngoảnh mặt với tất cả những lời tỏ tình. Nàng thao thức, nghĩ tới sứ mệnh bí mật của mình khi đến Trung Hoa, đó là trà trộn vào Minh giáo bản địa, lấy pho Tâm pháp Càn khôn đại nã di vốn là thần công hộ giáo đem về Ba Tư.
Trước khi đi, giáo chủ Minh giáo Ba Tư viết sẵn một bức thư gửi giáo chủ Minh giáo Trung thổ (là Dương Phá Thiên) và giao ba sứ giả người Ba Tư cầm thư dẫn nàng ra mắt Dương giáo chủ. Thư viết: "Có một Tịnh Thiên sứ giả vốn là người Trung Hoa đến Ba Tư đã lâu, gia nhập Minh giáo lập nhiều công trạng, nên đã lấy được một người con gái Ba Tư làm vợ, sinh một con gái. Một năm trước đây, Tịnh Thiên sứ giả qua đời. Lúc sắp chết có nhớ đến cố thổ, để lại di chúc bảo đứa con gái của ông (là Đại Ỷ Ty) về đất Trung Hoa. Tổng giáo chủ (Ba Tư) tôn trọng ý muốn của vị sứ giả đó mới sai người đem cô gái về Quang Minh Đỉnh, mong Minh giáo Trung thổ nuôi nấng và dạy cho".
Đọc thư, Dương giáo chủ đồng ý ngay và cho mời thiếu nữ. Tạ Tốn kể: "Thiếu nữ vừa bước vào, khách sảnh đột nhiên như bừng sáng lên. Nàng đẹp không thể tưởng tượng được! Khi nàng quỳ xuống lạy Dương giáo chủ, Tả hữu Quang Minh sứ, ba Phán Vương, năm Tảng Nhân, Ngũ hành kỳ sứ đều chấn động. Ba sứ giả Ba Tư đi theo nàng ở trên Quang Minh Đỉnh một đêm - đến hôm sau giã từ Dương giáo chủ đi luôn! Còn thiếu nữ tuyệt đẹp tên là Đại Ỷ Ty thì ở lại trên Quang Minh Đỉnh (...). Trong giáo và ngoài giáo có hơn trăm người để ý đến, ai cũng muốn lấy làm vợ". Bấy giờ, Dương phu nhân (vợ giáo chủ Dương Phá Thiên) làm "mai mối" Đại Ỷ Ty cho hữu sứ Phạm Dao nhưng "nàng ta giơ kiếm lên định tự vẫn và nói với mọi người rằng nàng quyết không lấy ai hết, nếu cứ ép buộc thì nàng đành chết chớ không bao giờ ưng thuận". Vì thế, bao nhiêu người đeo đuổi phải nản lòng. Nhưng, tại sao Hàn Thiên Diệp là kẻ bại trận dưới tay Đại Ỷ Ty mà nàng lại nhanh chóng đem lòng thương yêu, bất chấp thánh giáo? Có thể xét đến ba yếu tố:
Thứ nhất, đó là do lòng hiếu thảo của họ Hàn. Nguyên năm xưa thân phụ Hàn Thiên Diệp bị Dương giáo chủ dùng Đại cửu thiên thủ đánh trọng thương. Quá uất giận, ông ta tuyên bố sau này nhất định sẽ sai con mình đến tìm Dương giáo chủ rửa hận. Dương giáo chủ hứa: "Hễ con của ngươi tới báo thù bất kể là trai hay gái ta cũng nhường cho họ đánh trước 3 thế võ". Nhưng thân phụ Thiên Diệp gạt đi: "Khỏi cần nhường như vậy. Chỉ cần cách đấu như thế nào phải để con cái ta chọn lấy". Dương giáo chủ đồng ý. Mười mấy năm sau, bấy giờ Hàn Thiên Diệp đã lớn, vâng lời cha lên Quang Minh Đỉnh báo thù, thuận theo chữ "hiếu".
Thứ hai, Hàn Thiên Diệp là người có "dũng". Lúc đầu, quần hào thấy anh ta "mặt mũi rất tầm thường mà dám đơn thân độc mã lên Quang Minh Đỉnh tầm thù, ai nấy đều ha hả cười, nhưng Dương giáo chủ rất nghiêm nghị đón tiếp Hàn Thiên Diệp như thượng khách vậy. Giáo chủ còn thết tiệc khoản đãi y nữa". Anh ta nhắc lại lời hứa trước kia của Dương giáo chủ để giành quyền chọn cách giao đấu. Theo đó, anh ta đòi Dương giáo chủ phải cùng nhảy vào hồ nước lạnh Bích Thủy Hằng để quyết thắng bại với mình và "nếu ai thua phải tự vẫn trước mặt mọi người". Nghe thế, ai nấy kinh hãi vì tuy Dương giáo chủ công lực luyện tới chỗ cao siêu nhưng nếu phải lặn dưới nước theo lối "thủy chiến" sẽ không thích hợp với sở trường của giáo chủ. Chắc chắn giáo chủ sẽ không thi triển được võ công và bị chết đuối nửa chừng. Vì thế, quần hùng đồng thanh quát mắng để trấn áp Hàn Thiên Diệp. Song anh ta vẫn bình tĩnh nói lớn: "Tại hạ một thân một mình lên Quang Minh Đỉnh chỉ mong chết trên này thôi. Quý vị anh hùng hào kiệt cứ việc múa đao phân thây tại hạ đi…". Chứng kiến và nghe lời khẳng khái của một thanh niên hiếu đễ can trường như vậy, Đại Ỷ Ty suy ngẫm và chắc hẳn không khỏi xao động tấm lòng...
Thứ ba, khi biết mình không thể giao đấu theo cách họ Hàn đưa ra, Dương giáo chủ lên tiếng: "Này Hàn huynh, năm xưa tại hạ quả có hứa với lệnh phụ thực. Người hảo hán phải quang minh mới được. Tại hạ nhận thua trận đấu này. Hàn huynh muốn xử lý thế nào tùy ý". Quần hùng sửng sốt. Còn Hàn Thiên Diệp bấy giờ mới để lộ một con dao sáng loáng bén nhọn dưới tay áo ra, tự dí vào giữa ngực mình, nói với Dương giáo chủ: "Con dao găm này là của tiên phụ để lại. Tại hạ chỉ mong Dương giáo chủ vái lạy con dao này 3 lạy thôi". Nói thế khác nào buộc Dương giáo chủ phải vái lạy thân phụ họ Hàn đã khuất. Đó cũng là đòi hỏi, là mục đích để họ Hàn dấn thân đến tử địa. Đồng thời đòi hỏi đó khiến quần hào ở Quang Minh Đỉnh bị xúc phạm. Họ tức giận vô cùng nhưng chưa thể đụng gì đến họ Hàn được. Vì theo quy củ giang hồ, trong trường hợp này, Dương giáo chủ "phải tuân theo ý muốn của đối phương" đúng như lời hứa. Mà lạy 3 lạy xong tất nhiên sự việc đồn đãi ra ngoài, uy thế của Dương giáo chủ sẽ xuống thấp. Trọng danh dự, Dương giáo chủ sẽ phải tự vẫn. Họ Hàn tuy đang thắng, song cũng lường trước "khung cửa hẹp" mà định mệnh đã dành sẵn cho anh ta. Nghĩa là "nhận 3 lễ của giáo chủ xong, y sẽ phải đâm lưỡi dao găm vào ngực tự tử. Vì y biết, nếu y không tự tử chết, thì thế nào cũng bị quần hào của Minh giáo giết liền". Đã dứt khoát chọn cái chết như thế, thì còn sợ gì những lời hăm he búa rìu trước mắt? Nên họ Hàn vẫn đứng sừng sững vững vàng giữa vòng vây của "triều thần" Minh giáo, ngang nhiên cất lên tiếng nói của riêng mình. Hình ảnh đó không khỏi thầm kín len vào tâm hồn thánh nữ. Rõ ràng, Dương giáo chủ danh trấn giang hồ lại đang bị một gã vô danh trẻ tuổi bức tử. Mà tất cả quần hào tinh hoa của Minh giáo đứng đó đành phải bó tay, lặng người, im phăng phắc vì "vô kế khả thi". Chính lúc ấy, thánh nữ Đại Ỷ Ty tiến lên trước quần hào tự nhận mình là con của Dương giáo chủ và nói: "Thưa cha, người ta có một người con trai hiếu thảo như vậy chẳng lẽ cha lại không có một người con gái hiếu thảo hay sao. Vị Hàn gia tới đây để báo thù cho cha anh ta. Vậy con xin phép được thay mặt cha để đối địch Hàn gia mấy hiệp". Liền đó, trận huyết chiến bên hồ Bích Thủy Hằng diễn ra như đã nói. Nếu trận đánh ấy "giải vây" được cho Dương giáo chủ và phá tan bầu khí bế tắc quanh quần hào, thì chính nó lại "bắt" thánh nữ vào lưới tình trăm năm. Sau này, Tạ Tốn có nói giữa thánh nữ và hữu sứ Phạm Dao đã "phải lòng nhau" trước ngày gặp Hàn Thiên Diệp. Nhưng dù thật như thế, tình cảm ấy cũng chưa đủ chín để "sầu rụng" lên nhau.
Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2011
Chuyện tình qua tiểu thuyết Kim Dung-Kỳ 1
Tác giả: Hồng Hạc
Kỳ 1: Kỳ ngộ bên hồ Bích Thủy Hằng
Gươm đao không có mắt
Đường tình không lối đi
Danh trấn khắp giang hồ
Ngã ngựa trước tình si
Rất nhiều nhân vật lừng lẫy trong thế giới võ hiệp của Kim Dung đã nếm trải những cuộc tình ngọt ngào, đắng cay, êm đềm hoặc sóng gió như chính cuộc đời họ. Chẳng hạn, Đoàn Dự - một vương tử đa tình, bỏ lại cảnh sống vàng son sau lưng, để dấn thân vào "gió tanh mưa máu" đeo đuổi nàng Vương Ngữ Yến đến "cùng trời cuối đất". Song lại cũng có một Lâm Bình Chi vì tham vọng tiến thân "võ lâm xưng hùng", lén luyện Tịch tà kiếm pháp, nên phải "cung kiếm tự thiến", không "chăn gối" được, bỏ mặc nàng Nhạc Linh San sau đêm tân hôn phải bẽ bàng, tủi thẹn. Cũng có một Du Thản Chi chịu trùm cái khuôn sắt nung cháy lên đầu để mong được gần người con gái độc ác mà mình trót si mê…
Họ đã "từng đôi, từng đôi" bước vào tình sử võ lâm, như Quách Tĩnh với Hoàng Dung, Kiều Phong với A Châu, Trương Thiếu Sơn với Hân Tố Tố, Lệnh Hồ Xung với Nhậm Doanh Doanh, Trương Vô Kỵ với Triệu Minh... Và nếu kể tới các cuộc tình kỳ ngộ, có lẽ nên nhắc đến hai người trong Ỷ thiên Đồ long ký là đệ nhất mỹ nhân Đại Ỷ Ty và Hàn Thiên Diệp. Họ gặp nhau lần đầu là phải xông vào tử chiến một còn một mất với nhau. Trận đánh định mệnh này diễn ra tại một địa điểm khá đặc biệt, nằm trên đỉnh núi cao, giữa hồ Bích Thủy Hằng.
Hồ này mùa hè nắng gắt nước vẫn lạnh, tới nỗi không ai dám lội xuống tắm. Sang mùa đông, nhằm lúc hai người đến đó đấu nhau thì mặt hồ đã đóng băng cứng ngăc. Hơi lạnh từ dưới hắt lên, từ xa thổi tới, đã rét thấu xương rồi, huống hồ hai người theo thỏa thuận trước, phải nhảy xuống giao đấu dưới nước. Nàng Đại Ỷ Ty mặc bộ đồ màu tía, phi thân ra giữa hồ, đứng trên mặt băng chói sáng, trông đẹp như một nàng tiên, rút trường kiếm rạch một lỗ vuông trên băng rồi dùng chân trái giậm mạnh cho mảng băng chìm đi, lộ ra khoảng nước màu xanh thẳm, lẳng lặng nhảy ngay xuống chỗ ấy. Thấy vậy, Hàn Thiên Diệp tay cầm dao găm cũng nhảy theo. Họ đấu nhau dưới làn nước giá buốt, quần hào "đứng ở trên bờ không sao trông thấy diễn biến trận đấu của hai người như thế nào, chỉ thấy dưới đầm rung động thôi. Một lát sau mặt nước ngưng hẳn. Không bao lâu mặt nước lại sùi bọt như trước (…). Qua một hồi lâu nữa, đột nhiên lại có máu tươi, cứ theo bọt sủi lên. Mọi người lại lo âu thêm. Không biết máu của Thiên Diệp hay của nàng Đại Ỷ Ty. Một lát sau nữa, Thiên Diệp bỗng trồi lên và đứng trên tảng băng thở hồng hộc. Mọi người giật mình đồng thanh hỏi: "Đại Ỷ Ty đâu? Đại Ỷ Ty đâu?". Lại thấy Thiên Diệp hai tay không, dao găm cắm trên ngực bên trái, hai bên má đều có vết thương. Ai nấy đang kinh ngạc thì Đại Ỷ Ty tựa như một con cá hóa rồng uyển chuyển từ trong nước sâu bay vọt lên cao ra khỏi mặt nước lạnh, tay vẫn cầm trường kiếm. Nàng còn lượn trên không hai vòng rồi mới hạ chân đứng trên mặt băng (…). Không ai ngờ một cô bé ẻo lả yếu ớt như vậy mà lại có tài bơi lội giỏi như thế" (*). Nàng không giết Hàn Thiên Diệp dẫu nàng thừa sức ra tay. Trái lại, những giọt máu từ ngực Hàn chảy xuống trên băng lạnh, sau này trở thành những giọt hồng khó quên trong ký ức của hai người. Bởi không lâu sau trận huyết chiến, từ chỗ đối đầu sinh sát, họ quay ra săn sóc nhau và yêu nhau. Cuộc tình của họ không chỉ làm ngỡ ngàng, chấn động giới võ lâm Trung thổ, mà còn khiến các cao thủ của Tổng giáo Minh giáo tận bên Ba Tư phải lặn lội kéo sang truy tìm nàng Đại Ỷ Ty. Vậy Đại Ỷ Ty là ai? Tại sao lại dính dấp đến Minh giáo Ba Tư?
Theo giải thích của Kim mao sư vương Tạ Tốn, Đại Ỷ Ty là người Ba Tư lai Trung Hoa, tóc và mắt đen láy, mũi cao, đẹp như hoa nở, được coi là đệ nhất mỹ nhân và được chọn để chuẩn bị lên ngôi giáo chủ của Minh giáo Ba Tư. Ngôi giáo chủ bên ấy xưa nay do các thiếu nữ đồng trinh đảm nhận để "duy trì sự trong sạch thiêng liêng của Minh giáo - bất cứ vị nữ giáo chủ nào cũng vậy, khi vừa nhận chức xong, là phải lựa sẵn 3 người con gái - con của các nhân sĩ thuộc hàng có địa vị cao trọng nhất trong giáo để làm thánh nữ. Ba thánh nữ ấy phải thề độc trước bàn thờ tổ, rồi đi bốn phương lập công tích đức cho Minh giáo. Tới khi giáo chủ tạ thế, các trưởng lão liền họp bàn xét xem công đức 3 thánh nữ đó, để lựa người có công đức lớn nhất làm giáo chủ. Còn như trong 3 thánh nữ mà có một người bị mất trinh tiết thì người đó phải ghép tội hỏa thiêu. Dù chạy đến chân trời góc biển cũng bị người của Minh giáo ở Ba Tư truy tìm rượt bắt nhằm duy trì trinh thiện của Thánh giáo". Được chọn làm thánh nữ, Đại Ỷ Ty thừa biết nếu yêu ai, lấy ai, mình sẽ bị trừng phạt, thiêu sống. Nhưng khi sang Trung Hoa nhằm thực hiện một sứ mệnh bí mật, thì nàng dám cả gan đi ngược thánh giáo, để yêu và lấy một người Trung Hoa là Hàn Thiên Diệp sau cuộc "kỳ ngộ" ở hồ Bích Thủy Hằng. Vậy, Hàn Thiên Diệp có sức quyến rũ gì tới nỗi đệ nhất mỹ nhân Minh giáo phải lụy vì tình và phải luôn sống phập phồng, giấu mặt?
(*) Những câu trích và in nghiêng trong ngoặc kép là từ bản dịch Cô gái đồ long của Từ Khánh Phụng.